Nhu cầu ăn bán trú tại trường tiểu học rất lớn
Tại quận Hải An, Hải Phòng, có 8 trường tiểu học thì tất cả các trường điều triển khai bếp ăn bán trú. Mô hình tổ chức bếp ăn bán trú của các trường tiểu học trên địa bàn quận Hải An hiện đang triển khai theo hình thức nhà trường tự sản xuất: ký hợp đồng với nhà cung cấp thực phẩm, chuyển tới bếp ăn của trường, giao tổ bếp nấu bữa ăn cho học sinh từ thứ 2-thứ 6 hàng tuần. Với cách làm này đòi hỏi BGH nhà trường phải cắt cử 1 cán bộ chuyên trách lo kiểm soát từ lúc nhận thực phẩm cho tới toàn bộ quy trình kiểm soát, chế biến và gánh mọi rủi ro nếu xảy ra sự cố từ bữa ăn học đường.
Tại trường Tiểu học Cát Bi (quận Hải An, Hải Phòng) hiện có 2.056 học sinh, chia làm 46 lớp nhưng chỉ đáp ứng được 30% số học sinh ăn bán trú trong trường do điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng, phòng ăn hạn chế. Mỗi suất ăn của các em học sinh có mức 26.000đ/học sinh/ngày, gồm 1 bữa chính (ăn trưa) và 1 bữa phụ chiều (sau khi ngủ dậy).
Để thực hiện bếp ăn học đường này, BGH nhà trường phải cắt cử phó hiệu trưởng phụ trách toàn bộ khâu bếp ăn từ kiểm tra chất lượng thực phẩm cho tới giám sát định lượng hàng hóa nhập vào, lên thực đơn bữa ăn, đảm bảo dinh dưỡng và quy trình chế biến, kiểm tra công tác vệ sinh nhà bếp v.v… Với cách làm này, BGH nhà trường sẽ chịu mọi trách nhiệm hoàn toàn về chất lượng an toàn bữa ăn cho học sinh của mình.
Cô giáo Phạm Thúy Hải - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Hàng năm, qua khảo sát đăng ký ăn bán trú, nhà trường tiếp nhận khoảng 90% nguyện vọng từ phía các phụ huynh mong muốn cho các cháu từ khối 1-khối 5 được ăn bán trú tại trường. Điều này cho thấy, nhu cầu ăn bán trú tại trường đối với học sinh tiểu học là rất lớn. Tuy nhiên, do điều kiện cơ sở hạ tầng, phòng học còn hạn chế nên nhà trường chỉ có thể tổ chức ăn bán trú cho học sinh khối 1 và 2. Hàng ngày, phó hiệu trưởng hoặc hiệu trưởng phải có mặt từ 6h30 để giám sát, kiểm tra công tác vệ sinh nhà bếp, nguồn thực phẩm, quy trình chế biến. Bếp ăn của trường tuân thủ quy trình một chiều từ nhiều năm nay. Các dụng cụ ăn uống như tô, đĩa, thìa, khay... đều được rửa và hấp bằng máy nên đảm bảo an toàn".
Tại trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố, quận Lê Chân, Hải Phòng, khoảng hơn tháng nay, nhà trường thí điểm tổ chức ăn bán trú theo mô hình ký hợp đồng dịch vụ, thuê công ty chế biến suất ăn chuyên nghiệp tới tận trường nấu. Với cách làm này, đơn vị chế biến suất ăn sẽ lo toàn bộ quy trình từ lên thực đơn theo quý (đảm bảo không bữa ăn đa dạng, đủ chất), chọn nguồn thực phẩm, kiểm tra chất lượng thực phẩm, vệ sinh nhà bếp, giám sát chế biến và chịu toàn bộ trách nhiệm về an toàn bữa ăn của học sinh.
Cô giáo Nguyễn Thị Thắm - Hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố cho biết: "Nhà trường đang ký hợp đồng thuê một đơn vị sản xuất suất ăn chuyên nghiệp đảm bảo các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn thực phẩm. Hàng ngày, đơn vị sản xuất bữa ăn cho xe chuyên dụng chống độc chở nguyên liệu thực phẩm đến trường, thực hiện các khâu từ vệ sinh, chia định lượng, chế biến, chia khẩu phần ăn cho học sinh. Mỗi suất ăn cho học sinh có mức giá 30 ngàn đồng/ học sinh đã bao gồm chất đốt, 2 bữa ăn chính và phụ, thuế GTGT, bảo hiểm suất ăn cho học sinh phòng khi rủi ro xảy ra.
Qua thí điểm, nhà trường và phụ huynh nhận thấy, học sinh rất thích bữa ăn kiểu này vì thực đơn phong phú, cân bằng dinh dưỡng, đa dạng, ngon miệng. Bản thân nhà trường cũng bớt được phần nào áp lực khi phải vừa quản lý, hoạt động chuyên môn về giáo dục, vừa phải lo giám sát từng lạng thịt, mớ rau rồi chất lượng thực phẩm… Mỗi ngày, giáo viên chủ nhiệm các lớp đều gửi hình ảnh bữa ăn về cho nhóm phụ huynh lớp để họ nắm bắt thực đơn, khẩu phần ăn của con.
Bà Nguyễn Thị Lệ Thuỷ - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Lê Chân cho biết: "Hiện, các trường tiểu học trên địa bàn quận Lê Chân đều tổ chức ăn bán trú từ lớp 1 tới lớp 5, có trường chỉ đến lớp 3 tùy vào điều kiện cơ sở vật chất có đáp ứng được hay không. Nhìn chung, tổ chức ăn bán trú cho học sinh tiểu học trên địa bàn quận mới đáp ứng được 50%, thực tế, nhu cầu của phụ huynh muốn con được ăn bán trú tại trường là rất lớn. Một số trường cũng có triển khai thí điểm mô hình bếp ăn chuyên nghiệp bằng việc thuê đơn vị chuyên về lĩnh vực này tới trường sản xuất và nhận được phản hồi tốt, còn lại phần lớn các trường vẫn tự sản xuất 100%".
Cần gỡ rối cho các nhà quản lý giáo dục
Theo ghi nhận của phóng viên, tại Hải Phòng, hiện phần lớn các trường tiểu học đang duy trì mô hình tự mua thực phẩm, ký hợp đồng nhân công làm bếp và chế biến suất ăn cho học sinh tại trường. Cách làm này có thuận lợi là giá thành rẻ hơn chút nhưng lại bộc lộ nhiều hạn chế, gây áp lực lớn cho chính BGH nhà trường.
Nhiều hiệu trưởng thực hiện bếp ăn bán trú theo mô hình này đã thừa nhận, họ vô cùng áp lực vì vừa quản lý hoạt động chuyên môn, vừa phải lo chuyện bếp núc trong khi chuyên môn về vệ sinh ATTP không có, chưa kể việc ký kết hợp đồng lao động với nhân công làm bếp cũng chưa đúng quy định. Đặc biệt, mới đây khi sự cố xảy ra ở trường iSchool Nha Trang làm 1 học sinh tử vong liên quan bữa ăn bán trú khiến các hiệu trưởng càng lo lắng, áp lực. Vì lẽ đó, nhiều đơn vị đã chọn phương án thuê đơn vị có đủ các điều kiện như chứng nhận ISO 22000: 2018 (hệ thống quản lý an toàn thực phẩm), chứng chỉ HACCP (hệ thống quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm) nhằm hạn chế rủi ro và chuyên nghiệp hơn trong hoạt động bếp ăn bán trú cho học sinh.
Một số hiệu trưởng bậc tiểu học ở Hải Phòng bày tỏ quan điểm, nhà giáo chỉ thuần túy về chuyên môn dạy và học, không có nghiệp vụ về dinh dưỡng hay an toàn thực phẩm nên để làm tốt bữa ăn bán trú này cần thuê một đơn vị chuyên về lĩnh vực này tới sản xuất bữa ăn ngay trong trường.
"Ngay như việc giám sát đường đi của thực phẩm, nhà trường sao làm được. Mua thực phẩm của một hay nhiều nhà cung ứng rồi chuyển cho tổ bếp của trường nấu nhưng nếu xảy ra ngộ độc thì biết đổ lỗi cho ai? Nhà cung ứng hay nhà bếp? Việc thuê trọn gói sẽ dễ quy trách nhiệm hơn và BGH cùng phụ huynh sẽ đóng vai trò giám sát", một hiệu trưởng thẳng thắn nêu ý kiến.
Đông đảo phụ huynh tỏ ý tán thành cách làm thuê đơn vị chuyên về bếp ăn tới nấu tại trường bởi quy trình quản lý, bảo quản thực phẩm và chế biến vừa đảm bảo, vừa chuyên nghiệp, thực đơn phong phú đảm bảo cân bằng dinh dưỡng. Khi họ làm thuê, BGH và đại diện phụ huynh có thể đến kiểm tra bất cứ lúc nào và kiểm soát được các khâu từ khi tiếp phẩm tới khi sơ chế, nấu chín, lưu mẫu, chia thức ăn cho học sinh. Nếu BGH đứng ra tự sản xuất 100% bếp ăn bán trú thì người giám sát sẽ là phụ huynh và khó kiểm soát được các khâu tiếp phẩm, chế biến.
Mời quý vị xem thêm video dưới đây:
Học sinh tiểu học Hải Phòng thích thú với mô hình bếp ăn bán trú chuyên nghiệp'