Chuẩn bị cho chiến dịch tiêm chủng quan trọng lần này, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hải Dương đã chỉ đạo ngành y tế lên kế hoạch, lập danh sách chi tiết người được tiêm, tập huấn cho cán bộ thực hiện tiêm, chuẩn bị cơ sở vật chất tốt nhất để đảm bảo chiến dịch tiêm chủng an toàn.
Chiến dịch tiêm vắc-xin COVID-19 được Hải Dương triển khai cơ bản như tiêm chủng mở rộng trên địa bàn của 12 huyện, thành phố, thị xã.
Ông Phạm Mạnh Cường, Giám đốc Sở Y tế Hải Dương cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế và lãnh đạo tỉnh, ngành y tế Hải Dương đã lập kế hoạch tổ chức tiêm vắc-xin COVID-19 cho một số nhóm đối tượng ưu tiên đợt 1, năm 2021.
Theo đó, ngành y tế đã lập danh sách đối tượng được tiêm theo đúng tinh thần Nghị quyết 21 của Chính phủ đó là công khai, minh bạch danh sách đối tượng tiêm theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.
Từ đó, tạo được sự đồng thuận, hợp tác của người dân trong quá trình triển khai.
Danh sách đối tượng tiêm vắc-xin phòng COVID-19 phải được Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 của huyện, xã phê duyệt.
Trước 17h ngày 7/3/2021, hoàn thành việc lập danh sách các đối tượng được tiêm vắc-xin.
Trong đó, ưu tiên cho các lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch và ưu tiên tổ chức tiêm trước cho các vùng đang có dịch.
Tỉnh Hải Dương đã công bố 9 đối tượng được tiêm vắc-xin COVID-19.
Những cán bộ y tế đang trực tiếp chăm sóc điều trị bệnh nhân COVID-19 được ưu tiên tiêm vắc-xin sớm.
Nhóm thứ 1 là nhân viên y tế đã, đang điều trị bệnh nhân COVID-19 tại 6 cơ sở y tế của tỉnh.
Nhóm thứ 2 được ưu tiên tiêm là nhóm cán bộ lấy mẫu xét nghiệm: Ưu tiên tất cả các những người tham gia trực tiếp tại nơi lấy mẫu (gồm người viết danh sách, đánh máy danh sách, ghi mã, lấy mẫu, xếp mẫu, vận chuyển mẫu) tiêm trước. Lực lượng tổ chức, phục vụ tiêm sau.
Nhóm thứ 3 là nhân viên tại các cơ sở cách ly tập trung, cả các cơ sở đã và đang sử dụng tổ chức cách ly.
Nhóm thứ 4, thành viên tổ truy vết bao gồm lực lượng truy vết trực tiếp xuống hiện trường. Ưu tiên những vùng có dịch theo quy mô cấp huyện và cấp xã. Lực lượng truy vết bằng công nghệ (để tiêm đợt sau).
Nhóm 5, người tham gia điều tra dịch tễ (tuyến tỉnh, huyện, xã). Ưu tiên những địa phương có bệnh nhân dương tính (theo quy mô cấp huyện và cấp xã).
Nhóm thứ 6 là những người thực hiện tiêm vắc-xin.
Tất cả những người thực hiện trực tiếp tiêm chủng vắc-xin COVID-19 tại các điểm tổ chức tiêm chủng vắc-xin COVID-19 (người khám sàng lọc, thực hiện tiêm vắc-xin và theo dõi sau tiêm).
Nhóm 7-8: Lực lượng công an, quân đội và các thành viên khác tham gia các chốt kiểm dịch.
Người tham gia trực chốt khu phong tỏa theo quy mô thôn, khu dân cư, xã, phường, huyện, thị trấn, thành phố.
Ưu tiên người thực hiện tại các địa phương phong tỏa toàn huyện (Chí Linh, Cẩm Giàng).
Đối với lực lượng công an bao gồm cả công an chính quy và lực lượng bán chuyên trách...
Và nhóm cuối cùng là nhóm 9 - các thành viên của tổ COVID cộng đồng.
Trong đó, ưu tiên địa phương có dịch: Chí Linh, Cẩm Giàng, Kim Thành và ưu tiên những địa phương có đã có ca dương tính theo quy mô cấp huyện, cấp xã.
Để thúc đẩy tiêm vắc-xin hiệu quả, an toàn, Hải Dương quyết định sử dụng hệ thống tiêm chủng mở rộng sẵn có.
Trung tâm y tế các huyện, thành phố, thị xã là đầu mối tổ chức triển khai kế hoạch tiêm phòng COVID-19 trên địa bàn.
Trạm y tế của 12 huyện, thành phố, thị xã. Mỗi trung tâm y tế lựa chọn một số trạm y tế để tổ chức tiêm.
Đưa nội dung công tác tiêm chủng vắc-xin COVID-19 vào nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo Phòng chống COVID-19 các cấp.
Hải Dương đã tổ chức tập huấn về triển khai tiêm vắc-xin COVID-19 thông qua Hội nghị trực tuyến do Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo tỉnh tổ chức.
Đồng thời, tổ chức tập huấn trực tuyến từ điểm cầu của Sở Y tế đến các bệnh viện tuyến tỉnh, trung tâm y tế tuyến huyện.
Sở Y tế Hải Dương chỉ đạo BVĐK tỉnh và trung tâm y tế huyện, thành phố, thị xã thành lập các đội cấp cứu lưu động, sẵn sàng hỗ trợ các điểm tiêm chủng để xử trí kịp thời các trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng.
Ông Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương cho rằng, đây là sự kiện rất quan trọng của tỉnh.
Yêu cầu các địa phương cần chuẩn bị thật nghiêm túc, chu đáo, khoa học, bài bản, mang tính chuyên nghiệp cao, không để xảy ra bất kỳ sai sót nào.
Các điểm tiêm cần vệ sinh sạch sẽ khuôn viên, nhất là tại điểm chờ, nơi đón tiếp, phòng khám sàng lọc, phòng tiêm, phòng chống sốc phản vệ, phòng chờ.
Theo kế hoạch, sáng 8/3/2021, Trung tâm Y tế TP Hải Dương sẽ tiêm vắc-xin COVID-19 cho 50 người và Trung tâm Y tế huyện Kim Thành tiêm cho 30 người.
Sau đó Hải Dương sẽ đánh giá, rút kinh nghiệm để triển khai tiêm đồng loạt tại các địa phương trong tỉnh.
Sở Y tế Hải Dương đã chỉ đạo BVĐK tỉnh và trung tâm y tế huyện, thành phố, thị xã thành lập các đội cấp cứu lưu động, sẵn sàng hỗ trợ các điểm tiêm chủng để xử trí kịp thời các trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng.
Nhân viên y tế đã, đang điều trị bệnh nhân COVID-19 tại: Trung tâm Y tế TP. Chí Linh; BVĐK tỉnh (cơ sở 2); Bệnh viện Trường Đại học kỹ thuật Y tế Hải Dương; Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tỉnh Hải Dương; Khoa Truyền nhiễm - BVĐK tỉnh Hải Dương; Khoa truyền nhiễm - Trung tâm Y tế huyện Ninh Giang được ưu tiên trong nhóm 1.
Hải Dương triển khai thành 2 đợt tiêm, theo thứ tự ưu tiên mức độ dịch của các địa phương. Mỗi đợt kéo dài từ 3-4 ngày, cách nhau 1-2 ngày.
Đợt 1: Chí Linh, Cẩm Giàng, TP. Hải Dương, Kim Thành, Kinh Môn, Nam Sách.
Đợt 2: Các huyện còn lại: Bình Giang, Tứ Kỳ, Thành Hà, Ninh Giang, Gia Lộc, Thanh Miện.