Hai chính sách quan trọng về giáo dục có hiệu lực từ tháng 11/2023

31-10-2023 09:47 | Thời sự
google news

SKĐS - Bắt đầu từ tháng 11/2023, hai chính sách giáo dục đáng chú ý sẽ có hiệu lực.

Tăng tỷ lệ giải của kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia

Ngày 10/10/2023, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 17/2023/TT-BGDĐT về Quy chế thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia. Về số lượng thí sinh dự thi, thông tư mới tăng số lượng các đơn vị tối đa là 10 thí sinh; riêng TP.HCM và Hà Nội 20 thí sinh. Quy định hiện hành, đội tuyển mỗi môn thi của từng đơn vị dự thi có tối đa 6 thí sinh, riêng đội tuyển mỗi môn thi của đơn vị dự thi Hà Nội có tối đa 12 thí sinh.

Thông tư mới cũng hướng dẫn tiếp tục duy trì tổ chức buổi thi thực hành các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học ở Kỳ thi chọn đội tuyển Olympic quốc tế. Đối với Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia thay việc tổ chức buổi thi thực hành trong Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia bằng việc đề thi các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học có nội dung hỏi yêu cầu thí sinh giải quyết bằng kiến thức liên quan đến kỹ năng thí nghiệm, thực hành.

Đặc biệt, thông tư mới đã tăng tỷ lệ giải của kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia bảo đảm phù hợp với quy định của các Olympic khu vực và quốc tế. Theo đó, có 60% đạt giải từ giải Khuyến khích trở lên (những năm trước là 50%); trong đó, tổng số giải Nhất, Nhì, Ba không vượt quá 60% tổng số giải, số giải Nhất không vượt quá 5% tổng số giải. Như vậy, theo quy chế mới, tỷ lệ giải của kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia sẽ tăng lên.

Hai chính sách quan trọng về giáo dục có hiệu lực từ tháng 11/2023 - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Thông tư 17/2023/TT-BGDĐT quy định, học sinh tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT không đoạt giải vẫn được cấp Giấy chứng nhận sinh tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia trung học phổ thông, giúp các em có được thông tin lưu giữ lâu dài cho cá nhân về tham gia kỳ thi. Thông tư 17/2023/TT-BGDĐT có hiệu lực ngày 25/11/2023.

Chuyển đổi trường bán công, dân lập sang tư thục...

Ngày 3/10/2023, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 16/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 41/2020/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành trong lĩnh vực giáo dục.

Theo đó, Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường mầm non, phổ thông chưa thực hiện việc chuyển đổi phải thực hiên chuyển đổi theo quy định tại Thông tư 11/2009/TT-BGDĐT trước ngày 30/6/2025 cụ thể:

Chuyển đổi cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông bán công, dân lập sang cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông tư thục; cơ sở giáo dục mầm non bán công sang cơ sở giáo dục mầm non dân lập.

Chuyển đổi cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông bán công sang cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập thì phải hoàn thành việc chuyển đổi.

Thủ tục chuyển đổi cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông bán công, dân lập sang cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông tư thục; cơ sở giáo dục mầm non bán công sang cơ sở giáo dục mầm non dân lập; cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông bán công sang cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập ban hành kèm theo Thông tư 11/2009/TT-BGDĐT có quy định hồ sơ chuyển đổi trường mầm non, phổ thông bán công sang công lập bao gồm những giấy tờ như tờ trình xin chuyển đổi loại hình trường; đề án chuyển đổi loại hình trường; báo cáo kiểm kê, phân loại, định giá tài sản, kiểm toán tài chính và hồ sơ liên quan đến quyền sử dụng đất; danh sách trích ngang của cán bộ, viên chức trong biên chế, hợp đồng của trường chuyển đổi…

Thông tư 16/2023/TT-BGDĐT có hiệu lực ngày 20/11/2023.


ĐV
Ý kiến của bạn