Hai cháu bé ở Quảng Trị mắc bệnh Whitmore

06-08-2024 17:24 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Hai cháu bé ở Quảng Trị nhiễm vi khuẩn Burkhoderia Pseudomallei (vi khuẩn gây bệnh Whitmore) sau khi được điều trị tích cực tại Bệnh viện Trung ương Huế hiện có một trường hợp đã ra viện.

Chiều 6/8, lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, trong số 2 bệnh nhi nhiễm vi khuẩn Burkhoderia seudomallei (vi khuẩn gây bệnh Whitmore) điều trị tại Trung tâm Nhi, đến nay một trường hợp hồi phục tốt đã ra viện về điều trị ngoại trú.

Theo đó, bệnh nhi N.L.D.H. (19 tháng tuổi, trú huyện Hải Lăng, Quảng Trị) khởi phát bệnh với dấu hiệu sưng đau vùng mang tai trái, nhập viện tại Khoa Tai - Mũi - Họng, Bệnh viện Trung ương Huế để xẻ abces (áp-xe). Sau đó, bệnh nhi được cấy dịch abces ra vi khuẩn Burkhoderia Pseudomallei (vi khuẩn gây bệnh Whitmore) nên đã chuyển tới Trung tâm Nhi khoa.

Hai cháu bé ở Quảng Trị mắc bệnh Whitmore- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ.

Qua 2 tuần điều trị với kháng sinh tĩnh mạch, bệnh nhi ổn định sức khỏe, vết thương mang tai khô và đã ra viện điều trị ngoại trú với kháng sinh trong ít nhất 3 tháng, tái khám định kỳ.

Trường hợp thứ 2 là bệnh nhi T.N.N. (6 tháng tuổi, trú huyện Cam Lộ, Quảng Trị). Bệnh nhi phát bệnh trước nhập viện 5 ngày với sốt cao liên tục, đi cầu phân lỏng 6-7 lần/ngày kèm thở nhanh, khó thở.

Thời gian điều trị tại bệnh viện tuyến dưới, bệnh nhi được chẩn đoán và điều trị nhiễm trùng huyết nhưng không đỡ sốt, thở nhanh, khó thở nên chuyển tuyến đến Bệnh viện Trung ương Huế.

Tại đây, kết quả cấy máu ra vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei, chẩn đoán abces phổi kèm nhiễm khuẩn huyết do vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei. Bác sĩ tiến hành điều trị kháng sinh tích cực đường tĩnh mạch phối hợp kháng sinh đường uống.

Sau 3 ngày hồi sức tích cực, bệnh nhi hết sốt, đỡ khó thở nhưng còn ho, đờm nhiều, hiện đang tiếp tục điều trị kháng sinh theo phác đồ.

ThS.BS Trần Thị Hạnh Chân, Phụ trách khoa Tiêu hoá, Tiết niệu, Bệnh nhiệt đới (Trung tâm Nhi) cho biết, bệnh Whitmore chủ yếu lây qua đường tiếp xúc da hoặc thức ăn, nước uống có vi khuẩn. Bệnh thường xuất hiện ở các thời điểm diễn ra bão lụt, nơi có điều kiện vệ sinh kém.

Bệnh nhân mắc bệnh cần điều trị kháng sinh dài ngày, thường bằng kháng sinh tiêm từ 2-4 tuần. Nếu đáp ứng tốt, bệnh có thể điều trị ngoại trú bằng kháng sinh đường uống ít nhất trong 3 tháng.

Theo ThS.BS Trần Thị Hạnh Chân, việc điều trị bệnh Whitmore ở trẻ em, việc dùng thuốc thường khó tuân thủ do trẻ không hợp tác, nôn mửa. Ngoài ra, trong quá trình điều trị có trẻ bị suy giảm miễn dịch và tái phát bệnh, phải kéo dài thời gian điều trị đến khoảng 1 năm.

Theo thống kê, từ 2014-2019, Bệnh viện Trung ương Huế tiếp nhận khoảng 83 trường hợp được chẩn đoán Whitmore (cấy bệnh phẩm dương tính với vi khuẩn Burkhoderia Pseudomallei). Từ năm 2020 trở lại nay, số ca bệnh giảm dần. Từ đầu năm 2024 đến nay, bệnh viện tiếp nhận 17 ca bệnh.

Đắk Lắk xuất hiện bệnh nhân Whitmore đầu tiên trong năm 2024Đắk Lắk xuất hiện bệnh nhân Whitmore đầu tiên trong năm 2024

SKĐS - Chiều ngày 5/4, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Lắk, cho biết, tỉnh vừa ghi nhận một trường hợp mắc bệnh Whitmore tại địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột.



Hoàng Dũng
Ý kiến của bạn