Hai mặt chương trình giải trí của thiếu nhi

30-06-2018 10:15 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Sóng truyền hình Việt lâu nay nở rộ chương trình giải trí, tìm kiếm tài năng (sau đây gọi là chương trình) dành cho các em nhỏ. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực không thể phủ nhận thì thực tế phản ánh, các chương trình cho trẻ nhỏ ở Việt Nam cũng bộc lộ nhiều mặt tiêu cực khiến nhiều người lo ngại.

Không khó để kể ra nhiều chương trình dành cho các em nhỏ đã và đang được mở ra ở nước ta, trong đó phải kể tới The Voice Kid, Sinh ra để tỏa sáng, Tuyệt đỉnh song ca nhí, Thử tài siêu nhí, Tạp dề tí hon, Nhóc cưng siêu đẳng, Con biết tuốt... Các chương trình này phần nào đã đem đến cho khán giả những món ăn tinh thần mới lạ, có tính giải trí và giúp các bậc phụ huynh cũng như các chuyên gia phát hiện được những biệt tài của các em nhỏ trong lĩnh vực ca hát, biểu diễn sân khấu, điện ảnh...Trên thực tế, thông qua các chương trình kể trên, những tài năng nhí đã xuất hiện và được nhiều người mến mộ như: Hồng Minh, bé Ben, Ku Tin, Thiên Khôi, Thiện Nhân, Hồ Văn Cường...

Một điểm đáng ghi nhận, sau khi đăng quang hoặc giành thứ hạng cao tại các chương trình, các em nhỏ rất “đắt show” quảng cáo, đóng phim, ca hát trên sân khấu lớn. Chính vì thế, sau khi thành công ở các chương trình, thí sinh nhí Phương Mỹ Chi, Quang Anh, Ku Tin... liên tục xuất hiện trong các live show ca nhạc, hài kịch của các nghệ sĩ nổi tiếng và còn tham gia các dự án điện ảnh chiếu rạp. Nhờ vào thù lao “khủng” từ những lần biểu diễn nên các em nhỏ góp phần giúp gia đình “thoát nghèo” như trường hợp Phương Mỹ Chi, bản thân các em nhỏ cũng đổi đời hoặc trở thành thần tượng của bạn bè cùng trang lứa. Hoặc các em nhỏ cũng trở thành “sao” , điển hình như Ku Tin (tên thật Minh Hoàng, 7 tuổi) là cái tên rất “hot” trên nhiều diễn đàn giải trí thời gian qua. Các bộ phim, clip, video của Ku Tin trên mạng xã hội thường có cả triệu lượt người xem, yêu thích.

Tuy nhiên, bên cạnh những hiệu ứng tích cực thì chương trình dành cho các em nhỏ cũng cho thấy nhiều mặt tiêu cực. Nhiều ý kiến cho rằng, mục đích ban đầu của các chương trình dành cho các em nhỏ đều rất nhân văn. Tuy nhiên khi chương trình diễn ra, vì lợi nhuận nên nhiều nhà sản xuất không ngần ngại thương mại hóa chương trình và dùng trẻ em để “câu” khán giả nhằm được tài trợ, quảng cáo nhiều hơn. Thậm chí, các chương trình không chỉ đơn thuần là sân chơi giải trí mà còn là cuộc chiến cam go, khốc liệt đối với những thí sinh “nhí” dẫn đến tâm lý thắng - thua ở lứa tuổi chưa kịp thích ứng để có sự đối diện hay ứng xử phù hợp. Điều này khiến các em nhỏ chịu nhiều áp lực và việc “dính” sang chấn tâm lý chỉ là vấn đề thời gian.

Hai mặt chương trình giải trí của thiếu nhiKu Tin - Tài năng nhí tham gia đóng phim, diễn hài trong nhiều chương trình dành cho các em nhỏ ở nước ta.

Nhạc sĩ Thanh Bùi - giám khảo chương trình Giọng hát Việt nhí từng thẳng thắn chia sẻ, những cuộc thi, chương trình cho các em nhỏ như Giọng hát Việt nhí không mang lại hiệu ứng tích cực mà khiến các em nhỏ và phụ huynh bị ảo tưởng. “Nhìn tuổi thơ và sự hồn nhiên của một đứa bé bị mất đi khi phải bước chân vào một chương trình, quả thật rất tội nghiệp và rất thiệt thòi. Nhiều em còn có hiện tượng “chạy show”, bên này chưa đậu sẽ chạy sang cuộc thi khác. Mãi cũng chỉ là vậy mà thôi” - nhạc sĩ Thanh Bùi cho biết.

Không ít bậc phụ huynh cũng như khán giả lớn tuổi tỏ ra lo lắng khi các em nhỏ đang ở tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” lại phải gồng mình thể hiện những ca khúc tình yêu đôi lứa, khoác vào mình những trang phục, kiểu tóc, trang điểm già dặn đứng trên sân khấu để tham gia các chương trình. Chưa kể, trong hầu hết những nhận xét của giám khảo với các thí sinh nhí, nhiều nghệ sĩ thường dành những lời “có cánh” như: con quá giỏi, con là số một, là ngôi sao sáng trong tương lai, là thần đồng... đôi khi đem lại hiệu ứng ngược. Nhạc sĩ Hoàng Long - người có nhiều ca khúc thiếu nhi nổi tiếng bày tỏ quan điểm, sự tung hô đôi khi quá đà của người lớn đã vô tình tạo nên tâm lý “sống ảo” cho nhiều em nhỏ, khiến các em quên trau dồi kỹ năng sống, rèn giũa thêm tài năng để phát triển.

Ngoài ra, tham gia các chương trình, các em nhỏ thường tốn công sức đầu tư, tập luyện tiết mục biểu diễn trong khoảng thời gian khá dài. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến việc học tập ở trường, đồng thời khiến các em không được tự do tận hưởng tuổi thơ như chúng bạn. Nhạc sĩ Trần Tiến từng chia sẻ, ông rất sợ các chương trình, cuộc thi tìm kiếm tài năng biến trẻ con thành người hùng, người tài từ khi còn rất sớm. Nếu các em bị đẩy ra kiếm tiền từ nhỏ thì cái giá các em phải đánh đổi sẽ rất đắt, là mất đi tuổi thơ. Chính vì vậy nhiều ý kiến cho rằng, với các em nhỏ đang ở tuổi “biết ăn, biết ngủ, biết học hành là ngoan” thì các bậc phụ huynh nên ưu tiên việc học văn hóa cho các em lên hàng đầu. Nếu có cho con em tham gia các chương trình tìm kiếm tài năng, giải trí cũng đừng đặt nặng vấn đề thắng - thua và chỉ cho các em tham gia như một cuộc dạo chơi trên chặng đường tuổi thơ để lưu dấu kỷ niệm.


Quỳnh Phạm
Ý kiến của bạn