Liên quan đến vụ bé trai 17 tháng tuổi bị bạo hành dẫn đến tử vong tại cơ sở mầm non hoạt động không phép, Cơ quan CSĐT - Công an huyện Thường Tín (Hà Nội) đã ra quyết định giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp đối với Nguyễn Thị An (30 tuổi) và Nguyễn Thị Lành (31 tuổi, cùng trú huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội) để điều tra về hành vi "Giết người".
Quá trình đấu tranh, hai đối tượng khai: Khoảng 7h30 ngày 23/2, cháu P.T.Đ (17 tháng tuổi, xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín) được mẹ đưa đến giao cho An và Lành trông giữ cùng 6 cháu bé khác.
Khoảng 9h cùng ngày, An và Lành đưa các cháu vào buồng ngủ để quản lý thì cháu Đ khóc, chạy ra bên ngoài cửa lớp đứng. Thấy vậy, Lành bực tức chạy theo, dùng 2 tay bế xốc hai nách và ném đập đầu cháu Đ xuống nền nhà có dải thảm. Lành xông vào dùng tay tát vào mặt cháu Đ, còn An dùng chân đạp vào bụng, ngực, đá và dẫm lên đầu của cháu Đ.
Đến khoảng 16h30 cùng ngày, cháu Đ được gia đình đón, Lành và An nói với gia đình là cháu Đ tự ngã.
Ngày 24, 25, 26/2, cháu Đ được gia đình đưa đến lớp giao cho An trông giữ. Đến khoảng 9h30 ngày 26/2, cháu Đ khóc thì bị An dùng chân đạp vào bụng. Khi cháu Đ bất tỉnh, An gọi gia đình đến cùng đưa cháu Đ đi cấp cứu tại Trạm y tế xã Vạn Điểm.
Tiếp đó, y tá yêu cầu đưa cháu đi viện nên gia đình đã chuyển cháu Đ đến Bệnh viện Nông nghiệp I, Bệnh viên Nông Nghiệp I chuyển cháu Đ đến Bệnh viện nhi Trung ương. Các bác sĩ đã tích cực điều trị nhưng đến 17h ngày 1/3, do không thể cứu chữa được nên Bệnh viện nhi Trung ương trả cháu Đ về gia đình. Đến 19h ngày 2/3, cháu Đ tử vong.
Nhìn nhận ở góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa (Hệ thống dịch vụ pháp lý toàn quốc Luật sư X) cho biết, trẻ em là đối tượng đặc biệt không những được Công ước quốc tế quyền trẻ em mà pháp luật mỗi quốc gia bảo vệ.
"Mọi hành vi tước đoạt quyền sống, là quyền cao quý nhất của con người nói chung và trẻ em nói riêng đều bị xử lý nghiêm minh nhất theo quy định của pháp luật. Hành vi của 2 đối tượng là đặc biệt nghiêm trọng khi đang tâm sử dụng vũ lực tước đoạt đi tính mạng của cháu bé 17 tháng tuổi rất dã man, tàn ác", luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.
Luật sư phân tích: Cơ quan điều tra sẽ xem xét hành vi của hai đối tượng cấu thành Tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người (theo Điều 134 Bộ luật Hình sự) hoặc tội "Giết người" (theo Điều 123 Bộ luật hình sự). Bởi nếu các bảo mẫu không bị mất năng lực hành vi dân sự thì họ buộc phải biết việc làm dã man, tàn nhẫn của mình đối với một đứa trẻ 17 tháng tuổi có thể khiến cháu mất đi mạng sống.
Cũng theo luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa, các đối tượng đã tốt nghiệp trung cấp sư phạm nhưng vì lợi ích đã bất chấp pháp luật, mở cơ sở trông giữ trẻ trái phép. Hành động của họ thể hiện coi thường pháp luật nên cần thiết phải xử lý nghiêm mới có tác dụng răn đe, phòng chống tội phạm bạo lực trẻ em đang có xu hướng gia tăng phức tạp trong xã hội hiện nay.
"Trong vụ án này, các đối tượng cùng thống nhất ý chí bạo hành cháu nên có vai trò ngang nhau, cùng phải chịu trách nhiệm đồng phạm. Nếu bị khởi tố tội Giết người, hai đối tượng sẽ phải chịu nhiều tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự như: Giết người dưới 16 tuổi; Vì động cơ đê hèn; Có tổ chức và sẽ phải đối diện với hình phạt cao nhất là tử hình.
Ngoài ra về trách nhiệm dân sự, họ phải bồi thường toàn bộ chi phí chữa trị, mai táng cho cháu bé và bồi thường tổn thất về tinh thần cho gia đình cháu bé", vị chuyên gia pháp lý nhận định.