Hai giấc mơ không chỉ làm thay đổi cuộc sống bản thân mà còn thay đổi cả hành tinh. Đó là những dự báo, phát minh xuất chúng liên quan đến sức khỏe con người vừa được tạp chí Top5s.co.uk của Anh cập nhật nhân dịp nhân loại bước sang năm 2017.
1. Khám phá hoóc-môn tuyến tụy insulin trị bệnh đái tháo đường
Đái tháo đường (ĐTĐ) là căn bệnh từng được y văn thế giới nhắc đến, có từ thời cổ đại, nhưng mãi đến nửa cuối thế kỷ 19 mới được y học phát hiện là do tuyến tụy không làm được chức năng bình thường. Đặc biệt, chuyên môn còn phát hiện thấy các tế bào biệt hóa, được gọi là tiểu đảo Langerhan, sản sinh hóa chất giúp cơ thể điều hòa nồng độ đường trong máu nhưng khi bị bệnh, hóa chất này không được sản sinh đầy đủ.
Việc tìm ra insulin được bắt nguồn từ giấc mơ của Fred Banting
Năm 1922, Fred Banting và Charles Best ở ĐH Tổng hợp Toronto, Canada, thông báo tìm được insulin và ứng dụng thành công trong điều trị bệnh ĐTĐ ở người. Banting và Best đã cắt bỏ tuyến tụy của những con chó thử nghiệm và hậu quả là chúng sinh bệnh. Sau đó hai người đã bào chế ra một loại hoóc-môn hóa học từ tụy và chiết xuất nhiều thành phần từ tiểu đảo Langerhan, tiêm vào cho chó bị bệnh, kết quả bệnh ĐTĐ đã được chế ngự. Với nghiên cứu nói trên, Frederick Banting và Charles Best đã khám phá ra hoóc-môn tuyến tụy insulin. Năm 1923, Fred Banting được trao giải thưởng Nobel y sinh cùng với nhà sinh lý học Macleod. Thực tế, nhóm nghiên cứu có tới 4 người, Banting và Best chia nhau nửa giải còn Macleod và nhà hóa học Jame Bertramcllip (người đã giúp Macleod tinh khiết insulin) lĩnh nửa giải còn lại. Năm 1934, Fred Banting đã được hoàng gia Anh phong tước hiệp sĩ, giải thưởng đỉnh cao sự nghiệp của ông.
Theo Fred Banting việc tìm ra hoóc-môn tuyến tụy insulin cũng rất tình cờ. Chuyện bắt đầu sau khi mẹ ông mắc bệnh ĐTĐ và qua đời còn rất trẻ, căn bệnh đầu thế kỷ XX kiến thức của con người còn rất sơ khai. Và ngay cả bản thân Banting cũng chưa hiểu nhiều, song nhờ quyết tâm ông và các cộng sự đã tới đích sớm. Banting tiết lộ, ý tưởng tìm ra hoóc-môn tuyến tụy insulin xuất hiện ngay trong giấc mơ, trong mơ ông thấy chính bản thân đã phẫu thuật một con chó bị ĐTĐ, cắt bỏ tuyến tụy của nó, một thử nghiệm nghe có vẻ tàn nhẫn nhưng lại có tác dụng cứu sống hàng triệu người sau này. Chính xác hơn, trong mơ Banting thấy ông đã thắt chặt tuyến tụy của con chó để chặn dòng chảy dưỡng chất và hậu quả con vật đã bị bệnh ĐTĐ giống như con người.
Với ý tưởng mới từ giấc mơ, Banting đã cùng cộng sự Charles Best thử nghiệm trên chó và trên cơ thể con người, phát hiện thấy sự mất cân bằng quá lớn giữa đường và insulin được sản xuất trong cơ thể. Điều này dẫn đến việc tiêm insulin sẽ có tác dụng giúp kiểm soát đường huyết ở những bệnh nhân mắc bệnh ĐTĐ, nó giúp mang lại kết quả, kéo dài tuổi thọ giống như những người không mắc bệnh. Đặc biệt, tạo ra liệu pháp bổ sung insulin hợp cách, ăn uống cân bằng khoa học, kết hợp với duy trì cuộc sống vận động. Theo Charles Best “Insulin không phải thuốc trị ĐTĐ, nhưng nó lại là phương pháp điều trị căn bệnh ĐTĐ. Nó hỗ trợ người bệnh đốt cháy carbohydrat hiệu quả hơn, nhờ đó protein và mỡ có thể được bổ sung vào cho thực đơn với số lượng hợp lý, giúp cung cấp năng lượng cho cơ thể để người bệnh khỏe mạnh và kéo dài tuổi thọ”.
2. Tiểu thuyết giả tưởng Frankenstein của Mary Shelley
Frankenstein hay Prometheus hiện đại, được biết đến với cái tên gọi ngắn hơn Frankenstein của Mary Shelley, ra đời khi nữ nhà văn mới tròn 18 tuổi. Tác phẩm liên quan tới một nhà khoa học tên là Victor Frankenstein, người đang để cố gắng học, tìm cách tạo ra sự sống giống con người từ vật chất, nhưng kích thước lại to và khỏe hơn người bình thường. Frankenstein là sự tổng hợp hài hòa giữa tiểu thuyết Gothic và lãng mạn, cảnh báo về sự phát triển công nghiệp “quá đà” của con người thời hiện đại. Nó có tác động không nhỏ tới lĩnh vực văn học và khoa học, đặc biệt là y khoa, và là câu truyện đầu tiên phản ánh sự sống được tạo ra từ vật chất, đề tài “hot” đang được khoa học hiện đại quan tâm. Ý tưởng Ra đời hoàn toàn từ một giấc mơ, chính xác hơn là cơn ác mộng của Shelley.
Để tạo ra một tác phẩm nổi tiếng giống như sản phẩm của Lord Byron, Mary Shelley đã phải vắt óc tìm tòi cốt chuyện mới, do tập trung cao độ nên sau một đêm mệt mỏi, Shelley đã trải qua một cơn ác mộng kinh hoàng nhưng sinh động, trong đó, bà bắt gặp một người đàn ông thực hiện hàng loạt các thí nghiệm “kinh hoàng và gớm ghiếc” trên sinh vật hình người ngay tại bàn mổ, sau đó, sản phẩm được tạo ra đã đi vào cuộc sống, một đề tài huyền thoại, mang tính ma mị nhưng có sức thuyết phục. Không chỉ thu hút sự quan tâm của dư luận, y khoa mà cả giới tương lai học lẫn công nghệ.
Quái vật Frankenstein
Nhân vật chính trong tiểu thuyết là Victor Frankenstein, xuất thân từ một gia đình giàu có, đã khuyến khích ông tìm tòi thêm những điều mới lạ. Từ nhỏ Victor đã thích học các ngành tự nhiên, nhất là chủ đề tạo nên sự sống từ vật chất. Victor sống chung cùng bạn gái Elizabeth Lavenza và mẹ. Một tuần trước khi Victor nhập học đại học tại trường Ingolstadt, Đức thì Elizabeth bị bệnh nặng, Elizabeth bình phục nhưng mẹ ông qua đời. Điều đó làm ông rất đau buồn, và ngay lập tức khi vào học tại Đại học Ingolsardt ông đã bị lôi cuốn bởi các môn triết học tự nhiên và hóa học. Trong thời gian tu nghiệp đại học, Victor đã thực hiện nhiều thí nghiệm riêng với mục đích tạo ra sự sống, điều đó làm cho ông không còn tâm trí đến chuyện học hành nữa.
Ông làm việc ngày đêm, chỉ ăn khi cần thiết và bằng những nỗ lực phi thường, cuối cùng đã thành công tìm ra công thức tạo nên sự sống. Thế là ông mua nguyên liệu về để tạo ra một con người từ những bộ phận xác chết. Sau khi làm xong, Victor ngồi đợi thành quả nhưng sau mấy tiếng trôi qua xác vẫn vô hồn nên ông tưởng đã thất bại và rất buồn. Vì quá mệt mỏi nên Victor đi ngủ, chẳng bao lâu sau con người mà ông vừa tạo ra bắt đầu có sự sống, đến gặp ông nhưng bị ông lẩn trốn tránh. Sau đó Victor bị bệnh rất nặng và nhờ Elizabeth chăm sóc, ông qua khỏi và hai người chính thức đính hôn.
Ngỡ rằng quái vật sẽ không bao giờ trở lại nhưng bỗng dưng một ngày nọ, Victor Frankenstein nghe tin em trai mình bị chết trong vườn, ông tìm đến xem thực hư ra sao thì chính thứ mà ông đã tạo ra, gọi là quái vật đã lên tiếng, làm cho Victor không khỏi bàng hoàng “Tôi là thứ ông tạo ra, thứ bị ông gọi là quái vật. Tôi cũng như bao đứa trẻ khác được sinh ra để mong đợi tình thương từ cha mẹ nhưng những thứ tôi có lại được lại được mọi người căm ghét, sợ hãi và hắt hủi. Tôi không bảo ông tạo ra tôi nhưng một khi tôi đã tồn tại, tôi muốn được sinh tồn, ông có hiểu được cảm giác cô đơn và tuyệt vọng của tôi không?”. “Tôi không cố ý giết em ông, tôi chỉ muốn nó ở lại với tôi thôi”. Chưa hết, quái vật đã ra điều kiện với Victor, tạo cho y một người phụ nữ giống mình và được như vậy, hắn hứa sẽ không bao giờ xuất hiện giữa loài người nữa. Victor hỏi lại: “Nếu ta từ chối ?”, tên quái vật đáp “Thì tôi sẽ làm ông phải khổ và cô đơn giống tôi”.
Victor Frankenstein bắt tay vào làm một người đàn bà giống như tên quái vật mong muốn, nhưng khi sắp xong ông dừng lại và suy nghĩ chuyện gì sẽ xảy ra nếu lần này tên quái vật lại hung dữ và độc ác hơn lần trước. Ông quyết định không làm con quái vật cái kia nữa và hủy nó đi. Vào ngày đám cưới của ông, tên quái vật tìm đến giết vợ ông và tất cả khách mời, sau đó cha ông cũng chết vì buồn sầu. Từ đó ông thề sẽ tìm bằng được tên quái vật và giết nó. Ông bỏ ra hết cả tài sản của mình để đuổi theo đuổi tên quái vật. Cuối cùng Victor Frankenstein đã dừng lại ở Bắc Cực, do đã già yếu và sắp chết. Tên quái vật bỗng dưng xuất hiện để “xin được tha lỗi”, đáng tiếc, khi tên quái vật xuất hiện thì Victor đã qua đời. Cuối cùng tên quái vật nói: “Ta thật sự chỉ có một mình” và sau đó mất hút vào sâu vào vùng Bắc Cực băng giá, từ đây loài người không ai còn thấy nó nữa.
Chú thích ảnh: