Chiều 15/4, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp Hải Phòng làm việc với đoàn công tác của Viện Nghiên cứu Y Sinh TPHCM về việc triển khai xác định ký tự (dấu ấn) miễn dịch (immunosignature) ở bệnh nhân ung thư Việt Nam.
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp và các đơn vị liên quan nghe giới thiệu về công nghệ Ký tự miễn dịch ứng dụng trong phát hiện sớm ung thư, từ đó xác định hiệu quả và thảo luận quy trình ứng dụng công nghệ trong hoạt động thực tiễn.
Tại cuộc họp, TS. Nguyễn Hữu Huân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Y Sinh chia sẻ, Viện đã triển khai công nghệ Ký tự miễn dịch để nghiên cứu và ứng dụng trong phát hiện sớm ung thư. Khi cơ thể bắt đầu xuất hiện tế bào ung thư, mặc dù ở số lượng rất ít, hệ miễn dịch đã có thể nhận biết được và sẽ hình thành các kháng thể đặc hiệu cho các epitope lạ trên bề mặt tế bào ung thư.
Với trên 400.000 các peptide khác nhau được phủ lên microarray thì có thể phát hiện được các kháng thể đặc hiệu cho các epitope lạ trên bề mặt tế bào ung thư kể cả ở giai đoạn rất sớm, ưu tiên 5 nhóm ung thư hàng đầu ở Việt Nam là phổi, dạ dày, gan, vú, đại tràng.
"Đây là nghiên cứu mới ứng dụng vào Việt Nam, có ý nghĩa rất lớn trong việc sàng lọc ung thư trong cộng đồng. Kết quả nghiên cứu thành công sẽ giúp người bệnh chẩn đoán ung thư sớm, giảm tải gánh nặng trong điều trị cho bệnh nhân", TS. Huân chia sẻ.
Đại diện lãnh đạo Bệnh viện Việt Tiệp Hải Phòng ghi nhận tinh thần hợp tác giữa Viện và đơn vị, đồng thời bày tỏ sẵn sàng đồng hành cùng Viện nghiên cứu nội dung đề án này. Tuy nhiên, phía bệnh viện cũng yêu cầu Viện sớm hoàn thành đề án trình để từ đó 2 đơn vị bắt tay triển khai thực nghiệm sớm.
Công nghệ Ký tự miễn dịch (Immunosignature – KTMD) được phát triển bởi nhóm nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu Biodesign, Đại học Arizona, Hoa Kỳ. Nguyên tắc của công nghệ này là phủ 400.000 peptide, có chiều dài khoảng 17 amino acid (AA) được tổng hợp có trình tự khác nhau một cách ngẫu nhiên lên một vi bản microarray. Sau đó phủ lên vi bản mẫu thử và huyết thanh bệnh nhân, trong huyết thanh bệnh nhân có các kháng thể đặc hiệu một số peptides trong tổng số 400.000 peptide gắn lên microarray.
Sau khi rửa sạch huyết thanh bệnh nhân rồi phủ kháng thể đặc hiệu IgG người đánh dấu huỳnh quang lên microarray. Những nơi nào trên microarray có kháng thể đặc hiệu peptide thì sẽ bị kháng thể IgG người đánh dấu huỳnh quang gắn vào. Cuối cùng, sau khi rửa sạch kháng thể đánh dấu huỳnh quang thừa, microarray sẽ được scan bằng một thiết bị scanner huỳnh quang phân giải cao. Tín hiệu scan được sẽ hình thành một hình ảnh phát huỳnh quang đặc trưng của microarray đối với từng nhóm mẫu huyết thanh lấy từ một nhóm bệnh nhân có cùng loại bệnh.
Các hình ảnh đặc trưng này được gọi là Ký tự miễn dịch. Các hình ảnh này sẽ được phân tích bằng phần mềm chuyên dụng và so sánh với cơ sở dữ liệu lớn đã dược lưu trữ để có thể lý giải được tình trạng bệnh lý của người bệnh hay bệnh nhân mắc bệnh mới lạ.
Mời quý vị xem thêm video dưới đây:
Bệnh viện Việt Tiệp Hải Phòng thảo luận hợp tác nghiên cứu công nghệ phát hiện ung thư sớm bằng xét nghiệm máu.