Hải Phòng khai hội truyền thống nữ tướng Lê Chân năm 2023

27-02-2023 18:06 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Nhằm tưởng nhớ công lao của Nữ tướng Lê Chân - người có công khai hoang, lập ấp trang An Biên xưa (tiền thân của Hải Phòng ngày nay), lễ hội truyền thống nữ tướng Lê Chân năm nay kéo dài 3 ngày (26-28/2/2023) với nhiều hoạt động văn hóa dân gian.

Tối 26/2 (tức ngày 7/2 Âm lịch), tại quảng trường Tượng đài nữ tướng Lê Chân, quận Lê Chân, Hải Phòng đã diễn ra lễ khai mạcLễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân năm 2023. 

Hải Phòng khai hội truyền thống nữ tướng Lê Chân năm 2023 - Ảnh 1.

Lễ hội Nữ tướng Lê Chân được tổ chức trọng thể vào tối 26/2/2023

Đã trở thành thông lệ, hàng năm lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân là dịp người dân địa phương thể hiện lòng thành kính, tôn vinh và tưởng nhớ vị nữ tướng anh hùng có công khai hoang nên thành phố Hải Phòng ngày nay. Bởi vậy, lễ hội không chỉ là của riêng quận Lê Chân, mà còn là lễ hội lớn của thành phố.

Trước khi diễn ra lễ khai mạc, lễ rước bộ được thực hiện theo nghi thức truyền thống. Hai đoàn rước với sự tham gia của khoảng 1.500 người theo đúng nghi lễ truyền thống với các Dàn bát âm, Đội sanh tiền, Dàn Bát biểu, Chấp kích, Kiệu hoa, Lọng che, Kiệu võng, Đoàn tế nữ quan… Đám rước kéo dài, xuất phát từ Đền Nghè và Đình An Biên qua các tuyến phố về quảng trường Tượng đài Nữ tướng. Trong suốt đoạn đường ấy, âm nhạc được ngân lên réo rắt, mọi người nghiêm trang, thành kính, tỏ lòng biết ơn vị Thành hoàng của đất Cảng.

Hải Phòng khai hội truyền thống nữ tướng Lê Chân năm 2023 - Ảnh 2.

Không gian chợ quê Làng vẻn được tái hiện trong lễ hội tưởng nhớ nữ tướng Lê Chân

Hải Phòng khai hội truyền thống nữ tướng Lê Chân năm 2023 - Ảnh 3.

Nhiều gian hàng bày bán đồ ăn uống phục vụ du khách tới lễ hội

Hải Phòng khai hội truyền thống nữ tướng Lê Chân năm 2023 - Ảnh 4.

Hải Phòng khai hội truyền thống nữ tướng Lê Chân năm 2023 - Ảnh 5.

Tại lễ hội, một hội chợ " Làng Vẻn" đã tái hiện lại không gian văn hóa, cái tên từng gắn bó với cuộc đời của nữ tướng.

Hội chợ có nhiều gian hàng bày bán từ đồ lưu niệm, cây cảnh đến đồ ăn vặt. Đặc biệt các gian hàng bán những món ăn vặt truyền thống của Hải Phòng như bánh mì que, bánh đa cua và các món quà quê như bánh đúc, bánh đa kê, bánh giò, bánh sắn thu hút rất nhiều người dân tới thưởng thức. Bên cạnh đó, BTC lễ hội cũng đưa các hoạt động văn hóa dân gian như viết thư pháp, hát xẩm, trò chơi dân gian phục vụ du khách và người dân.

Chị Nguyễn Mai Linh (Lê Chân, Hải Phòng) hào hứng chia sẻ: "Hội chợ năm nay quy mô hơn so với mọi năm. Món ăn  phong phú, không gian văn hóa trang trí khá đẹp nên mọi người vừa được trải nghiệm âm thực, vừa có điểm check-in".

Theo Ban tổ chức, việc tổ chức lễ hội nữ tướng Lê Chân thể hiện trách nhiệm và lòng thành kính của các thế hệ con cháu hôm nay, góp phần tôn vinh công đức của nữ tướng Lê Chân. Đây là một nét đẹp văn hóa đáng trân trọng, góp phần ôn lại truyền thống, giáo dục con cháu về lòng yêu nước, về đạo lý uống nước nhớ nguồn, lòng tự tôn, tự hào dân tộc và trách nhiệm của mỗi người dân đối với thành phố Hải Phòng và đất nước Việt Nam. 

Nữ tướng Lê Chân sinh ngày 8/2 Âm lịch năm Canh Thìn (năm 20 đầu Công nguyên) tại xã An Biên, huyện Đông Triều, phủ Kinh Môn, xứ Hải Dương (nay thuộc thôn An Biên, xã Thủy An, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh).

Bà là con cụ Lê Đạo và cụ Trần Thị Châu. Từ khi còn trẻ bà nổi tiếng tài hoa, xinh đẹp hơn người nên Thái Thú Tô Định toan lấy bà làm thiếp. Bà không phục, Tô Định oán giận sát hại cụ Lê Đạo. Nợ nước, thù nhà, quyết chí phục thù, Lê Chân đã cùng thân quyến đến vùng An Dương, cửa sông Cấm để khai hoang, lập ấp mới đặt tên là trang An Biên, được coi là tiền thân của Thành phố Hải Phòng.

Khi Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa, Lê Chân đem theo binh lính gia nhập nghĩa quân. Trưng Trắc thấy nàng diện mạo khác thường, có chí khí bậc tài trai thì phong là Thánh Chân Công chúa, đem quân cùng Trưng Nhị tiến đánh Tô Định, làm nên chiến thắng cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng.

Để tưởng nhớ công đức to lớn của bà, nhân dân đã tôn vinh bà là Thánh mẫu. Hàng năm, cứ đến ngày 8/2, ngày Khánh hạ (ngày thắng trận) và ngày Thánh hóa, nhân dân quận Lê Chân đều tổ chức lễ hội với lòng thành kính tri ân.

Lễ hội được khôi phục lại từ năm 2011 và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2016. Đồng thời, tên của bà được đặt cho một giải thưởng trao cho những người phụ nữ tiêu biểu của thành phố.

Mời quý vị xem thêm video đêm lễ hội Nữ tướng Lê Chân tại Hải Phòng 2023:

Lễ hội Nữ tướng Lê Chân

M.Lý - Hải Yến
Ý kiến của bạn