Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ
Bắt đầu từ tháng 7/2015, Dự án đầu tư nâng cấp đường Pháp Vân - Cầu Giẽ được đầu tư theo hình thức BOT sẽ tiến hành thu phí sau khi hoàn thành thi công giai đoạn 1.
Dự án sau khi nâng cấp hoàn thành giai đoạn 1 sẽ áp dụng hình thức thu phí kín, như các tuyến đường cao tốc khác tại Việt Nam: Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai…
Mức phí áp dụng là 1.500 đồng/ km, được tính toán theo các quy định của pháp luật và đảm bảo tính khả thi về phương án tài chính của dự án. Mức phí này tính toán và áp dụng cho cả giai đoạn 2 sau khi hoàn chỉnh 6 làn xe.
Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ (Ảnh: TPO)
Dự án đầu tư, nâng cấp cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ được khởi công từ tháng 7/2014 do liên danh Cienco1 - Minh Phát - Phương Thành làm chủ đầu tư. Sau khi hoàn thành, các nhà đầu tư sẽ tiến hành thu phí, thời gian thu là 17 năm 3 tháng.
Thời gian thực hiện giai đoạn 1 theo hợp đồng của dự án thi công từ quý III/2014 đến quý IV/2015. Tuy nhiên, trên cơ sở tình hình thực tế và tính cấp bách của dự án, nhà đầu tư đã huy động nhân lực thiết bị và tài chính tập trung triển khai thi công để hoàn thành sớm hơn kế hoạch, rút ngắn tiến độ so với hợp đồng ký kết khoảng 6 tháng.
Đến nay, dự án cơ bản đã hoàn thành các hạng mục chính. Dự kiến, giai đoạn 1 sẽ hoàn thành trước 30/6/2015.
Dự án đầu tư, nâng cấp đường Pháp Vân - Cầu Giẽ dài 29 km đi qua địa bàn quận Hoàng Mai, Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên (TP.Hà Nội) có điểm đầu tại Km182 300 (vị trí nút giao Pháp Vân giao giữa đường Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường Vành đai 3 của Hà Nội); Điểm cuối tại Km211 256 (tại Km211 000 của tuyến cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình).
Tổng mức đầu tư của dự án là 6.731 tỷ đồng và được chia làm hai giai đoạn, giai đoạn 1 có mức đầu tư 1.974 tỷ đồng bao gồm: cải tạo, nâng cấp yếu tố bình đồ và mặt cắt dọc, kết cấu mặt đường chính tuyến đáp ứng tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe cơ giới; tận dụng đường hiện tại với bề rộng nền đường 25m và sẽ được thi công từ quý III/2014 đến năm 2015.
Giai đoạn 2 có mức đầu tư 4.757 tỷ đồng, bao gồm: xây dựng mở rộng hoàn chỉnh đường cao tốc thành 6 làn xe; bề rộng nền đường 33,5m. Xây dựng đường gom song hành hai bên. Giai đoạn 2 tiến hành GPMB trong năm 2015 -2016, hoàn thành vào năm 2017 và đưa vào khai thác đầu năm 2018.
Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng
Chủ đầu tư Dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) - cho biết, đoạn tuyến được đưa vào khai thác đầu tiên dài 22,7 km, từ nút giao Quốc lộ 10 đến nút giao với đường Phạm Văn Đồng (Tỉnh lộ 353) TP Hải Phòng (Km 74 000 đến Km 96 700).
Khi tham gia lưu thông trên đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, tốc độ tối đa là 120km/h và tốc độ tối thiểu là 60km/h. Khoảng cách an toàn giữa các phương tiện tối thiểu là 90m tương ứng với tốc độ từ 100km/h - 120km/h; 70m tương ứng với tốc độ từ 80km/h - 100km/h; 50m tương ứng với tốc độ từ 60km/h - 80km/h.
Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (Ảnh: Bộ GT)
Mức cước thu phí trong giai đoạn khai thác từ nút giao Quốc lộ 10 đến nút giao với đường Phạm Văn Đồng và ngược lại (Km 74 000 đến Km 96 700) là 1.500 đồng/km đối với xe tiêu chuẩn. Các phương tiện thanh toán cước phí tại trạm thu phí Km 95 800 (thuộc địa phận phường Hòa Nghĩa, quận Dương Kinh thành phố Hải Phòng). Hình thức thu phí áp dụng là thu phí lượt.
Cụ thể, VIDIFI đưa ra biểu giá mức thu phí để lưu thông 22,7km cao tốc này thấp nhất là 35.000 đồng/xe đối với xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn, các loại xe buýt vận tải khách công cộng và cao nhất đối với xe tải trọng từ 18 tấn trở lên, xe chở hàng container bằng 40 fit là 180.000 đồng/xe.
Dự án cao tốc Hà Nội-Hải Phòng khởi công từ tháng 5/2008 và hoàn thành vào năm 2011 với tổng chiều dài là 105,5km, quy mô 6 làn xe chạy, 2 làn dừng khẩn cấp, vận tốc thiết kế là 120km/giờ. Bề rộng nền đường 33m, 54 cầu lớn nhỏ, 108 cống chui dân sinh, 9 nút giao liên thông khác mức.
Tuyến đường đi qua 4 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng. Điểm đầu nằm trên đường vành đai 3 của thành phố Hà Nội, cách mố Bắc cầu Thanh Trì hơn 1km, cách đê sông Hồng hơn 1,4km về phía Bắc Ninh, thuộc địa phận thông Thượng Hội, phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội. Điểm cuối ở Đình Vũ, quận Hải An, thành phố Hải Phòng.
Tổng mức đầu tư tuyến cao tốc này là 45.487 tỷ đồng, từ nguồn vốn vay của Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB). Số vốn ban đầu được dự toán vào mức xấp xỉ 25.000 tỷ đồng.