Trong cuốn sách Mỹ 100 nhà quân sự (2002) của M.L. Lanning, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được xếp thứ 40. Tiêu chuẩn chọn không nhất thiết là những tướng giỏi đánh trận, mà là những nhà quân sự có ảnh hưởng thay đổi cục diện thế giới về mọi mặt (chính trị, địa lý, văn hoá, xã hội). Trong cuốn sách đó, có nêu hai nhà binh pháp bậc thày là người Đức Clausewitz (đọc là Claodơvitx) xếp thứ 21 và người Trung Quốc Tôn Tử (xếp thứ 23).
Xin nói về Tôn Tử trước, vì gần ta hơn. Ta hay dùng câu Ba mươi sáu chước... từ câu tục ngữ Tam thập lục kế... được Tôn Tử sử dụng. Có điều lạ là Tôn Tử chết đã được 2.400 năm ở bên Tàu mà ở Á châu và cả ở bên Tây, những nhà doanh nghiệp hiện đại vẫn nghiên cứu binh pháp của ông để làm ăn thành đạt.
Bà Chin Ning Chu ở Mỹ, chủ tịch Công ty tư vấn về marketing ở châu Á đã viết một luận văn sâu sắc nghiên cứu vấn đề này: Trò chơi theo cách suy nghĩ của người châu Á. Bà cho là người phương Tây, nhất là người Mỹ"ngây thơ", thất bại khi làm ăn với người châu Á (Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan) vì không hiểu được phương pháp suy nghĩ của họ, và tại sao họ lại suy nghĩ như vậy?
Muốn trả lời câu hỏi đó, phải nghiên cứu tư duy, triết học, lịch sử của 5.000 năm Trung Quốc mà văn hoá ảnh hưởng sâu đậm đến tất cả Đông Á.
Thương trường (kinh tế nói chung) được coi là chiến trường, do đó phải áp dụng binh pháp của Tôn Tử và nguyên tắc vũ trụ âm dương nhất thể của Lão Tử (Tôn Tử áp dụng). Bà đưa ra những dẫn chứng cụ thể để chứng minh người Nhật, người Hàn Quốc, người Trung Quốc, Nhật Bản ngày nay đã áp dụng thành công binh pháp của Tôn Tử vào quân sự, ngoại giao và kinh tế thế nào. Bí quyết thành công chủ yếu theo binh pháp Tôn Tử là mưu kế đánh lừa.
Ta xem Tam Quốc thấy Khổng Minh đánh giỏi vì có mưu mẹo lừa địch. Áp dụng vào giao lưu kinh tế, xã hội phải chăng trái với nguyên tắc faire play (chơi thẳng thắn) của phương Tây, hay ngược với nhân nghĩa, tín nghĩa của Khổng học? Ở điểm này, lại sang lĩnh vực đạo đức học, cách suy nghĩ các dân tộc có khác nhau.
Dù sao, trong lĩnh vực quân sự, binh pháp Tôn Tử vẫn hiện đại. Lanning nhận định: "Mặc dù Tôn Tử soạn sách binh pháp cho cách đánh chính quy, nhưng do những phát triển trong thế kỷ 20, người ta cho sách ấy là cẩm nang của cách đánh du kích Mao Trạch Đông và Võ Nguyên Giáp đã nghiên cứu Tôn Tử trong chiến tranh với Mỹ ở Việt Nam . Bản dịch Tôn Tử của Griffith bán chạy như tôm tươi". Đề tựa cho bản dịch ấy, Hart đánh giá là về tư duy quân sự, chỉ có Clausewitz có thể so sánh được với Tôn Tử, nhưng còn kém vì không sáng sủa, sâu sắc và "hiện đại" bằng Tôn Tử.
Trước Tôn Tử đã có nhiều sách viết về binh pháp, cuốn đầu tiên có thể từ thế kỷ 2 trước Công nguyên. Sau khi Tần Thuỷ Hoàng cho đốt hết sách (221 trước CN), còn giữ lại được 182 cuốn binh pháp. Binh pháp của Tôn Tử là hay nhất, nhưng hiện nay cũng không đầy đủ. Tôn Tử tức Tôn Vũ cùng Ngũ Tử Tư phò vua Ngô là Phù Sai diệt nước Việt, bắt Câu Tiễn, sau đó đi ở ẩn viết tiếp cuốn binh pháp. Ông tổng kết kinh nghiệm tác chiến từ thời Xuân Thu về trước. Năm 1972, đã tìm thấy ở Sơn Đông một số thẻ tre còn lại của nguyên bản. Bản ngày nay giữ được còn 13 thiên: Kế, tác chiến, mưu công, hình thế, hư thực, quân tranh, cửu biện, hành quân, cửu địa, hoả công, dụng gián. Tào Tháo đã thu gọn Tôn Tử binh pháp, còn Khổng Minh chép lại cuốn ấy để dạy cho vua Thục kế nghiệp Lưu Bị.
Giáo huấn của Tôn Tử dường như bình thường giản dị. Vậy mà chính vì không nắm được những nguyên tắc sơ đẳng ấy mà không biết bao nhiêu thất bại quân sự đã xay ra. Hai nguyên tắc chủ yếu là: 1- Chuẩn bị bảo vệ thành tốt để đẩy lui bất kỳ cuộc tấn công nào. 2- Tìm mọi cách tấn công đánh bại kẻ địch. Cái khó nhất của điều này là tìm ra và thực hiện những sách lược để đánh bại địch mà không cần giao chiến thực sự. Theo Griffith, "Tôn Tử được cho là nhà chiến lược, là người biết thắng địch mà không cần giao chiến, hạ thành trì mà không cần vây, lật đổ một quốc gia mà không cần dùng đao kiếm. Chỉ dùng binh lực khi không còn cách khác. Trong khi đó, cần dùng mọi cách như: tung tin thất thiệt trong lòng địch, đút lót và gây ảnh hưởng đối với các người lãnh đạo phe địch để phá hủy tinh thần, chia rẽ, làm suy yếu khả năng địch. Cần thám thính, thu thập tư liệu về tình hình địch trước khi tác chiến. Không được đánh kéo dài, tấn công phải nhanh.
Một số câu của binh pháp Tôn Tử thường được nhắc tới như "Biết địch biết ta, trăm trận thắng cả trăm", "Tránh mạnh, đánh yếu", " Phòng ngự khi lực lượng không đủ, tấn công khi lực lượng dồi dào".
Nhật Bản dịch 13 thiên của Tôn Tử vào năm 760, nhưng chắc mấy thế kỷ trước đó, từng phần đã được dịch. Ở phương Tây, mãi đến năm 1722, một giáo sĩ dòng Tên ở Bắc Kinh mới dịch và xuất bản ở Paris. Năm 1782, có in lại trong một tuyển tập, hẳn Napoléon I có đọc. Sang thế kỷ 19, mới có những bản dịch ở Nga, Đức, Anh.
Hữu Ngọc