
Hải Phòng lần đầu tiên dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Ảnh: Đàm Thanh
Vào 9 giờ hôm nay (6/5), tại Lễ công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2024 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, thành phố Hải Phòng đã xuất sắc vươn lên vị trí dẫn đầu cả nước, lần đầu tiên giữ ngôi Quán quân PCI với 74,84 điểm.`
Thành quả ấn tượng sau nhiều năm nỗ lực cải thiện
Sự kiện đón nhận danh hiệu Quán quân PCI với 74,84 điểm năm 2024 là thành quả ấn tượng sau nhiều năm nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và đẩy mạnh cải cách hành chính của thành phố Cảng.
Từng đứng ở vị trí thứ 41/63 vào năm 2006, Hải Phòng đã có bước chuyển mình mạnh mẽ trong gần hai thập kỷ qua. Giai đoạn từ 2019 đến nay chứng kiến sự cải thiện ổn định và liên tục của PCI thành phố:
2019: 68,73 điểm, xếp hạng 10/63
2020: 69,27 điểm, xếp hạng 7/63
2021: 70,61 điểm, xếp hạng 2/63 (tăng 5 bậc so với năm 2020)
2022: 70,76 điểm, xếp hạng 3/63
2023: 70,34 điểm, xếp hạng 3/63
2024: 74,84 điểm, xếp hạng 1/63 (tăng 4,5 điểm và 2 bậc so với năm 2023).
Với kết quả năm 2024, Hải Phòng không chỉ lần đầu đứng đầu cả nước mà còn trở thành địa phương duy nhất có 4 năm liên tiếp nằm trong Top 3 PCI toàn quốc (2021–2024) và 7 năm thuộc Top 10 từ năm 2017 đến nay.
Trước đó, năm 2023, dù giữ vững vị trí thứ 3, PCI của Hải Phòng giảm nhẹ 0,42 điểm so với năm trước. Trong 10 chỉ số thành phần, thành phố có 4 chỉ số tăng điểm đáng chú ý, trong đó nổi bật là:
Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp: tăng 1,01 điểm
Đào tạo lao động: tăng 0,82 điểm
Gia nhập thị trường: tăng 0,69 điểm
Chi phí thời gian: tăng 0,41 điểm
Tuy nhiên, vẫn còn 6 chỉ số thành phần giảm điểm, tiêu biểu như Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự giảm 0,73 điểm và Tính năng động của lãnh đạo giảm 0,69 điểm.
Trước thực trạng đó, thành phố đã triển khai các giải pháp đồng bộ: hàng năm tổ chức đánh giá, phân tích chi tiết từng chỉ số PCI để xác định điểm mạnh, điểm yếu; giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành và địa phương; đề ra mục tiêu, giải pháp và lộ trình cải thiện rõ ràng.
"Cú đúp" dẫn đầu về cải cách hành chính và sự hài lòng của người dân
Không chỉ dẫn đầu về PCI, năm 2024, Hải Phòng còn đứng đầu toàn quốc về Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) và Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS).
PAR Index 2024: Hải Phòng đạt 96,17%, tăng 4,30% và 1 bậc so với năm 2023.
Đây là minh chứng rõ nét cho quyết tâm đổi mới quản trị công, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp, hướng tới xây dựng một nền hành chính công khai, minh bạch, hiệu quả.
Việc Hải Phòng đồng thời dẫn đầu cả nước về PCI, PAR Index và SIPAS trong năm 2024 không chỉ phản ánh nỗ lực vượt bậc của chính quyền thành phố trong công cuộc cải cách và điều hành kinh tế, mà còn mở ra những kỳ vọng lớn cho giai đoạn phát triển tiếp theo, trong đó khu vực kinh tế tư nhân sẽ là động lực then chốt. Hải Phòng đang từng bước khẳng định vị thế là điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư và là hình mẫu về môi trường kinh doanh thuận lợi tại Việt Nam.
Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là nhiệm vụ trọng tâm

Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu phát biểu tại sự kiện Hải Phòng đứng đầu cả nước về PCI năm 2024. Ảnh: Đàm Thanh
Phát biểu tại lễ công bố, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu chia sẻ: "Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố Hải Phòng đã xác định cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là nhiệm vụ trọng tâm, trong đó đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử và nâng cao chất lượng công vụ của bộ máy hành chính được xem là giải pháp đột phá nhằm thúc đẩy tăng trưởng và hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, thành phố đã ban hành nhiều kế hoạch cải cách hành chính, thực hiện triệt để việc giao nhiệm vụ cụ thể gắn với trách nhiệm cá nhân từng cán bộ, đảng viên theo phương châm "rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ thẩm quyền". Thành phố thường xuyên đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, đồng thời đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số.
Trong năm 2024, 100% thủ tục hành chính (TTHC) được giải quyết tại Bộ phận Một cửa, danh mục TTHC được công bố rộng rãi và công khai trên hệ thống trực tuyến. Các khoản phí, lệ phí dịch vụ công trực tuyến cũng được miễn giảm, góp phần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, thành phố triển khai mạng chuyên dụng, đảm bảo kết nối 100% các phường, xã với hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, hướng đến mục tiêu xây dựng chính quyền số.
Thành phố cũng đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức kỷ cương, sáng tạo, quyết liệt trong hành động; dám nghĩ, dám nói, biết làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Lần đầu tiên Hải Phòng giữ ngôi Quán quân PCI với 74,84 điểm.
Trong thời gian tới, thành phố Hải Phòng sẽ tập trung vào các định hướng chiến lược sau:
Thứ nhất, Tăng tốc và bứt phá trong xây dựng chính quyền số bảo đảm quá trình tái cấu trúc hệ thống bộ máy hành chính sau khi hợp nhất đơn vị hành chính cấp tỉnh, bỏ cấp huyện, sắp xếp, thành lập các phường, xã, đặc khu không làm gián đoạn quá trình thực hiện thủ tục hành chính của nhân dân và doanh nghiệp; quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2025 là 12,5%, hướng đến mục tiêu tăng trưởng 15-16% giai đoạn 2026 - 2030.
Thứ hai, chủ động quy hoạch, tái cấu trúc không gian phát triển theo mô hình đô thị đa cực - công nghiệp - dịch vụ tích hợp, tạo động lực mới từ cả nội đô lẫn vùng ven, với các trung tâm hành chính - công nghiệp - logistics hiện đại sau khi hợp nhất đơn vị hành chính cấp tỉnh, tạo dư địa tăng trưởng dài hạn, bảo đảm phát triển hài hòa, bền vững.
Thứ ba, phát triển đồng bộ hạ tầng chiến lược với tinh thần "hạ tầng đi trước – tăng trưởng theo sau", tập trung vào hoàn thành các bến còn lại của Cảng Lạch Huyện; phát triển cảng biển thế hệ mới Nam Đồ Sơn, sân bay quốc tế Tiên Lãng, đường sắt tốc độ cao Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, mạng lưới logistics và hạ tầng số phủ kín đến cấp xã, làm nền tảng cho kinh tế số.
Thứ tư, kiến tạo thể chế phát triển hiện đại, thông thoáng, cởi mở. Hải Phòng quyết tâm tiên phong đề xuất cái mới, làm cái khó, từ đó mở đường thể chế cho cả nước.
Thứ năm, Thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, với trọng tâm chiến lược là phát triển Khu kinh tế ven biển phía Nam.
Thứ sáu, đào tạo, thu hút và trọng dụng nhân lực chất lượng cao, với hệ sinh thái giáo dục – y tế – dịch vụ – nhà ở đồng bộ, môi trường sống hấp dẫn để chuyên gia, trí thức, người lao động giỏi "đến Hải Phòng là ở lại, gắn bó và cống hiến".
Thứ bảy, đổi mới, nâng cao chất lượng quản trị và điều hành, xây dựng chính quyền số và nâng cao chất lượng Chỉ số PCI. Tiếp tục triển khai việc triển khai Bộ chỉ số đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp Sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) giúp lan tỏa tinh thần cải cách tới tất cả các sở, ngành, địa phương, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả phục vụ.
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI - Provincial Competitiveness Index) là công cụ đánh giá mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền các tỉnh, thành tại Việt Nam. Được thực hiện bởi VCCI với sự hỗ trợ dài hạn từ Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), đến năm 2024, PCI tiếp tục được duy trì độc lập sau khi USAID kết thúc tài trợ.
PCI được đánh giá qua 10 chỉ số thành phần, phản ánh đầy đủ các khía cạnh quan trọng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh như gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, cải cách hành chính, và đào tạo lao động.
PV