Bộ phận dùng làm thuốc là lá, hoa và vỏ cây (Cortex et Folium Erythrinae Variegatae). Thu hái vào mùa xuân. Có thể dùng tươi hoặc khô. Phần vỏ thân sau khi cạo sạch lớp bần khô bên ngoài, rửa sạch, thái mỏng và phơi sấy khô, bảo quản tránh ẩm.
Về thành phần hóa học, hải đồng bì có alkaloid (erythrinin, erysothrin, N-nororientalin, erysodin, hypaphorin, erybidin...). Tác dụng làm giảm hoạt động của hệ thần kinh trung ương. Chất erythrinin có tác dụng đối kháng với strychnine nên có thể dùng làm thuốc giải độc trong trường hợp ngộ độc strychnine. Chất hypaphorin và một số alkaloid khác có tác dụng gây giãn cơ vân. Nước chiết từ vỏ thân có tác dụng ức chế tụ cầu khuẩn và một số nấm gây bệnh ngoài da.
Theo Đông y, hải đồng bì vị đắng, tính bình; vào kinh tâm, tỳ. Lá vông nem có tác dụng an thần, sát trùng, tiêu cam tích. Chữa mất ngủ, cam tích, mụn nhọt lở loét. Vỏ cây (hải đồng bì) có tác dụng khứ phong thấp, thông kinh lạc, sát trùng. Liều lượng: 4-6g. Sau đây là một số bài thuốc có vông nem.
Vỏ cây, lá và hoa của cây vông nem đều là vị thuốc trị nhiều bệnh.
Chữa huyết hư: hải đồng bì 15g, mần tưới 15g, mần trầu 15g, ngưu tất 15g. Sắc uống. (Nam dược thần hiệu). Hoặc: hải đồng bì 15g, ngũ gia bì 15g, kê huyết đằng 15g, phòng kỷ 15g, ý dĩ sao 15g, ngưu tất 15g. Sắc uống. Dùng cho phụ nữ sau khi đẻ choáng váng, mờ mắt, sa sẩm mặt mũi.
Chữa đau dữ dội vùng lưng và đầu gối: hải đồng bì 60g, ngưu tất 30g, khương hoạt 30g, xuyên khung 30g, địa cốt bì 30g, ngũ gia bì 30g, cam thảo 15g, ý dĩ nhân 60g, sinh địa 300g, rượu trắng 2.400ml. Ngâm 20-30 ngày. Ngày uống 3 lần (sáng, trưa, tối), mỗi lần 50ml (Tục truyền tín phương).
Chữa chân co quắp không duỗi ra được: dùng bài Hải đồng bì tán: hải đồng bì 30g, đương quy 30g, mẫu đơn bì 30g, ngưu tất 30g, thục địa 30g, sơn thù du 15g, bổ cốt chỉ 15g. Tất cả nghiền thành bột. Mỗi lần dùng bột thuốc 3g và hành 5g; sắc với 100ml nước, bỏ bã, uống nóng.
Chữa phong nhiệt: hải đồng bì, xà sàng tử, liều lượng bằng nhau. Tất cả nghiền bột, trộn với mỡ lợn, bôi chỗ ngứa. (Như tuyên phương).
Chữa một số bệnh ngoài da: hải đồng bì, vỏ cây dâm bụt, xà sàng tử, chút chít; liều lượng bằng nhau. Tất cả tán bột, pha với rượu tỷ lệ 1/5. Bôi ngoài da.
Chữa kinh nguyệt không đều, rong kinh: hoa vông nem 15g, sắc uống. (Theo Lương y Lê Trần Đức).
Chữa rắn cắn: vỏ vông nem thái nhỏ, đun với ít nước, nghiền thành bột, đắp nơi rắn rết cắn.
Chữa trẻ em cam tích, trừ giun đũa: lá vông nem 1-3g nghiền bột, uống với nước.
Chữa mất ngủ:
Bài 1: lá vông nem 5g, lạc tiên 5g, lá dâu 6g, tâm sen 5g. Sắc hãm lấy nước uống.
Bài 2: lá vông nem non 20g, ngó sen 100g, gan lợn 100-150g. Vông nem, ngó sen thái nhỏ; gan lợn thái lát. Xào chín, thêm gia vị, ăn bữa chiều.
Bài 3: lá vông nem non 30g, lá dâu non 30g, đậu đen 100g, vừng đen 100g. Vừng rang tán mịn; lá vông, lá dâu thái nhỏ. Nấu đậu cho nhừ, cho vừng và các lá vào; đun sôi lại. Thêm đường hay muối, ăn bữa chiều.