Hãi hùng những chuyến xe “ăn” đường

18-05-2013 09:00 | Thời sự
google news

Để ngăn chặn tình trạng các xe tải siêu trường, siêu trọng ngày đêm “cày ải” các tuyến quốc lộ và “ăn” hàng nghìn tỉ đồng tiền sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng hạ tầng giao thông, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) và Tổng cục VII (Bộ Công an) đang có đợt ra quân xử lý những trường hợp xe tải chở hàng quá tải trọng trên một số tuyến Quốc lộ mà nhiều người dân đã ví von là hung thần xa lộ.

Để ngăn chặn tình trạng các xe tải siêu trường, siêu trọng ngày đêm “cày ải” các tuyến quốc lộ và “ăn” hàng nghìn tỉ đồng tiền sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng hạ tầng giao thông, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) và Tổng cục VII (Bộ Công an) đang có đợt ra quân xử lý những trường hợp xe tải chở hàng quá tải trọng trên một số tuyến Quốc lộ mà nhiều người dân đã ví von là hung thần xa lộ.

Quá tải để tận thu

Tại TP. Hồ Chí Minh, hiện nhiều tuyến đường trọng điểm đang bị hư hại mà một trong những nguyên nhân chính là do xe quá tải. Điển hình như đường dẫn vào cảng Cát Lái (quận 2) xa lộ Hà Nội và QL1A đoạn qua thành phố, nhiều đoạn mặt đường bị lồi lõm, “sống trâu”. Hay đường Đồng Văn Cống đoạn hơn 2km từ cầu Giồng Ông Tố 2 (tỉnh lộ 25B cũ) là tuyến đường duy nhất dẫn vào cảng Cát Lái, do lưu lượng xe container ra vào cảng luôn ở mức cao, nên đã dẫn đến sụt lún mặt đường nhiều vị trí. Tương tự, gần chục năm qua, trên QL1 dài gần 10km chạy qua TP. Hồ Chí Minh, xe ben chở đá quá tải trọng hoạt động bất kể ngày đêm. Hàng ngày, từng đoàn xe ben xuất phát từ mỏ đá Tân Đông Hiệp (xã Tân Đông Hiệp, Dĩ An, Bình Dương) ra QL1 là phóng ào ào, các phương tiện khác đều phải nép vào sát lề né tránh. Các xe này đều chất đầy ụ đá, che chắn rất sơ sài làm rơi vãi đất đá gây bụi mù mịt, nguy hiểm rình rập các phương tiện lưu thông khác. Hơn nữa, khi phát hiện xe vi phạm cũng chỉ dừng ở mức lập biên bản vi phạm hành chính và đành thả xe chứ không thể hạ tải vì không có kho bãi lưu hàng.

Hãi hùng những chuyến xe “ăn” đường 1
 Dỡ hàng xe chở quá tải.

Theo chân đoàn kiểm tra liên ngành, có mặt trên Quốc lộ 5, tại km14, xã Kênh Giang, Thủy Nguyên (Hải Phòng), chỉ trong vòng một tiếng, các tổ công tác đã tiến hành lập biên bản 5 trường hợp xe chở vượt tải trọng cho phép từ 10 - 40% đi tuyến Hải Phòng - Quảng Ninh. Cụ thể, xe tải dưới 5 tấn mang biển kiểm soát 14N - 7801 có tổng tải trọng được phép tham gia giao thông là 11 tấn nhưng chủ xe đã chở vượt tải 10 tấn (tương đương 205%). Giải thích cho hành vi vi phạm, theo lái xe Ngô Mạnh Hùng ở Yên Hưng (Quảng Ninh), do tính chất công việc thường xuyên đi trên đường, nên cánh lái xe không biết các cơ quan chức năng bố trí lắp đặt các trạm cân di động xách tay để cân. Đặt câu hỏi đến việc xe vượt quá tải trọng, anh Hùng thành thật, đa số cánh lái xe đều “cõng” hàng quá tải ít nhất 10 tấn thì mới có thể bù đủ các chi phí xăng dầu và giá cước.

Phải giải quyết tận gốc

Để từng bước đưa việc vận tải hàng hóa trên các tuyến đường theo đúng quy định, chấp hành Luật An toàn giao thông một số địa phương như: Hà Nam, Quảng Nam; Quảng Trị, Quảng Ngãi... đã ra quân xử lý xe quá khổ, quá tải và đạt được nhiều kết quả khả quan, từ đó giảm thiểu số vụ tai nạn do xe quá khổ, quá tải gây ra cũng như bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Hiện nay, hầu hết các Sở Giao thông Vận tải đã phối hợp với công an tỉnh mở đợt cao điểm về tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát việc chấp hành các quy định về vận tải đường bộ đối với các phương tiện vận tải hàng hóa bằng xe ôtô. Ông Hoàng Thế Lực, Phó Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, để việc quản lý tải trọng đi vào nền nếp, dự định tháng 6 tới đây, Tổng cục Đường bộ sẽ đấu thầu việc xây dựng các trạm cố định và trong thời gian từ nay đến năm 2015, Bộ Giao thông Vận tải cũng giao Tổng cục phải làm xong 11 trạm cân cố định và 67 cân di động “xách tay” .

Theo ông Lê Văn Tuấn - Đội trưởng Đội TTGT số 5, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP.HCM,  để nâng cao hiệu quả xử xe ôtô chở quá tải, phải thắt chặt quản lý, kiểm tra ngay tại những cảng cung cấp, xếp dỡ hàng hóa, để vi phạm được giải quyết ngay từ điểm xuất phát. Nếu làm tốt việc này, thì vấn đề hạ tải, bảo quản hàng hóa sẽ được thực hiện dễ dàng và không phát sinh chi phí. Ngoài ra, phải có giải pháp ràng buộc trách nhiệm của các cảng biển; buộc các đơn vị quản lý cảng phải cho phép lực lượng chức năng vào tận nơi để kiểm tra, ngăn chặn vi phạm từ “gốc”.

Đại úy Vũ Quang Hiển, Đội Tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ số 2 thuộc Phòng 6, Cục Cảnh sát giao thông đường bộ đường sắt, nhìn nhận: "Việc xử phạt xe chở quá tải mà chủ yếu là lái xe mới chỉ là phần ngọn mà căn bản, gốc rễ của vấn đề chính là doanh nghiệp, chủ hàng thuê xe chở quá tải để “phá” đường. Nếu lái xe không “cõng” quá tải thì cũng là cách để bản thân các đơn vị vận tải xem xét lại cách tính giá cước trên đường, để từ đó sẽ tạo sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường vận tải mà bấy lâu nay cánh tài xế đang bị “ép giá."        
 
Bài, ảnh: Việt Quang

Ý kiến của bạn