Hải Phòng: Lọc máu liên tục cứu sống bệnh nhi 11 tháng tuổi mắc sởi biến chứng nguy kịch

15-04-2025 14:13 | Y tế
google news

SKĐS - Bé trai 11 tháng tuổi chưa tiêm phòng vắc xin sởi, mắc sởi biến chứng nguy kịch, có hội chứng ARDS (bệnh phối trắng) đã được các bác sĩ Bệnh viện Trẻ em (Hải Phòng) cấp cứu, lọc máu liên tục.

Mới đây, các bác sĩ Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng đã điều trị thành công một trường hợp sởi biến chứng nguy kịch ở trẻ 11 tháng tuổi bằng phương pháp lọc máu liên tục kết hợp thở máy xâm nhập.

Bệnh nhi là bé trai 11 tháng tuổi, chưa tiêm phòng vắc xin sởi, được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực và chống độc trong tình trạng rất nặng từ Khoa Bệnh nhiệt đới của bệnh viện. Trẻ được chẩn đoán mắc sởi biến chứng suy hô hấp độ III, viêm phổi rất nặng kèm theo hội chứng ARDS (bệnh phổi trắng), tăng áp phổi và bão cytokin – một trong những biến chứng nguy hiểm nhất với tỷ lệ tử vong cao.

Hải Phòng: Lọc máu liên tục cứu sống bệnh nhi 11 tháng tuổi mắc sởi biến chứng nguy kịch- Ảnh 1.

Các bác sĩ BV Trẻ em (Hải Phòng) đã cho lọc máu tiên tục kèm thở máy xâm nhập, cứu sống bệnh nhi mắc sởi, biến chứng nguy kịch. Ảnh: BVTE

Ngay khi tiếp nhận, các bác sĩ đã khẩn trương triển khai các biện pháp điều trị tích cực bao gồm: đặt nội khí quản, thở máy xâm nhập, truyền IVIG, phối hợp kháng sinh và đặc biệt là áp dụng kỹ thuật lọc máu liên tục nhằm loại bỏ các chất gây viêm và ổn định huyết động.

Sau 4 ngày lọc máu và điều trị tích cực, tình trạng sức khoẻ bệnh nhi có tiến triển rõ rệt. Các chỉ số sinh hóa trong máu trở về mức bình thường, hình ảnh X-quang phổi cải thiện đáng kể. Bé đã được cai máy thở và ngừng lọc máu.

Hiện, bệnh nhi có thể tự thở, môi chi hồng, không sốt, ăn bú tốt, các chỉ số chức năng sống dần ổn định.

Từ trường hợp bệnh nhi trên, các bác sĩ Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng khuyến cáo, Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, lây lan nhanh qua đường không khí, giọt bắn hoặc tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết hô hấp. Triệu chứng thường gặp gồm: sốt, viêm long đường hô hấp, viêm kết mạc và phát ban. Biến chứng nặng của sởi như viêm phổi, ARDS, bão cytokin, viêm cơ tim hoặc viêm não có thể dẫn đến tử vong nhanh chóng nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời.

Trong các trường hợp nặng, kỹ thuật thở máy và lọc máu liên tục là phương pháp điều trị tối ưu, giúp cứu sống người bệnh và giảm thiểu biến chứng nguy hiểm.

Vắc xin phòng sởi hiện nay có hiệu quả rất cao trong phòng ngừa bệnh. Phần lớn các ca mắc sởi nặng đều chưa được tiêm phòng hoặc tiêm chưa đầy đủ. Do đó, các bậc cha mẹ cần chủ động đưa trẻ đi tiêm vắc xin đúng lịch, đặc biệt là trong thời điểm dịch đang có xu hướng bùng phát.

Đã có ca tử vong Sởi ở người lớn, Bộ Y tế khuyến cáo 5 cách phòng chống bệnh với nhóm nguy cơ caoĐã có ca tử vong Sởi ở người lớn, Bộ Y tế khuyến cáo 5 cách phòng chống bệnh với nhóm nguy cơ cao

SKĐS - Bộ Y tế, chiều nay (13/4) cho biết, hiện nay bệnh Sởi đã ghi nhận nhiều trường hợp là người trưởng thành, có diễn biến nặng và đã ghi nhận trường hợp tử vong.

Mời quý vị xem thêm video dưới đây:

Gần 600 loại sữa giả tuồn ra thị trường- Người dùng đối mặt với nguy cơ sức khỏe nghiêm trọng - SKĐS


Tiến SInh
Ý kiến của bạn