Hai ca ghép tạng xuyên Việt kỳ diệu

30-03-2018 14:41 | Y học 360

SKĐS - Gọi là kỳ diệu vì đây là thành công lớn lao về nhiều mặt: trình độ tổ chức; kỹ thuật lấy và ghép tạng; đặc biệt là sự cảm thông - thương yêu giữa đồng nghiệp với đồng nghiệp, giữa thầy thuốc với bệnh nhân...

Chiều 26/2/2018, Bệnh viện Chợ Rẫy nhận được tin  sẽ nhận được hai tạng (1 tim và 1 thận) từ  Bệnh viện trung ương Quân đội 108, người hiến tạng là một quân nhân nam 45 tuổi, bị tai nạn khi đang làm nhiệm vụ. Bệnh viện Chợ Rẫy lập tức khởi động đội ngũ y bác sĩ  nhận và chuẩn bị ghép tạng ở cấp độ 1: những người có nhiệm vụ đang ở bất cứ đâu cũng sẵn sàng quay về bệnh viện.

Rượt đuổi thời gian

Nhận được tin, các bác sĩ lãnh đạo bệnh viện, bác sĩ phẫu thuật, gây mê - hồi sức, xét nghiệm… tề tựu bệnh viện. Danh sách bệnh nhân được rà soát và gọi được hai người: một ở Tiền Giang, một Ninh Thuận. Các bệnh nhân được lấy máu xét nghiệm. Một số bác sĩ lập tức ra Hà Nội để nhận tạng.

Hai ca ghép tạng  xuyên Việt kỳ diệuCa ghép thận

Trong khi chờ các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện 108 phẫu thuật lấy tạng, ở Bệnh viện Chợ Rẫy lập tức chuẩn bị  lực lượng, cơ số máu, phòng mổ, thuốc men… với sự tham gia khoảng 80 người. Một bác sĩ cho biết: lúc này  các bác sĩ phải vận dụng tất cả mối quan hệ riêng để tạo sự thông thoáng  ở cả hai sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Từ Bệnh viện 108 ra Nội Bài khoảng 30km, từ Tân Sơn Nhất về Chợ Rẫy khoảng 7km nhưng luôn kẹt xe. Bài toán ở chỗ: việc lấy tạng và ghép tạng phải diễn ra càng nhanh càng tốt. Theo đó, thời hạn ghép tạng tim chỉ nên từ 4 - 6 giờ, nhiều hơn khả năng hồi phục của trái tim rất nhỏ.

Một bác sĩ cho biết: trên thế giới người ta ghép tạng chỉ ở khoảng cách giữa người cho và người nhận là 400km, và thường người ta đi chuyên cơ, bằng trực thăng. Ở trường hợp Bệnh viện Chợ Rẫy nhận tạng: cự ly là khoảng 1.300km theo đường hàng không, đi cùng máy bay chở nhiều hành khách.

Ai đi máy bay cũng biết: việc làm thủ tục an ninh, chờ ra máy bay… mất khá nhiều thời gian. Chưa kể việc đi chuyến bay sớm nhất không thể dễ dàng…  Các bộ phận chức năng ở cả hai sân bay nói trên đã hỗ trợ hết mình để chuyến đi thông suốt. Các bác sĩ lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy hết sức cảm ơn những người tạm gọi là “không ở trong ngành y tế”, không có sự hỗ trợ này các ca ghép tạng ở cự ly xa như vậy không thể diễn ra.

PGS.TS. Trần Quyết Tiến trong cuộc họp báo ngày 19/3/2018 cho biết: không thể nói hết mọi khó khăn cho cuộc ghép tạng xuyên Việt lần này, dù Chợ Rẫy đã có hàng trăm ca ghép tạng, cũng đã từng tham gia ghép tạng xuyên Việt nhưng đây là lần nhận tạng xuyên Việt đầu tiên. Ông nói: không hiểu sao hôm nay “tôi cạn ngôn từ” để diễn tả sự vô cùng khó khăn này.

Hai ca ghép tạng  xuyên Việt kỳ diệuCác bác sĩ chụp hình lưu niệm với bệnh nhân Phạm H. T. sau khi chị được mổ ghép thận

Trái tim và quả thận (đi chuyến máy bay sau) đã kịp đến TP.HCM vào chiều 26/2/2018.

Người được ghép tim là anh Nguyễn Q. H., 29 tuổi, quê ở Tiền Giang, với chẩn đoán: bệnh cơ tim giãn nở. Ca mổ ghép tim diễn ra lúc 14h30, đến 19h45 tim đập lại và ca mổ kết thúc lúc 21h30.

Ca mổ thận với người nhận ghép thận là Phạm H. T., 25 tuổi, ở Ninh Thuận, với chẩn đoán: suy thận mạn giai đoạn cuối. Ca mổ diễn ra lúc 20h30, đến 1h ngày 27/2/2018.

Sự đồng cảm

Ca mổ ghép tạng xuyên Việt thành công đánh dấu bước tiến mới của đội ngũ thầy thuốc Việt Nam nói chung và Bệnh viện Chợ Rẫy nói riêng. Ca mổ tim thành công lần này khẳng định thêm trình độ ghép tim ở bệnh viện này, vì đây là ca thứ hai (riêng ghép thận đã có rất nhiều, hàng trăm ca). Đặc biệt, các ca mổ nói trên chứng tỏ trình độ tổ chức, phối phợp với các khoa, phòng, các thầy thuốc rất cao. Một bác sĩ tự hỏi: không biết ở nơi nào trên thế giới đón nhận tạng và nghép tạng ở khoảng cách xa và vô cùng khó khăn như ở Việt Nam?

Nhưng trên hết, ca mổ thể hiện sự đồng cảm giữa con người và con người. Hai ca mổ hết sức tốn kém; ghép thận 128 triệu đồng, ghép tim 300 triệu. Thế nhưng, gia đình bệnh nhân đều rất nghèo, họ chỉ chạy vạy được số tiền vài ba chục triệu đồng trước lúc bất ngờ được gọi đến mổ. Mẹ của bệnh nhân Phạm H. T. chảy nước mắt hạnh phúc sau ca mổ và cho biết chị gần như suy sụp khi được biết con mình suy thận gia đoạn cuối. Chị đã chuẩn bị cầm cố nhà cửa để có 200 triệu đồng… Vậy mà giờ đây con chị đã được mổ nhờ vào sự hỗ trợ của bênh viện Chợ Rẫy, của Bảo hiểm y tế, người hảo tâm…

Ca mổ đã thể hiện sự gắn kết giữa các bệnh viện, đơn vị y tế ở Việt Nam.  TS.BS. Phạm Thị Ngọc Thảo đã hết lời cảm ơn Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, êkíp ghép tim Việt Đức đã hỗ trợ để Chợ Rẫy hoàn thành hai ca ghép nói trên. BS. Ngọc Thảo cũng nhắc đến sự giúp đỡ hết sức của cảng hàng không Nội Bài, Tân Sơn Nhất, cảnh sát giao thông, những người liên quan.

Hai ca ghép tạng  xuyên Việt kỳ diệuĐại diện ban giám đốc BV. Chợ Rẫy trả lời báo chí

Đặc biệt, BS, Ngọc Thảo cũng như PGS.TS. Trần Quyết Tiến bày tỏ lòng biết ơn với người hiến tạng đã khuất, người đã chia sẻ sự sống cho nhiều người khác.

BS. Thảo và BS. Tiến cũng không quên nhắc nhớ đến những đồng nghiệp của mình, từ vị Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy Nguyễn Trường Sơn, người đã có những quyết định “hết sức nhân văn” với phương châm cứu người là trên hết và tham gia tổ chức các cuộc mổ, đến các thầy thuốc bộ phận hậu cần, cận lâm sàng, trực tiếp mổ… Họ đã cháy hết mình vì bệnh nhân.

Nói về hai ca ghép, TTND. PGS.TS. Nguyễn Trường Sơn xúc động: món quà vô giá đã được ghép thành công cho hai bệnh nhân rất nghèo đó là niềm hạnh phúc của y bác sĩ.

Ca mổ kỳ diệu trên mọi phương diện. Chi tiết đáng nhớ cuối cùng là êkíp mổ thận kết thúc công việc thì vừa sang ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2. Họ rủ nhau đi ăn mừng ca mổ  đặc biệt thành công tại vỉa hè đường Nguyễn Tri Phương trong một ngày đặc biệt.


NGUYỄN HƯNG
Ý kiến của bạn