Sản phụ là chị H.T.T.T., sinh năm 1987, ngụ tại Quận 12, TPHCM mang thai lần 2, thai được 38,5 tuần tuổi. Chị T. nhập viện trong tình trạng chuyển dạ và đã được bác sĩ hội chẩn, chỉ định mổ sinh.
Tại phòng mổ, các bác sĩ mổ bắt con thành công một bé gái nặng 2,95kg. Tuy nhiên ngay sau đó, bệnh nhân đã ngưng tim, tím tái. Các bác sĩ lập tức tiến hành đặt nội khí quản, khởi động quy trình báo động đỏ nội viện, hồi sức tim phổi; mời bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy hội chẩn và tư vấn người nhà sản phụ. Bệnh nhân được chẩn đoán ngưng tim, ngưng thở do thuyên tắc ối và chuyển đến Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy.
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân có biểu hiện rối loạn đông máu, suy đa cơ quan. Trước tình huống nguy kịch này, các bác sĩ đã gây mê, sau đó nối thông động mạch đùi để chạy tuần hoàn ngoài cơ thể ECMO (Oxy hóa máu bằng màng ngoài cơ thể).
Sản phụ H.T.T.T. sau khi được điều trị tích cực.
Về phía sản khoa, các bác sĩ đến từ BV Hùng Vương do BS. Lê Kim Bá Liêm mổ chính cũng đã lập tức tiến hành cắt bỏ tử cung, kiểm tra cầm máu (bệnh nhân bị rối loạn đông máu). Tiếp sau đó, các bác sĩ chuyên khoa niệu đã tiếp cận bệnh nhân để tiếp tục bóc tách tìm niệu quản, khâu lại động mạch tử cung, khâu cầm máu.
Sau hơn 1 ngày được bác sĩ cả hai bệnh viện cấp cứu và điều trị tích cực, bệnh nhân đã có những tín hiệu lạc quan, dần qua cơn nguy kịch, tim mạch huyết áp và hô hấp có dấu hiệu hồi phục tốt, đã có thể ăn uống được. Chị nở nụ cười tươi khi hay tin con gái khỏe mạnh đang được chăm sóc của các bác sĩ, nữ hộ sinh tại BV Hùng Vương.
Theo các bác sĩ, thuyên tắc ối là là một cấp cứu sản khoa xảy ra khi tình trạng trong đó nước ối, tế bào thai nhi, tóc hoặc các mảnh vụn khác xâm nhập vào máu của mẹ qua đường nhau thai ở tử cung và gây ra phản ứng giống dị ứng. Phản ứng này làm suy tim phổi cấp và xuất huyết nghiêm trọng (rối loạn đông máu).
Thuyên tắc ối được coi là một thảm họa sản khoa, xảy ra đột ngột không có triệu chứng báo trước vào thời điểm chuyển dạ hoặc ngay lập tức sau sinh. Trong dạng nặng, bệnh nhân khó thở dữ dội kèm tình trạng sốc với ngưng tim, ngưng thở, đôi khi kèm co giật, tử vong mẹ.
Những yếu tố nguy cơ bao gồm nhau bong, tử cung quá căng, thai chết lưu, chấn thương, dùng oxytocin trong chuyển dạ, đa sản, mẹ lớn tuổi, vỡ ối. Tuy nhiên vẫn có 1 số ít trường hợp thuyên tắc ối xảy ra không kèm những yếu tố kể trên.
Tất cả chủng tộc, màu da và độ tuổi đều có thể bị. Thuyên tắc ối có thể xảy ra trước, trong và ngay sau khi sinh. Nạo hút thai, truyền dịch ối, hay chấn thương bụng cũng có thể xảy ra.
Dấu hiệu thuyên tắc ối thường xảy ra ở giai đoạn cuối của cuộc chuyển dạ, sản phụ đột ngột khó thở, da xanh tái xảy ra trong vòng một vài phút đầu tiên, nhanh chóng theo sau là tụt huyết áp, phù phổi, shock, những biểu hiện thần kinh như lú lẫn, mất ý thức, co giật và hôn mê. Hơn 80% ngưng tim phổi trong vòng những phút đầu tiên, sau đó là rối loạn đông máu, đờ tử cung.
Người ta cũng ghi nhận các sản phụ thuyên tắc ối có một vài đặc điểm như: thai nhi lớn, thai quá ngày, hốt hoảng, lo lắng, than lạnh, khó thở và nôn mửa.
Giả thuyết cho rằng dịch nước ối và những tế bào thai khi vào tuần hoàn phổi của máu mẹ gây thúc đẩy phản ứng phản vệ, quá trình bệnh lý xảy ra qua 2 giai đoạn:
Giai đoạn 1: Co thắt động mạch phổi với tăng áp phổi và tăng áp lực thất phải. Sản phụ khó thở cấp kèm tụt huyết áp. Giảm oxy huyết gây tổn thương hệ mạch máu nuôi cơ tim và mạch máu phổi, ngừng cung cấp máu đến tim và phổi, quá trình này nhanh chóng tiến triển đến suy tim trái và suy hô hấp cấp, ngay sau đó sản phụ rơi vào hôn mê. Trước đây, các nhà khoa học cho rằng tỉ lệ tử vong mẹ ở giai đoạn 1 khoảng 60 – 80%, tuy nhiên một vài báo cáo gần đây cho thấy tỉ lệ tử vong mẹ ở giai đoạn 1 khoảng 30%.
Giai đoạn 2: Mặc dầu nhiều sản phụ không sống sót qua giai đoạn 1, nhưng khoảng 40- 50% người sống sót ở giai đoạn 1 sẽ bước vào giai đoạn 2. Đây là giai đoạn chảy máu và có thể kèm theo rét run nặng, ho, nôn ói và cảm giác khó chịu trong miệng. Do chảy máu quá mức sẽ đưa đến rối loạn đông máu, đờ tử cung, bệnh lý đông máu nội mạch lan tỏa, suy sụp tuần hoàn, và có nguy cơ cao tử vong mẹ. Sự suy sụp tuần hoàn dẫn đến suy thai và tử vong thai nhi nếu không được mổ lấy thai kịp thời.