Nằm cách trung tâm thành phố Hải Phòng gần 20km, đảo Dấu là một hòn đảo nhỏ trong quần thể khu du lịch Đồ Sơn. Để ra đảo Dấu, phương tiện duy nhất là thuyền và cano.
Trên đảo Hòn Dấu có đền thờ Nam Hải Thần Vương nổi tiếng linh thiêng. Theo sử sách còn ghi, Nam Hải Thần Vương là một võ tướng nhà Trần. Sau trận thủy chiến đánh tan quân Nguyên- Mông năm 1288 trên sông Bạch Đằng, ngư dân vùng biển Đồ Sơn phát hiện thi thể của ngài mặc áo giáp trôi gần đảo Hòn Dấu. Qua y phục, người dân biết đây là võ tướng nhà Trần tử trận và đưa lên đảo an táng và lập đền thờ Ngài.
Tương truyền ngôi đền rất linh thiêng. Ngư dân xưa mỗi lần đi thuyền qua đảo đều hạ buồm, ghé lên đảo thắp hương và được Ngài phù hộ, che chở, thuận buồm, mát mái. Đến thời Hậu Lê, nhà vua trong lần kinh lý qua vùng biển Đồ Sơn, đêm ngủ trên thuyền rồng gần đảo Dấu nằm mơ thấy cụ già râu tóc bạc phơ xưng là thần đảo. Giật mình tỉnh giấc, nhà vua phán nếu là thần đảo hãy ứng nghiệm. Dứt lời, bỗng một con cá to quẫy nước, nhảy lên thuyền. Thấy linh ứng, nhà vua ban sắc phong Ngài là Lão đảo Đại Thần Vương và truyền người dân địa phương tu sửa đền thờ. Rồi đến thời vua Tự Đức, trong một dịp kinh lý ra Bắc, khi ngang qua khu vực đảo Dấu thuyền rồng bỗng gặp sóng to, gió lớn. Vua cho dừng thuyền, lên đền cầu đảo, sau đó trời quang mây tạnh. Từ đó, vua sắc phong nơi đây là đền thờ Nam Hải Thần Vương.
Để bày tỏ tấm lòng tri ân với Nam Hải Thần Vương và đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân miền biển Hải Phòng và các địa phương phía Bắc, vừa qua, quận Đồ Sơn đã dành hơn 70 tỷ đồng kinh phí trùng tu, tôn tạo đền thờ Ngài ngày càng khang trang, bề thế, trở thành điểm du lịch tâm linh hấp dẫn.
Hàng năm, vào ngày 9 tháng 2 âm lịch, tại đảo Dấu Đồ Sơn, lễ hội tưởng nhớ công lao của Nam Hải Thần Vương lại được chính quyền quận Đồ Sơn tổ chức với cả phần Lễ và Hội. Đây cũng là lễ hội truyền thống của người dân đi biển vùng duyên hải Bắc Bộ. Ngày này, ngư dân khắp các vùng lân cận thường kéo về đảo Dấu tế lễ, cầu xin Nam Hải Thần Vương một năm làm nghề biển yên lành, đánh bắt được nhiều tôm cá, may mắn. Trong dịp này, dân địa phương mở hội lễ tạ và ra ngủ một đêm trên đảo để hưởng lộc của thần.
Cũng như mọi năm, vào chính hội hôm nay (9/2 âm lịch), người dân Đồ Sơn và du khách khắp nơi đổ về đảo Dấu rất đông. Để đảm bảo phục vụ tốt cho việc đưa đón du khách ra đảo chiêm bái, BTC lễ hội và chính quyền quận Đồ Sơn đã xây dựng các phương án về phương tiện, nhân lực... Với phần lễ rước đèn về đêm và tế lễ, thả thuyền giấy trên biển..., lễ hội đảo Dấu trở thành lễ hội đặc trưng, độc đáo của những người sống ở miền biển, làm nghề trên biển...
Người dân Đồ Sơn kể, ngài Nam Hải rất linh thiêng, nếu ai dám lấy đi bất cứ thứ gì trên đảo, kể cả một lá cây, sẽ bị ngài phạt, phải đem trả lại mới yên. Chính vì lẽ đó, trải qua hàng trăm năm, đảo Hòn Dấu vẫn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ kỳ vĩ.
Để phát huy giá trị Danh lam thắng cảnh Quốc gia đảo Hòn Dấu cũng như tưởng nhớ công đức của vị võ tướng, UBND quận Đồ Sơn, TP. Hải Phòng đã quan tâm đầu tư, tôn tạo đền từ năm 2013. Hàng năm, nhân dân và du khách mọi miền tổ quốc về tham quan, dâng hương phát tâm công đức để xây dựng đền thờ Nam Hải Thần Vương ngày một to đẹp và uy linh.
Theo ông Phạm Hoàng Tuấn, Phó Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn, năm nay công tác tổ chức lễ hội được ban tổ chức đặc biệt chú trọng nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho du khách. Công an quận đã triển khai các biện pháp bảo vệ và huy động 100% quân số để chuẩn bị phương tiện, các chốt điểm, phân luồng giao thông để an toàn trên bờ, dưới biển và trên đảo. Bên cạnh đó, công tác phòng cháy chữa cháy cũng được triển khai đồng bộ.
Điểm mới trong lễ hội Đảo Dấu năm nay diễn ra chương trình Liên hoan diễn xướng hát văn và hát chầu văn Đồ Sơn mở rộng 2023, khai mạc vào 18h00' ngày 27/02 (tức ngày mùng 08/2 Âm lịch). Lần đầu tiên quận Đồ Sơn tổ chức chương trình này nhằm sân khấu hóa loại hình nghệ thuật diễn xướng hát văn và hát chầu văn. Qua đó, hoạt động này mang lại cái nhìn đúng đắn nhất về những giá trị cốt lõi của văn hóa "Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt" - được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. Đây là cơ hội để các nghệ nhân, thanh đồng, đạo quan, các đoàn diễn xướng gặp gỡ, học tập, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu với công chúng, du khách về Di sản văn hoá Phi vật thể.
Ban Tổ chức liên hoan cũng định hướng cho các nghệ nhân, thanh đồng trong quá trình biểu diễn không được phán truyền hoặc thực hiện các hành vi phản cảm, mê tín, dị đoan, đặc biệt là tung tiền để phát lộc cho khán giả; đồng thời phải giữ gìn được các bài bản hầu văn truyền thống mà ông cha ta đã dầy công sáng tạo.
Liên hoan thu hút các nghệ nhân, thanh đồng, đạo quan là hội viên các câu lạc bộ hát Văn tiêu biểu đến từ các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Quảng Ninh, Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang... Đây cũng là cơ hội giúp quận Đồ Sơn quảng bá các giá trị văn hóa du lịch tâm linh của đảo Hòn Dáu nói riêng, khu du lịch Đồ Sơn nói chung.
Khác với nhiều đảo trên khắp đất nước, loài cây đặc trưng trên đảo không phải dừa, phi lao mà là những gốc đa búp đỏ cổ thụ hằng trăm năm tuổi. Đến với đảo Hòn Dấu, du khách còn được chiêm ngưỡng ngọn hải đăng cổ kính do người Pháp xây dựng cách đây hơn 100 năm. Hải đăng Hòn Dấu được mệnh danh là “mắt ngọc” của Tổ quốc, được người Pháp thiết kế và xây dựng từ năm 1892- 1896. Đến tháng 6-1898, đèn chính thức hoạt động. Với chiều cao 63,5m so với mực nước biển, tầm phát sáng trong điều kiện thời tiết bình thường là 20,7 hải lý (khoảng 40km), hải đăng Hòn Dấu là “la bàn” để ngư dân, thuyền viên xác định được tọa độ hàng hải, vị trí để đi vào khu vực cảng Hải Phòng an toàn. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, hải đăng bị máy bay Mỹ nhiều lần ném bom phá hoại, sau đó được sửa chữa và vẫn giữ được kiến trúc ban đầu.
Mời quý vị xem thêm video dưới đây:
Liên hoan diễn xướng hát văn và hát chầu văn Đồ Sơn mở rộng 2023 tại đảo Dấu tối mồng 8/2 âm lịch