Sinh năm 1989 ở thành phố cảng Gdansk (Ba Lan), Natalia Partyka không may bị cụt nửa cánh tay phải. Tật nguyền không cắt cụt “đôi cánh” của cô gái. Thậm chí ngược lại. Thiếu nữ giàu nghị lực đã hai lần trở thành quán quân Olympic bóng bàn dành cho người khuyết tật (năm 2004 ở tuổi 15 và năm 2008 - 19 tuổi). Gần đây nữ vô địch huyền thoại đã tiết lộ với báo mạng “Skarb” về cội nguồn sức mạnh giúp chị phấn đấu thành đạt trong thể thao và cuộc sống thường nhật.
Natalia Partyka, nữ vô địch Olympic bên bàn bóng.
Chị bắt đầu chơi bóng bàn thế nào?
Tất cả nhờ chị gái Sandra lớn hơn tôi ba tuổi. Chị bắt đầu tập tại câu lạc bộ bóng bàn thành phố còn tôi ngồi xem chị trên ghế băng. Tôi bắt đầu cầm vợt và cùng chị tập luyện từ năm 7 tuổi sau lần huấn luyện viên của chị “nói kháy”: “Nếu ghen với chị, cháu có thể thử sức!”.
Sinh ra đã cụt nửa cánh tay. Thời nhỏ chị có mặc cảm thua kém bạn cùng lứa?
Không hề. Tôi có khá nhiều bạn gái và bạn trai, những người chấp nhận tôi và không bao giờ tạo cảm giác, tôi khác họ. Tất nhiên cũng có không ít người giễu cợt khuyết tật bẩm sinh của tôi và họ xa lánh. Nhưng tôi không chấp. Tôi làm việc của mình. Tôi sống bình thường, như mọi đứa trẻ. Bố mẹ sớm mạnh tay “quăng” tôi ra “biển lớn”, nhờ thế tôi buộc phải học cách tự xoay sở với tất cả mọi việc thường nhật.
Chị có bao giờ oán trách số phận vì chỉ có một tay?
Không bao giờ. Tôi chấp nhận bản thân, tôi làm những gì mình thích, thêm nữa - với kết quả không tồi. Tôi tổ chức cuộc sống tự lập và tự xoay sở với mọi việc.
Chị tự xoay sở thế nào với cuộc sống thường nhật?
Như mọi người. Tuy chưa lấy chồng, nhưng hai năm trước tôi đã xin phép bố mẹ ra ở riêng. Vậy nên tôi phải tự mình tổ chức cuộc sống trong căn hộ mà mình bỏ tiền túi trả góp. Tôi đã tậu xe hơi, có bằng lái xe, thế nên hoàn toàn không phụ thuộc ai.
Có thể ngồi nhà và khóc về số phận của mình, trong khi chị đã trở thành nữ vô địch Olympic...
Về lý thuyết bị cụt nửa cánh tay, tôi có thể ngồi nhà và khóc về số phận đen đủi của mình, nhưng để làm gì? Sẽ thật lãng phí thời gian. Từ lúc cảm thấy bóng bàn là sở thích, tôi đã mong muốn là tay vợt xuất sắc nhất. Tôi cũng chơi trong câu lạc bộ dành cho người khuyết tật và ở đấy tôi đã gặp những người bị số phận bạc đãi còn tệ hơn tôi rất nhiều, song họ chơi bóng bàn rất tuyệt, họ sống tự lập và đạt được mơ ước riêng. Tôi nhìn họ và khao khát sống như họ. Vì thế tôi miệt mài tập luyện thay vì than thân trách phận. Sau vài năm xuất hiện thành tích đầu tiên. Tất nhiên không dễ dàng. Đó là lao động nặng nhọc, ngày này sang ngày khác. Tuy nhiên mỗi thắng lợi, dù nhỏ nhất, đều mang lại cho tôi niềm vui lớn. Sự thật đôi lúc mệt rã rời, nhưng tôi vẫn đeo ba lô và nhanh chóng đến phòng tập. Tất cả đều trở thành có thể, ngay khi con người có khát vọng.
Chị còn nhớ cảm giác lần đầu giành chiến thắng?
Năm ấy tôi mới 11 tuổi. Tôi chỉ còn nhớ, mình là vận động viên nhỏ tuổi nhất tham gia thế vận hội, vậy nên tôi có cảm giác như em út của đoàn Ba Lan. Tất cả đều chăm sóc tôi, để giúp tôi đỡ nhớ nhà.
15 tuổi, khi chị đoạt huy chương vàng Olympic ở Aten (Hy Lạp)
Đó là chiến thắng mang lại niềm vui thật lớn. Nhưng giải Vô địch trẻ châu Âu diễn ra sớm trước một tháng mang lại cho tôi nhiều cảm xúc hơn. Tôi đã giành huy chương vàng nội dung đơn nữ. Bất ngờ lớn đối với mọi người. Không ai tin tôi là ứng viên vô địch, nhưng tôi đã vượt qua nhiều tay vợt xuất sắc và đoạt huy chương vàng. Cả tôi và huấn luyện viên đều không cầm được nước mắt sau trận chung kết.
Ngoài các giải dành cho người khuyết tật, chị cũng tham gia một số giải (như Vô địch quốc gia, Vô địch châu Âu) dành cho các tay vợt hoàn toàn khỏe mạnh. Giành chiến thắng trước các nữ đối thủ “bình thường” có mang lại cho chị niềm vui lớn hơn?
Mỗi chiến thắng đều là niềm vui lớn. Bởi đã nhiều năm tôi chuyển sang ngạch chuyên nghiệp, hàng ngày tôi tập luyện với các tay vợt khỏe mạnh bình thường, vậy nên chiến thắng họ cũng là hiện tượng tự nhiên.
(Theo Gotowa do gry - wywiad z Natalia Partyka)
Vinh Thu