Hải Dương: 22/22 đơn vị y tế được đầu tư hệ thống xử lý nước thải bằng phương pháp sinh học

25-07-2024 14:25 | Xã hội

SKĐS - Theo Sở Y tế Hải Dương, hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 880 cơ sở y tế. Việc quản lý chất thải y tế trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác phân loại, xử lý chất thải tại các cơ sở y tế đáp ứng theo quy định.

Tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hải Dương, những năm trước đây, công nghệ của trạm xử lý nước thải bệnh viện còn lạc hậu, không còn phù hợp để đạt các tiêu chuẩn theo quy định hiện hành.

Bên cạnh đó, hồ sơ thiết kế ban đầu của trạm xử lý nước thải chỉ đáp ứng 500 giường bệnh theo kế hoạch trong khi số giường thực tế tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh cao gấp hơn 2 lần so với thiết kế ban đầu. Vì vậy, hàm lượng nitơ tổng và NH4+-N rất cao, khó xử lý triệt để xuống dưới ngưỡng quy định nếu không áp dụng công nghệ mới hiện đại hơn.

Tại Trung tâm Y tế huyện Thanh Miện, ông Trương Mậu Nghiêm - Giám đốc trung tâm cho biết, hệ thống xử lý nước thải của Trung tâm Y tế huyện đã cũ do xây dựng từ rất lâu, công suất thiết kế chỉ 50 m3/ngày đêm. Hiện nay do số bệnh nhân đến khám và điều trị tăng mạnh, trung bình mỗi ngày trung tâm có hơn 300 bệnh nhân đến khám và điều trị. Số giường bệnh thực kê là 240 giường, cao hơn nhiều so với chỉ tiêu giao (190 giường) dẫn đến lượng nước thải ra tăng mạnh. Công suất và công nghệ xử lý cũ không đáp ứng được yêu cầu thực tế.

Hải Dương: 22/22 đơn vị y tế được đầu tư hệ thống xử lý nước thải bằng phương pháp sinh học- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ.

Để khắc phục hạn chế về môi trường, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hải Dương đã triển khai nhiều giải pháp như lấy ý kiến tư vấn chuyên gia để có giải pháp xử lý phù hợp, sửa chữa trạm xử lý nước thải, bổ sung thêm hóa chất xử lý nước thải... Để bảo đảm công suất xử lý của trạm xử lý nước thải và bảo đảm chất lượng nước thải khi thải ra môi trường, bệnh viện đã làm việc và được Bệnh viện Phụ sản Hải Dương đồng ý hỗ trợ xử lý nước thải.

Đối với Trung tâm Y tế huyện Thanh Miện, hiện trung tâm đã rà soát lại toàn bộ quy trình xử lý nước thải, bổ sung bùn vi sinh, clo vào nước thải. Về lâu dài, trung tâm đã thuê đơn vị tư vấn, khảo sát lập dự toán và đề xuất đầu tư, nâng cấp một số công trình, trong đó có việc nâng cấp hệ thống xử lý nước thải từ 50 m3/ngày đêm lên 250 m3/ngày đêm. Công trình đã được tích hợp trong dự án dầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp và mua sắm trang thiết bị 12 Trung tâm Y tế tuyến huyện và được UBND tỉnh phê duyệt để khởi công xây dựng.

Theo ông Lê Quang Đức - Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hải Dương, sau quá trình sửa chữa, thay thế, bảo dưỡng hiện nay hệ thống máy móc, thiết bị của trạm xử lý nước thải đã hoạt động bình thường.

Hiện nay, Bệnh viện Nhi Hải Dương cùng với Trung tâm Y tế huyện Tứ Kỳ và thị xã Kinh Môn là 3 cơ sở y tế được đầu tư hệ thống xử lý chất thải rắn y tế sử dụng công nghệ khử khuẩn bằng hơi nước bão hòa ở nhiệt độ cao kết hợp nghiền cắt từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới. Việc xử lý chất thải nguy hại tại các đơn vị này tuân thủ quy trình 3 bước gồm thu gom và phân loại rác thải; tiệt trùng rác thải và nghiền rác.

Theo Sở Y tế Hải Dương, hiện nay trên địa bàn tỉnh có hơn 880 cơ sở y tế. Việc quản lý chất thải y tế trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác phân loại, lưu giữ, xử lý chất thải tại các cơ sở y tế hiện nay cơ bản đáp ứng yêu cầu quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Y tế.

Các chất thải y tế nguy hại và thông thường đã được phân loại quản lý ngay tại nơi phát sinh và thời điểm phát sinh. Từng loại chất thải y tế nguy hại đã được lưu giữ, phân loại trong bao bì, dụng cụ thiết bị lưu chứa theo quy định. Chất thải y tế phát sinh tại các cơ sở y tế được phân loại, thu gom, lưu giữ trong các thùng có nắp đậy, được đặt tại các khoa, phòng của đơn vị, sau đó được chuyển đến kho lưu giữ chất thải có treo biển báo và được các đơn vị ký hợp đồng chuyển giao xử lý cho các đơn vị có chức năng về xử lý chất thải y tế nguy hại, vận chuyển bằng xe chuyên dụng.

Năm nay, trong công tác kiểm tra giám sát chất lượng nước sạch dùng trong sinh hoạt, Sở Y tế Hải Dương đã giao chỉ tiêu kế hoạch chương trình nước sạch năm 2024 cho các đơn vị trực thuộc. Hướng dẫn các Trung tâm Y tế huyện, thành phố, thị xã về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn y tế trên địa bàn; chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh lập kế hoạch triển khai giám sát chất lượng nước sạch tại các xí nghiệp cấp nước trên địa bàn tỉnh. Tăng cường khuyến cáo cộng đồng các biện pháp bảo vệ sức khỏe trước ảnh hưởng của ô nhiễm không khí nhằm giúp người dân có kiến thức cơ bản trong việc thực hiện các biện pháp dự phòng, bảo vệ sức khỏe.

Lấy các mẫu nước tại xã Cộng Lạc, huyện Tứ Kỳ để xét nghiệm chất lượng nước sau khi có phản ánh từ người dân ở thôn Đôn Giáo, xã Cộng Lạc (Tứ Kỳ). Tính đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh trên địa bàn nông thôn của tỉnh đạt 100%; tỷ lệ hộ dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn đạt 99,5%. Trên địa bàn Hải Dương có 73 công trình cấp nước sạch tập trung với tổng công suất khoảng 150.000m3/ngày đêm…

Về công tác quản lý môi trường y tế, đến nay 22/22 đơn vị y tế được đầu tư và duy trì hệ thống xử lý nước thải bằng phương pháp sinh học; trong đó có 16 đơn vị đã được đầu tư hệ thống xử lý nước thải Kobuta Johkasou; 2 đơn vị được đầu tư hệ thống xử lý hợp khối FRP; 1 đơn vị được đầu tư hệ thống xử lý sinh học nhỏ giọt (vi sinh yếm khí) theo công nghệ của Cộng hòa Pháp; 2 đơn vị sử dụng hệ thống theo công nghệ CN 2000; 100% các đơn vị thực hiện phân loại, thu gom chất thải rắn y tế nguy hại hằng ngày; tỷ lệ chất thải rắn được xử lý đạt > 90%; Cải tạo sửa chữa hệ thống xử lý chất thải của một số đơn vị nằm trong gói phục hồi phát triển kinh tế theo Nghị quyết 43 của Quốc hội.

Năm 2024, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành quyết định chủ trương đầu tư dự án: Xây dựng, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải Bệnh viện Tâm thần và 4 trung tâm y tế: TP Chí Linh, thị xã Kinh Môn, huyện Kim Thành và Thanh Hà.


PV
Ý kiến của bạn