Hai hoạt chất làm sáng da khi điều trị nám, tàn nhang

11-03-2024 10:51 | Dược

SKĐS - Mục tiêu của điều trị nám, tàn nhang là làm mờ các đốm nám sạm và giúp da trắng sáng, đều màu. Dưới đây là hai hoạt chất và cách dùng hiệu quả an toàn.

Làm mờ nám, tàn nhang với kojic acid

Kojic acid là một chất làm sáng da tự nhiên, là một trong những hoạt chất được sử dụng trong điều trị nám, tàn nhang rất phổ biến. So với hydroquinone, kojic acid hoạt động nhẹ nhàng trên da hơn. Vì thế hoạt chất này được lựa chọn đầu tay thay thế cho hydroquinone hoặc retinoid trong điều trị các vấn đề như nám, tàn nhang, ngăn ngừa lão hóa…

Hai hoạt chất làm sáng da khi điều trị nám, tàn nhang- Ảnh 1.

Tàn nhang có thể xuất hiện từ khi còn trẻ.

Kojic acid làm sáng da cũng nhờ vào cơ chế hoạt động giảm hắc sắc tố melanin. Kojic acid có thể hòa tan liên kết ion của các enzyme tyrosinase và cản trở tế bào hắc tố tiếp tục sản xuất melanin đẩy lên lớp sừng. Nhờ đó da được ổn định sắc tố, hạn chế các đốm tàn nhang, nám và giúp da sáng đều màu hơn. Kojic acid được dùng để điều trị các tình trạng da: Tăng sắc tố, tàn nhang, nám, đồi mồi, vết cháy nắng, sẹo thâm…

Tac dụng của kojic acid cũng khá chậm, do đó cũng phải mất một thời gian khoảng 2 tháng sử dụng mới thấy được hiệu quả. Và mặc dù nhẹ nhàng hơn và ít gây kích ứng hơn hydroquinone, nhưng hoạt chất này cũng có thể gây ra một số rủi ro hoặc tác dụng phụ nhất định.

Dị ứng là phản ứng thường gặp, kể cả các thành phần có hoạt tính nhẹ. Để hạn chế tình trạng này, có thể sử dụng nồng độ từ thấp đến liều điều trị khi da quen dần. Trường hợp da kích ứng mạnh, cần thông báo cho bác sĩ biết để có hướng dẫn xử trí.

Viêm da tiếp xúc như ngứa, nổi mẩn đỏ, bỏng rát khi dùng kojic acid nồng độ cao.

Tăng độ nhạy cảm của da với ánh nắng mặt trời nếu sử dụng trong thời gian dài hoặc dùng nồng độ cao. Lúc này trên da sẽ xuất hiện nhiều vết cháy nắng và gây tổn hại đến chức năng tế bào da.

Để tránh những tác dụng không mong muốn, nên sử dụng nồng độ dưới 1% khi bắt đầu sử dụng. Nên gặp bác sĩ da liễu để được tư vấn sản phẩm và nồng độ thích hợp với làn da của mình.

Sử dụng kem chống nắng với chỉ số SPF từ 30 trở lên. Tránh để da tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời.

Tretinoin trị tàn nhang bằng cách tăng đổi mới tế bào

Dùng tretinoin trị nám, tàn nhang là một trong các lựa chọn phổ biến hiện nay trong da liễu. Bằng cách liên kết với các thụ thể retinoic acid trong tế bào biểu bì, tretinoin giúp thúc đẩy sự tăng sinh, biệt hóa tế bào nhằm kích thích và điều chỉnh biểu mô. Giúp thay đổi tế bào biểu bì, làm mờ các vết thâm nám trên da. Tretinoin còn có khả năng kiểm soát sự biệt hóa tế bào, phân bổ lại các sắc tố melanin trên da để giảm tình trạng tối màu cục bộ, từ đó làm giảm các đốm tàn nhang, nám…

Nhưng dùng tretinoin trị nám, tàn nhang hiệu quả như thế nào còn phụ thuộc vào mức độ tăng sắc tố cụ thể, cách sử dụng và thời gian sử dụng. Cũng là sản phẩm có hiệu quả sau vài tháng sử dụng. Do đó nên kiên trì và dùng đúng cách để đạt được kết quả mong đợi.

Hai hoạt chất làm sáng da khi điều trị nám, tàn nhang- Ảnh 3.

Khi sử dụng các hoạt chất trị nám, tàn nhang cần lưu ý đến tác dụng phụ.

Tretinoin cũng gây kích ứng da khá cao, do đó khi mới bắt đầu sử dụng chỉ nên dùng ở nồng độ thấp, khoảng 0,001 - 0,025%. Sau đó tăng dần lên đến liều điều trị hiệu quả. Thuốc nên được khuyến nghị sử dụng vào buổi tối, trước khi đi ngủ để giảm độ nhạy cảm của da đối với ánh nắng mặt trời.

Khi bắt đầu sử dụng chỉ nên thoa 1 - 2 lần/tuần, sau đó tăng dần khi da có phản hồi tốt. Khi da đã đáp ứng với thuốc, liều điều trị tàn nhang nên là 0,05 - 0,1% mỗi lần/ngày. Chỉ nên thoa một lớp mỏng lên da hoặc chấm lên từng khu vực cần điều trị, tránh bôi vào vùng da quanh mắt và miệng.

Do tretinoin có thể gây bong tróc da, khô da nên cần bổ sung thêm các thành phần dưỡng và giữ ẩm như glycerin, hyaluronic acid, niacinamide... Tuyệt đối không sử dụng một mình tretinoin.

Không dùng tretinoin với các hoạt chất mạnh như BHA, AHA và hydroquinone.

Sử dụng kem chống nắng có chỉ số chống UVA và UVB cao, không chứa thành phần gây dị ứng.

Mời độc giả xem thêm video:

Có điều trị nám da triệt để được không?


ThS.Trần Thị Luyến
Ý kiến của bạn