Hải Phòng: Lần đầu khai bút tại Khu tưởng niệm Trạng nguyên Lê Ích Mộc

17-02-2024 20:16 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Với mục đích gìn giữ nếp văn hóa, giáo dục tinh thần hiếu học, thêm cơ hội cho mỗi người khai tâm trí…, UBND huyện Thủy Nguyên đã tổ chức lễ hội khai bút và thi viết thư pháp bằng chữ quốc ngữ.

Sáng 17/2, tại Khu tưởng niệm Trạng nguyên Lê Ích Mộc (xã Quảng Thanh, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) đã diễn ra hội thi viết thư pháp bằng chữ Quốc ngữ 2024. Đây cũng là lễ hội khai bút lần đầu tiên được tổ chức tại Khu tưởng niệm này. 

Tại lễ khai mạc, đại diện lãnh đạo UBND huyện Thủy Nguyên chia sẻ, ngày nay, tục khai bút đầu năm đã có nhiều chuyển biến để phù hợp với xu thế hiện đại. Nó được phổ biến rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân. Với học sinh, sinh viên, khai bút là hoạt động học tập đầu tiên trong năm hoặc viết những mong ước liên quan đến việc rèn luyện, tu thân, thi cử, mong cho một năm học hành thuận lợi. Với người đi làm, khai bút có ý nghĩa cầu tài lộc, mong cho sự nghiệp công danh được hanh thông như ý. Với những người làm nghề cầm bút như nhà văn, nhà báo… việc khai bút còn là lời nhắc nhở với bản thân về trách nhiệm, lương tâm và nỗ lực trau dồi năng lực, giữ gìn ý thức trong sáng của người cầm bút.

Hải Phòng: Lần đầu khai bút tại Khu tưởng niệm Trạng nguyên Lê Ích Mộc- Ảnh 1.

Lễ hội khai bút và thi viết thư pháp bằng chữ quốc ngữ 2024 tại Khu tưởng niệm Trạng nguyên Lê Ích Mộc.

Hải Phòng: Lần đầu khai bút tại Khu tưởng niệm Trạng nguyên Lê Ích Mộc- Ảnh 2.

Chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên đánh trống khai hội Lễ khai bút lần đầu được tổ chức tại Khu tưởng niệm Trạng nguyên Lê Ích Mộc.

Hải Phòng: Lần đầu khai bút tại Khu tưởng niệm Trạng nguyên Lê Ích Mộc- Ảnh 3.

Gần 500 học sinh và giáo viên các cấp bậc trên địa bàn huyện Thủy Nguyên tới dự lễ hội khai bút 2024

Hải Phòng: Lần đầu khai bút tại Khu tưởng niệm Trạng nguyên Lê Ích Mộc- Ảnh 4.

Các thí sinh tham dự viết thư pháp bằng chữ quốc ngữ.

Hải Phòng: Lần đầu khai bút tại Khu tưởng niệm Trạng nguyên Lê Ích Mộc- Ảnh 5.

Những nam sinh, nữ sinh của huyện Thủy Nguyên chăm chú thực hiện phần thi của mình.

Hải Phòng: Lần đầu khai bút tại Khu tưởng niệm Trạng nguyên Lê Ích Mộc- Ảnh 6.

Một số thí sinh đã hoàn thành bài thi sớm và bọc gói bài thi cẩn thận.

Hải Phòng: Lần đầu khai bút tại Khu tưởng niệm Trạng nguyên Lê Ích Mộc- Ảnh 7.

Thí sinh nhỏ tuổi hào hứng với hội thi viết thư pháp bằng chữ quốc ngữ.

Hải Phòng: Lần đầu khai bút tại Khu tưởng niệm Trạng nguyên Lê Ích Mộc- Ảnh 8.

Nhà thư pháp viết tặng chữ trong lễ khai hội

Hải Phòng: Lần đầu khai bút tại Khu tưởng niệm Trạng nguyên Lê Ích Mộc- Ảnh 9.

Học sinh dâng hương khu phần mộ Trạng nguyên Lê Ích Mộc.

Hải Phòng: Lần đầu khai bút tại Khu tưởng niệm Trạng nguyên Lê Ích Mộc- Ảnh 10.

Phần lăng mộ Trạng nguyên Lê Ích Mộc nằm trên núi cao trong khuôn viên Khu tưởng niệm Trạng nguyên tại xã Quảng Thanh, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng.

"Khai bút cũng chính là khai chữ, khai tâm, khai trí, để tự nhắc nhở mình, nhắc nhở mọi người luôn mong muốn, hy vọng hướng thiện và hướng tới cái đẹp. Ngoài những giá trị nói trên, thì khai bút đầu năm còn mang mong muốn của người thực hiện về một năm mới may mắn, tốt lành", lãnh đạo huyện Thủy Nguyên nhấn mạnh.

Theo sử sách, tục khai bút và đi xin chữ đầu Xuân tại Việt Nam xuất hiện vào Thế kỷ 13, gắn liền với thân thế của Danh nhân Chu Văn An. Thủa trước, Lễ khai bút đầu năm của người xưa được thực hiện sau Giao thừa, chính là thời khắc đầu tiên của năm mới. Các quan lại, nhà nho, nhà giáo thường đốt lư trầm bên bàn viết, mài mực tàu và hạ bài viết trên giấy hoa tiên hoặc giấy hồng điều. Trong không gian tĩnh tại, mọi người thành tâm viết lên những câu chữ và gửi gắm vào đó ước nguyện tốt đẹp trong năm mới.

Qua thời gian, thủ tục khai bút và xin chữ đầu năm được lưu truyền, tượng trưng cho may mắn và thành công trong học tập và sự nghiệp, thể hiện truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của các thế hệ học trò trong cả nước. 

Trạng nguyên Lê Ích Mộc là người xã Thanh Lãng, tổng Phù Lưu, huyện Thủy Đường, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương, nay thuộc xã Quảng Thanh, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng. Ông là một trong 46 vị Trạng nguyên trong lịch sử khoa bảng phong kiến Việt Nam và là vị Trạng nguyên khai khoa của thành phố Hải Phòng. Năm 1538, Trạng nguyên Lê Ích Mộc qua đời, hưởng thọ 80 tuổi. Sau khi ông mất, nhân dân làng Thanh Lãng và nhiều nơi lập đền miếu tôn thờ, đời đời hương khói, cúng tế. Hằng năm, cứ vào dịp 14-15 tháng 2 âm lịch, nhân dân cùng chính quyền huyện Thủy Nguyên long trọng tổ chức lễ hội kỷ niệm ngày mất của Trạng nguyên Lê Ích Mộc để tôn vinh vị thế, tầm vóc và những đóng góp to lớn của ông.

Lễ khai bút năm nay thu hút gần 500 học sinh và giáo viên các bậc học của huyện Thủy Nguyên tới tham gia hội thi. Các đại biểu và nhân dân được thưởng thức chương trình nghệ thuật được dàn dựng công phu với hoạt cảnh chèo tái hiện thân thế, sự nghiệp của Trạng nguyên Lê Ích Mộc, các tiết mục ca múa nhạc thể hiện truyền thống hiếu học, tình yêu quê hương và màn múa lân - sư - rồng, trống hội ấn tượng… 

Ngay sau lễ khai mạc, các đoàn đại biểu cùng các thầy cô giáo, học sinh các trường trên địa bàn huyện và đông đảo người dân thành kính dâng hương tỏ lòng thành kính và tri ân đối với Trạng nguyên Lê Ích Mộc. 

Năm nay, lễ hội diễn ra từ ngày 17/2 - 24/3 với nhiều hoạt động nghi lễ được chuẩn bị chu đáo, tổ chức trang nghiêm tại Khu tưởng niệm và các khu di tích liên quan đến cuộc đời, thân thế, sự nghiệp Trạng nguyên Lê Ích Mộc trên địa bàn xã Quảng Thanh.

Khai bút đầu năm 2024 nên viết gì? Viết vào ngày, giờ tốt nhất?Khai bút đầu năm 2024 nên viết gì? Viết vào ngày, giờ tốt nhất?

SKĐS - Nhiều người cho rằng, việc chọnnội dung và ngày đẹp, giờ tốt để khai bút đầu năm 2024 rất quan trọng, để nguyện cầu năm mới vạn sự hanh thông.

Mời quý vị xem thêm video dưới đây:

Lần đầu tiên diễn ra lễ hội khai bút tại Khu tưởng niệm Trạng nguyên Lê Ích Mộc.



An Thư
Ý kiến của bạn