Hài hòa tâm - thân

27-09-2018 13:05 | Khỏe - Đẹp

SKĐS - Tinh thần “bệnh hoạn”, mang nặng những âu lo, buồn chán, căng thẳng, tức giận, thù hằn hoặc dồn nén... hay bi quan yếm thế sẽ gây bệnh cho cơ thể; và hiểu theo chiều ngược lại sức khỏe thể chất cũng làm cho người ta thấy hạnh phúc hơn. Tinh thần và thể xác có mối quan hệ biện chứng và tác động qua lại.

Sức khỏe tinh thần tác động lên thể chất theo y học

Từ hàng ngàn năm trước, Y học đông phương đã sớm ghi nhận mối quan hệ tác động qua lại của vấn đề tinh thần và thể chất, đã chỉ ra mối liên hệ giữa các triệu chứng của cơ thể với trạng thái cảm xúc.Trong các nhóm nguyên nhân gây bệnh của YHCT là nội nhân (thất tình: nộ (giận), hỉ (vui), ưu (lo), tư (suy nghĩ), bi (buồn), kinh (sợ), khủng (hốt hoảng)), ngoại nhân (lục dâm: phong (gió), hàn (lạnh), thử (nắng)), thấp (ẩm), táo (khô), hỏa (nóng)), bất nội ngoại nhân (do ăn uống, do tình dục, do chấn thương, do trùng thú cắn, do tiên thiên bất túc (bất thường hình dạng sau khi sinh)) thì nhóm nội nhân chính là các cảm xúc thái quá, trái thường, là thất tình, là chỉ 7 thứ tình chí biến đổi khác nhau mà gây bệnh. Những biến đổi này là biểu hiện cụ thể của tinh thần hoạt động, theo ảnh hưởng của sự vật khác nhau, hoàn cảnh khác nhau, làm cho tình chí của con người hoạt động biến đổi từng giờ từng phút. Trong tình trạng bình thường sự biến đổi đó có tiết chế được, cho nên không tổn hại đến sức khỏe. Nếu như mừng giận lo nghĩ quá, tinh thần bị kích thích thì ảnh hưởng đến sinh lý bình thường mà phát sinh bệnh tật. Thiên Cử thống đại luận sách Tố vấn nói: “giận thì khí bốc lên, mừng thì khí hoãn, buồn thì khí tiêu, sợ thì khí hạ, hốt hoảng thì khí loạn,... lo nghĩ thì khí kết”. Thiên Âm dương ứng tượng đại luận lại nói: “mừng quá hại tâm”, “giận quá hại can”, “lo nghĩ quá hại tỳ”, “ buồn quá hại phế”, “sợ quá hại thận”. Như vậy nếu tình chí bị thiên thắng là không có lợi đối với nội tạng thân thể người ta. Ngoài ra, thất tình có thể làm ngũ tạng sinh bệnh, nhưng quy kết lại thì gốc ở Tâm, vì “Tâm tàng thần”, Tâm lại là đứng đầu ngũ tạng lục phủ, thất tình động đến tất biến động tất nhiên ảnh hưởng đến tâm. Thiên Khẩu vấn sách Linh khu nói: “Buồn, thương, lo, sầu thì động đến tâm, tâm động thì ngũ tạng lục phủ đều dao động”. Nói rõ hơn, tâm là chủ tể của thân thể con người, có tác dụng quan hệ lẫn nhau giữa nội tạng và tình chí. Khoa học hiện đại ngày càng có nhiều bằng chứng hơn về vấn đề này. Khi bạn suy nghĩ tích cực, não bộ sẽ sản sinh ra các endorphins gây ảnh hưởng có lợi tới các nội tạng cơ thể. Ngược lại, với các suy nghĩ tiêu cực, não bộ sẽ sản sinh ra adrenaline, khiến hệ thống đề kháng bị đình trệ. Như vậy là, những suy nghĩ tiêu cực như oán hận, đố kỵ, thù địch, sợ hãi, lo lắng... sẽ không chỉ gây ảnh hưởng tới tinh thần mà sẽ khiến thế chất suy sụp. Y học hiện đại có nghiên cứu về hiệu ứng Placebo (giả dược).

Hài hòa tâm - thânKhi bạn suy nghĩ tích cực, não bộ sẽ sản sinh ra các endorphins gây ảnh hưởng có lợi tới các nội tạng cơ thể

Trong cuốn sách “Nơi không có thầy thuốc”, bác sĩ David Werner kể: “Có lần tôi thấy một bệnh nhân nhức đầu dữ dội. Một phụ nữ đưa cho anh ta miếng khoai mài và bảo rằng đây là thuốc giảm đau rất mạnh. Anh ta tin lời, đã ăn nó và kết quả là khỏi đau nhanh chóng”. Theo bác sĩ Werner, trong trường hợp trên, yếu tố tâm lý của người bệnh đã được tác động để phát huy khả năng điều chỉnh của nó. Khi bệnh nhân được cho dùng một chất không phải là thuốc nhưng tin tưởng tuyệt đối đó là thuốc thật thì có thể giảm bệnh. Đó là hiệu ứng placebo, có nghĩa là bác sĩ sẽ tác động đến yếu tố tâm lý của người bệnh, tạo cho họ sự phấn khởi, tin tưởng để mau hết bệnh. Trong quá trình điều trị bệnh, thầy thuốc thường khai thác tối đa yếu tố tâm lý để giúp quá trình bệnh diễn tiến tốt. Bác sĩ có mối quan hệ tốt với bệnh nhân, cung cách khám chữa bệnh đúng mực, nói năng nhẹ nhàng, thân tình, giải thích rõ ràng cặn kẽ sẽ giúp việc điều trị đạt kết quả nhanh và tốt hơn. Khi người bệnh được cho dùng một chất nào đó không phải là thuốc, nhưng nếu người đó có sự tin tưởng tuyệt đối đó là thuốc thật, dùng chất đó và khỏi bệnh thì hiện tượng đó được gọi là “hiệu ứng placebo”.Rất nhiều nghiên cứu, thử nghiệm đã được tiến hành sau đó để chứng thực rằng những suy nghĩ tiêu cực có thể gây những phản ứng bệnh tật cho cơ thể. Một thử nghiệm kinh điển khác là: cho một nhóm người dùng nước đường và bảo đây là chất gây nôn. Kết quả 80% số người tham gia đã bị nôn mửa. Không phải nước đường mà chính sự lo sợ, cho rằng mình thể nào cũng nôn, đã dẫn đến tình trạng này.

Ám ảnh bệnh tật tác động đến sức khỏe thể chất

Bệnh tưởng khởi đầu là sự “ám thị bệnh” khiến chúng ta mắc bệnh thật. Chứng nghi bệnh hay còn gọi là rối loạn nghi bệnh là tình trạng khá nhiều người mắc phải. Những người này thường tin hoặc bị ám ảnh mình bị mắc bệnh nghiêm trọng nào đó, ngay cả khi các kết quả khám, xét nghiệm chứng minh không đúng. Ý nghĩ mình mắc trọng bệnh luôn ám ảnh, gây căng thẳng cho bệnh nhân. Hầu hết đều biết sự ám ảnh của mình vô lý, nhưng họ không thể xua đuổi được. Cũng có một số trường hợp tin chắc mình mắc bệnh thật và đi hết viện này, viện nọ khám, chữa. Những người này thường tự dày vò mình và cả người khác với các chứng bệnh mà họ không hề có. Đối với họ, một cơn nhức đầu nhẹ là họ nghĩ ngay rằng có thể mình bị u não; hơi tức ở ngực là cho rằng mình bị bệnh lý tim mạch, đau nhẹ ở chân là tin chắc mình bị nghẽn tĩnhmạch…

Nghiên cứu của các chuyên gia tâm thần học với rất nhiều trường hợp bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế cho thấy: ngày càng có nhiều người có những biểu hiện lo sợ quá đáng về sức khỏe của mình. Phần lớn các bệnh mà họ kể với bác sĩ là do họ tự nghĩ ra. Chỉ có 16% bệnh nhân đi bác sĩ vì những căn bệnh thông thường là thật sự có vấn đề về sức khỏe. 84% còn lại không hề có căn nguyên rõ rệt nào về tình trạng bệnh tật.Theo bác sĩ tâm thần Brian Fallon, người đã nghiên cứu những người bị bệnh tưởng từ hơn 15 năm nay thì đây là một căn bệnh thường gặp (ước tính có khoảng 5% dân số mắc) bởi nó xuất phát từ những va chạm đời thường. Chỉ cần nghe đài báo nói về một căn bệnh nào đó là người bị bệnh tưởng trở nên rất nhạy bén với các triệu chứng và nghĩ ngay đến việc mình có lẽ cũng đang bị bệnh và chạy vội đến khám bác sĩ. Rất nhiều bác sĩ đã gặp phải khó khăn trong chẩn đoán trước một bệnh nhân mắc bệnh tưởng bởi nhiều triệu chứng bệnh có thể gây ra bởi stress, đầu óc và thái độ của bệnh nhân. Vì thế, nếu thấy bệnh nhân luôn khẳng định mình đang mắc một bệnh nào đó cho dù mọi kết quả thăm khám đều xác định họ không có bệnh thực thể thì các bác sĩ nghĩ ngay đến việc có thể người đó đã mắc bệnh hoang tưởng nghi bệnh - một dạng rối loạn tâm thần ám ảnh và nhanh chóng chuyển họ sang bác sĩ chuyên khoa tâm lý.

Nguyên nhân của ám ảnh bệnh tật

Ám thị bệnh có thể xuất hiện sau một sang chấn nào đó hoặc do căng thẳng kéo dài, thậm chí không rõ căn nguyên ở những người có nhân cách yếu, hay lo lắng, dễ bị kích thích.Bệnh nhân thường có kèm theo các dấu hiệu trầm cảm và lo âu, nếu không được phát hiện và điều trị sớm sẽ gây ức chế đến hệ thần kinh. Sự căng thẳng làm thay đổi tâm trạng và thái độ đối với cuộc sống. Thay đổi trong nhận thức trí tuệ này gây ra sự khó chịu cho cơ thể. Những khó chịu lại có thể lan đi khắp cơ thể - từ ngứa ngáy kinh niên trên da cho tới những chứng đau nửa đầu, đau khắp mình mẩy, bắt đầu tin rằng mình đang bị nhiễm một loại vi rút, vi trùng nào đó, hoặc thậm tệ hơn, đang phát bệnh ung thư hay một căn bệnh nan y đe dọa đến tính mạng. Điều này càng làm anh ta căng thẳng hơn. Cuối cùng đi hết bác sĩ này đến bác sĩ khác và thất vọng khi nghe rằng chẳng có gì không ổn với sức khỏe của anh ta cả. Anh ta kết luận rằng, tất cả các bác sĩ đều dở và nghĩ mình sắp chết. Và thế là càng khiến bệnh trầm trọng hơn.

Hài hòa tâm - thânTrong số những tác nhân gây nên lão suy và làm giảm tuổi thọ thì trạng thái chán nản, u buồn, sợ hãi, đố kỵ có tác động cực mạnh và nguy hại nhất

Bệnh tưởng cũng có nguồn gốc từ cách sống của từng gia đình. Chẳng hạn cha mẹ bao bọc con kỹ quá. Điều này khiến trẻ thấy giả vờ không khỏe là được thỏa mãn mọi nhu cầu. Sự chăm sóc quá đáng này làm cho trẻ cứ hơi gặp khó khăn là đã suy sụp và dễ rơi vào bệnh tưởng. Ngay từ cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19, bác sĩ người Đức Gufeland đã cho rằng: mỗi bộ phận trên cơ thể đều bị ảnh hưởng bởi những ý nghĩ, xúc cảm từ chính bản thân mỗi người. Tuy chưa xác định được cụ thể cơ chế gây bệnh của những ý nghĩ tiêu cực nhưng ở thời điểm đó ông đã nhận ra: trong số những tác nhân gây nên lão suy và làm giảm tuổi thọ thì trạng thái chán nản, u buồn, sợ hãi, đố kỵ có tác động cực mạnh và nguy hại nhất. Cho đến nay, giới khoa học đã kết luận rằng: tất cả những chứng bệnh tâm thể (tinh thần và thể xác), theo số liệu thống kê chiếm tới trên 50% tổng số bệnh tật, đều phát sinh dưới tác động của các loại tình cảm tiêu cực, đặc biệt là sự sợ hãi. Chính nỗi sợ hãi bị mắc bệnh tật, một khi đã chiếm giữ vai trò chủ đạo, trở thành nỗi ám ảnh bao trùm lên toàn bộ tâm lý con người và tạo ra trạng thái “ám thị bệnh tật” đã khiến cho con người ta mắc bệnh

Giải pháp cho những người bị ám ảnh bệnh tật

Nguyên tắc chung là tìm cách giúp cho người bệnh hết các triệu chứng bất thường không thể giải thích được và giải phóng khỏi cảm giác lo lắng về bệnh tật bằng cách sử dụng thuốc an thần hoặc các liệu pháp tâm lý.Liệu pháp tâm lý, thường là thông qua trò chuyện, cung cấp thông tin, giúp người bệnh nhận ra, chấp nhận và tìm cách loại trừ những triệu chứng khó chịu trong cơ thể cũng như các lo lắng về bệnh tật. Thuốc an thần là các chất ức chế làm giảm đi sự lo lắng quá mức thông qua việc điều chỉnh mức độ truyền thông tin của các nơron thần kinh cũng cho thấy có tác dụng làm giảm căng thẳng, lo âu từ đó cải thiện bệnh.Các chuyên gia tâm lý khuyến cáo: Xã hội càng phát triển thì những chứng bệnh về rối loạn ám ảnh càng phổ biến. Những người phải làm việc căng thẳng, nhiều sức ép càng dễ mắc phải. Với người bệnh, những cách sau có thể giúp ích trong việc làm giảm đi bệnh tưởng: hạn chế hoặc tránh việc tự tìm hiểu các thông tin về bệnh trên internet, quảng cáo về thuốc, thực phẩm chức năng theo kiểu hù dọa, hay sách báo thổi phồng về phương pháp thần kỳ chữa bách bệnh, hay những “Thần y” không bằng cấp hù dọa bệnh để kiếm tiền và tránh tự thăm khám cho chính mình, bởi vì nó sẽ làm tăng lo lắng là mình mắc bệnh; duy trì một lối sống lành mạnh, bao gồm ngủ đủ giấc vào buổi tối, ăn uống cân đối, hợp lý, và một quan niệm sống cởi mở, tích cực.

Vận động thể chất: các hoạt động đòi hỏi phải tập trung cao và quên đi bệnh tật như chơi đánh cờ, tập thể dục, bơi lội, thái cực quyền, khiêu vũ dưỡng sinh…

Tương tác xã hội: đi dạo, nói chuyện phiếm với bạn bè về cuộc sống tích cực

Liệu pháp của Y học cổ truyền:

- Dưỡng sinh: động tác Thư giãn, động tác Thở 4 thời có kê mông và giơ chân.

- Xoa bóp, bấm huyệt vùng đầu.

- Dùng các bài thuốc an thần: Toan táo nhân thang, Bá tử dưỡng tâm hoàn, Thiên vương bổ tâm đan...

Rèn luyện tâm lý để vững vàng, ham đọc sách báo về giữ gìn sức khỏe bản thân, có bản lĩnh trong cuộc sống

Ám thị theo hướng tích cực, khích lệ tinh thần bản thân.

Và nếu có trục trặc về tâm lý trong cuộc sống nên đi khám đúng chuyên khoa tâm lý, tâm thần, nếu có bệnh thì chữa trị đúng chuyên khoa. Và đặc biệt không mua dụng cụ về y tế để đem về nhà tự điều trị, không lên mạng tra cứu bệnh mình để tự chữa bởi vì để chẩn đoán được một bệnh và chữa trị một bác sĩ phải mất 6 năm học chuyên môn về y khoa  và thêm 2 năm nữa  (8 năm) để trở thành bác sĩ chuyên khoa 1 về chuyên nghành về lĩnh vực bệnh lý  và phải mất thêm 2 năm nữa (10 năm) để trở thành bác sĩ chuyên khoa 2 về lĩnh vực mà mình am hiểu. “Hãy để sức khỏe bạn cho bác sĩ tư vấn, chăm sóc và điều trị”.


BS.CKII. HUỲNH TẤN VŨ
Ý kiến của bạn