Hai độ tuổi gây lão hóa nhanh nhất, có phòng ngừa được không?

24-08-2024 08:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Con người trải qua 2 giai đoạn lão hóa sinh học nhanh nhất trong cuộc đời, nhưng lựa chọn lối sống phù hợp, lành mạnh, có thể làm chậm quá trình này…

Cơ thể không lão hóa với tốc độ như nhau theo thời gian, mà trải qua hai giai đoạn lão hóa nhanh nhất ở độ tuổi 40 và 60, một nghiên cứu mới đây cho thấy.

TS. Michael Snyder, giáo sư di truyền học tại Stanford Medicine ở California (Hoa Kỳ), tác giả nghiên cứu cho biết, có rất nhiều thay đổi diễn ra mạnh mẽ ở hai độ tuổi này. Phát hiện có thể cung cấp hiểu biết sâu sắc về cơ chế phân tử, gây ra các bệnh liên quan đến tuổi tác, từ đó có thể đưa đến việc phát triển các chiến lược chẩn đoán và phòng ngừa sớm.

Sự thay đổi phân tử có thể ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào?

Trong nghiên cứu mới này, các nhà khoa học đã quan sát thấy những thay đổi phân tử tương tự ở cả hai giai đoạn tuổi, liên quan đến bệnh tim mạch, lão hóa da và cơ, cũng như quá trình chuyển hóa caffeine...

người đàn ông lớn tuổi đi bộ ra ngoài

Chế độ ăn uống tốt và tập thể dục thường xuyên có thể ngăn ngừa nhiều tình trạng sức khỏe liên quan đến lão hóa sinh học.

Các nhà nghiên cứu đã ghi nhận sự khác biệt giữa các độ tuổi: Những người ở độ tuổi 40 có sự thay đổi rõ rệt về số lượng phân tử, liên quan đến quá trình chuyển hóa rượu và chất béo, trong khi những người ở độ tuổi 60 trải qua những thay đổi liên quan đến quá trình chuyển hóa carbohydrate, điều hòa miễn dịch và chức năng thận.

Theo TS. Michael Snyder, sự suy giảm thể chất bắt đầu từ những năm 60 là điều có thể dự đoán được. Ví dụ, hệ thống miễn dịch lão hóa mất khả năng bảo vệ chống lại nhiễm trùng, ung thư và tỷ lệ mắc bệnh tim tăng đáng kể.

Tuy nhiên, TS. Snyder không lường trước được những thay đổi đáng kể như vậy cũng có thể xảy ra ở độ tuổi 40. Có lẽ những người ở độ tuổi này đang trở nên ít vận động hơn và chế độ ăn uống kém tích tụ đến mức làm cho mọi thứ trở nên tồi tệ.

Những thay đổi về mặt sinh học ở độ tuổi 40 có thể liên quan đặc biệt đến lối sống. Tuổi trung niên gắn liền với lịch trình bận rộn của gia đình, căng thẳng cao trong công việc, khủng hoảng tuổi trung niên, tăng cân và tỷ lệ ly hôn đạt đỉnh ở độ tuổi này. Do đó, đây là thời điểm trong cuộc sống căng thẳng cao và việc tự chăm sóc bản thân thấp.

Các tác giả nghiên cứu cho rằng, những tác nhân gây căng thẳng ở tuổi trung niên này có thể dẫn đến việc tăng cường tiêu thụ rượu, từ đó gây ra các vấn đề về chuyển hóa rượu và nhiều tác hại có hại khác cho sức khỏe.

Thực hiện các bước để chống lại lão hóa

Mặc dù lão hóa là điều không thể tránh khỏi, nhưng con người vẫn có thể thực hiện các hành động để hạn chế sự suy giảm ở cấp độ phân tử.

Nghiên cứu này gợi ý những sắc thái về cách chúng ta thực hiện phòng ngừa. Biết được các yếu tố nguy cơ dẫn đến những rủi ro cho sức khỏe, giúp chúng ta có thể thực hành hành vi lành mạnh như: Chế độ ăn nhiều trái cây và rau quả, kiểm soát cân nặng, kiểm soát bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, không hút thuốc và duy trì hoạt động thể chất thường xuyên…

TS. Snyder khuyến cáo, những người ngoài 40 tuổi cần chú ý đến mức cholesterol, cải thiện khối lượng cơ, thông qua tập thể dục và giảm lượng rượu tiêu thụ, khi quá trình trao đổi chất chậm lại. 

Đối với những người ở độ tuổi 60, nên tăng lượng thực phẩm chống viêm (như tỏi) và chất chống oxy hóa (như vitamin C và E) để giúp ổn định các phân tử. Chúng ta nên cố gắng điều chỉnh lối sống của mình khi vẫn còn khỏe mạnh…

Để phân tích, các nhà nghiên cứu đã lấy mẫu sinh học từ 108 đối tượng, cứ sau 3 - 6 tháng/lần, thời gian theo dõi trung bình là 1,7 năm và thời gian tối đa là 6,8 năm. Những người tham gia có nhiều nền tảng dân tộc khác nhau và hơn một nửa là nữ.

Tổng cộng, các nhà khoa học đã thu thập hơn 5.400 mẫu máu, phân, tăm bông da, tăm bông miệng và tăm bông mũi… kiểm tra chúng để tìm hàm lượng phân tử, bao gồm RNA (một loại vật liệu di truyền), protein và chất chuyển hóa (các chất được tạo ra trong quá trình tiêu hóa hoặc các quá trình hóa học khác của cơ thể). Sau đó, theo dõi mọi thay đổi liên quan đến tuổi tác trong hơn 135.000 phân tử và vi khuẩn khác nhau.

Trong suốt quá trình nghiên cứu, họ phát hiện ra rằng hơn 80% tất cả các phân tử đều có sự biến động phi tuyến tính về số lượng (tăng hoặc giảm), nghĩa là chúng thay đổi nhiều hơn ở một số độ tuổi nhất định so với những thời điểm khác, đặc biệt là khi mọi người ở độ tuổi 40 và 60.

Dữ liệu này thật đáng ngạc nhiên, cho thấy điều mà chúng ta thường nghĩ, lão hóa biểu hiện dần dần và tiến triển, có thể không còn đúng, TS. James White, phó giáo sư khoa y và sinh học tế bào tại Trường Y khoa Đại học Duke và Trung tâm lão hóa Duke cho biết.

Mời độc giả xem thêm:

Ăn bưởi có giúp chống lão hóa không?Ăn bưởi có giúp chống lão hóa không?

SKĐS - Quả bưởi có lượng calo thấp nhưng nhiều chất xơ, vitamin C cùng với một số vi chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe. Nhiều người cho rằng thường xuyên ăn bưởi chống lão hóa sớm.


Bích Ngọc
(Theo EVD)
Ý kiến của bạn