Hai chiều phố sách

25-01-2019 08:44 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Hiện nay, tại nước ta, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là 2 thành phố lớn đã có Đường sách, Phố sách phục vụ nhu cầu mua, đọc sách của người dân. Tuy nhiên, sự phát triển của những địa điểm văn hóa mới này đang cho thấy bức tranh tương phản: Đường sách TP. Hồ Chí Minh ngày càng lớn mạnh còn Phố sách Hà Nội khá trầm lắng...

Bức tranh sáng

Thông tin từ đơn vị quản lý Đường sách Nguyễn Văn Bình (TP. Hồ Chí Minh) gần đây, tròn 3 năm đi vào hoạt động, Đường sách tại thành phố mang tên Bác không ngừng lớn mạnh, phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng. Theo đó, doanh thu đường sách TP. Hồ Chí Minh năm 2018 đạt 39,84 tỷ đồng, cao nhất trong 3 năm kể từ khi ra đời vào tháng 1/2016 (doanh thu năm 2016 với 26,4 tỷ; năm 2017 là 39,51 tỷ). Năm vừa qua, số lượng sách bán ra tại Đường sách hơn  775.000 bản, vượt xa so với năm đầu 2016 (gần 500.000 bản), tăng nhẹ so với năm 2017 (746.311 bản). Thành quả này góp phần không nhỏ tạo thói quen đọc sách trong người dân, nâng cao dân trí và đưa Đường sách trở thành một điểm đến văn hóa, thương hiệu văn hóa mới ở TP. Hồ Chí Minh, tạo động lực và thúc đẩy ngành xuất bản phát triển.

Câu hỏi được đặt ra: vì sao Đường sách Nguyễn Văn Bình ngày càng lớn mạnh và phát triển? Theo bà Quách Thu Nguyệt - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sách TP. Hồ Chí Minh: Có 4 yếu tố tạo nên sự thành công của Đường sách này, đó là chủ trương cho xây dựng đường sách từ nguồn kinh phí xã hội hóa và xác định rõ chức năng của Đường sách là không gian văn hóa, sinh hoạt cộng đồng. Ngoài ra, Đường sách có vị trí đắc địa, ngay trung tâm thành phố kết nối nhiều di tích lịch sử, được điều hành bởi một doanh nghiệp gắn với Hội Xuất bản Việt Nam hoạt động theo tinh thần không đặt lợi nhuận lên đầu, không “tận thu”. Bên cạnh đó, tại đường sách TP. Hồ Chí Minh, hàng loạt nội dung được tổ chức quanh năm, cơ sở vật chất được nâng cấp, bổ sung như hạng mục cây xanh, các chiếu nghỉ, ghế ngồi đọc sách, xe buýt sách, bảng tra cứu thông tin... Các yếu tố trên đã tạo ra sự đoàn kết giữa các doanh nghiệp, cùng xây dựng Đường sách thực sự trở thành không gian văn hóa đặc biệt.

Hai chiều phố sáchĐường sách Nguyễn Văn Bình qua 3 năm hoạt động không ngừng phát triển, thu hút nhiều người dân mua và đọc sách.

Đối với những ai đã từng đặt chân đến Đường sách Nguyễn Văn Bình, hầu hết đều có chung cảm nhận: Đường sách như một tuyến phố biệt lập của Sài Gòn. Bên cạnh những khu vực sân khấu dành cho các buổi giao lưu, Đường sách này vẫn luôn có những góc nhỏ, quán cà phê tĩnh lặng cho người đọc sách. Từ Đường sách nhìn ra, TP. Hồ Chí Minh vừa hiện lên vẻ đẹp trầm lặng qua những cuốn sách, vừa tràn đầy sức sống với những dòng người qua lại tấp nập trên cung đường gần bên như Hai Bà Trưng, Công xã Paris...

Gam màu buồn

Nếu đường sách Nguyễn Văn Bình ngày càng hút người dân, lớn mạnh không ngừng thì Phố sách 19/12 tại Hà Nội thời gian qua đang cho thấy những nỗi trăn trở, âu lo hiện hữu. Dù có hơn 15 gian hàng bán sách với đủ thể loại, phục vụ mọi đối tượng bạn đọc song sau gần 2 năm đi vào hoạt động, Phố sách 19/12 đang rơi vào cảnh vắng vẻ. Khách đến ít, sự kiện tổ chức ít nên Phố sách 19/12 ngày càng đìu hiu, một vài sự kiện có đông các bạn trẻ đến dự thì họ chỉ... chụp ảnh “check in” xong ra về. “Bây giờ, rất ít người đến Phố sách để mua, đọc sách, giao lưu mà chỉ có thanh niên đến chụp ảnh là chủ yếu. Những tháng đầu chúng tôi hào hứng bao nhiêu thì nay nản bấy nhiêu. Doanh thu của chúng tôi sụt giảm khoảng 1/3”, bà Khúc Thị Hoa Phượng - Giám đốc NXB Phụ nữ bày tỏ. Vì thế, năm vừa qua, các đơn vị xuất bản, phát hành có gian hàng tại Phố sách 19/12 đã kiến nghị lãnh đạo TP. Hà Nội về việc thay đổi mô hình quản lý Phố sách bởi mức doanh thu chung đang giảm xuống theo từng ngày.

Phố sách 19/12 hoạt động kém hiệu quả là thực tế không thể phủ nhận và đã được các chuyên gia cũng như người dân nhận thấy thời gian qua. Vì thế, để Phố sách 19/12 phát triển như Đường sách TP. Hồ Chí Minh, theo ông Lê Hoàng - Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Phố sách cần được tổ chức thành không gian văn hóa đọc, bên cạnh việc bán sách còn có các sự kiện như giới thiệu tác phẩm mới, trưng bày sách, triển lãm, nghệ thuật... để Phố sách có linh hồn. Trong khi đó, các đơn vị tham gia Phố sách 19/12 mong muốn cơ quan chức năng liên quan tại TP. Hà Nội cần thành lập Công ty Phố sách Hà Nội theo mô hình doanh nghiệp xã hội phi lợi nhuận nhằm phối hợp tổ chức các hoạt động để phát triển văn hóa đọc, gồm các chuỗi sự kiện, giao lưu tác giả - tác phẩm... phục vụ các hoạt động chính trị xã hội, gắn với các ngày lễ lớn của đất nước. Phố sách 19/12 cũng cần có Ban điều hành với sự tham gia của những người am hiểu về xuất bản, đồng thời nên xã hội hóa một phần Phố sách để giảm gánh nặng chi phí cho các đơn vị xuất bản.

Nếu lấp được những khoảng trống và sự hạn chế trong cách điều hành, quản lý và có sự thay đổi, nhiều người tin rằng Phố sách 19/12 cũng sẽ là một địa điểm thu hút sự quan tâm của người dân, vừa làm điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước như Đường sách TP. Hồ Chí Minh đã làm được.


Sơn Tùng
Ý kiến của bạn