Hà Nội

Hai bệnh nhân ghép tim, gan nhờ nguồn tạng vận chuyển xuyên Việt đã khỏe mạnh ra viện

25-09-2015 19:10 | Y học 360
google news

SKĐS - Hiện tại, sức khỏe hai bệnh nhân Nguyễn Văn Hải và Trần Ngọc Hải được ghép tim và gan nhờ nguồn tạng từ người bệnh chết não tại Bệnh viện Chợ Rẫy và tạng được chuyển qua đường hàng không từ thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội đã khỏe mạnh và được ra viện

Chiều ngày 25/9, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tổ chức cho 2 bệnh nhân ghép timghép gan ra viện. Đây là 2 trường hợp được ghép nhờ nguồn tạng từ người bệnh chết não tại Bệnh viện Chợ Rẫy và tạng được chuyển qua đường hàng không từ thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội ngày 5/9 vừa qua

Hiện tại, sức khỏe hai bệnh nhân Nguyễn Văn Hải và Trần Ngọc Hải được ghép tim và ghép gan từ người cho chết não đã hoàn toàn bình phục, và như PGS.TS Trịnh Hồng Sơn- Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức khẳng định, ca ghép tạng này thực sự đặc biệt bởi gồm nhiều yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Từ khi bắt đầu có nguồn tạng cho đến khi vận chuyển và đặc biệt là quá trình ghép tạng, các chuyên gia Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã thực hiện ca ghép quá hoàn hảo.

Hai bệnh nhân ghép tim va ghép gan đã ổn định và được xuất viện

Hai bệnh nhân ghép tim va ghép gan (ngồi ghế) đã ổn định và được xuất viện chiều ngày 25/9

Đánh giá về hai ca ghép tạng này, PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, nguyên Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết: “Tôi có niềm tin tuyệt đối là hai ca này sẽ thành công mặc dù nguồn tạng được vận chuyển rất xa, bởi chúng tôi có đủ nhân lực, có kỹ thuật đầy đủ và có sự phối hợp rất tốt từ các bệnh viện. Đối với ca ghép gan cho bệnh nhân Hải, chúng tôi chỉ mất 7 tiếng rưỡi, trong khi đó thế giới phải mất 10 tiếng. Điều đó, chứng tỏ trình độ ghép tạng chúng ta không thua kém thế giới. Nhưng có điều, kinh nghiệm chúng ta còn thua thế giới, bởi mỗi năm ở Mỹ ghép đến 2.000 ca, bởi vậy họ có rất nhiều kinh nghiệm”.

Qua đây cũng cho thấy, Việt Nam hoàn toàn thực hiện được việc vận chuyển và bảo quản tạng tạng từ nơi xa về các trung tâm ghép cũng như có khả năng hồi sức để đưa người chết não từ nơi xa về các bệnh viện tỉnh để lấy tạng. Tuy nhiên, các chuyên gia ghép tạng Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cũng thừa nhận, việc vẫn chuyển tạng xa và bảo quản trong thời gian dài cũng ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng ghép. Trong đó, quả tim được bảo quản 6 tiếng đồng hồ nên khi ghép xong bị yếu hơn. Đến ngày thứ 7, bệnh nhân được ghép tim xuất hiện sớm triệu chứng thải ghép, phải sử dụng thuốc đáp ứng miễn dịch liều cao, 2 ngày sau mới ổn định. Đến nay, bệnh nhân ghép gan đã chi phí khoảng 2 tỷ đồng và bệnh nhân ghép tim là khoảng 1 tỷ đồng

Nguồn tạng lấy từ người cho chết não tại Bệnh viện Chợ Rẫy _ TP Hồ Chí Minh được bảo quản vào thùng lạnh để đưa ra Hà Nội Ảnh BV CC

Nguồn tạng lấy từ người cho chết não tại Bệnh viện Chợ Rẫy -TP Hồ Chí Minh

được bảo quản vào thùng lạnh để đưa ra Hà Nội

Ảnh BV CC

Còn PGS,TS Nguyễn Hữu Ước, người trực tiếp ghép tim cho bệnh nhân cho biết: “Đây quả thật là ca ghép đặc biệt, bởi so với các bệnh nhân trước đây, anh Hải có nhiều biểu hiện bệnh nặng. Thời gian chuẩn bị để ghép cho bệnh nhân chỉ có hơn 1 ngày để chuẩn bị. Thông thường, khi ghép chuyển tim từ người hiến sang người ghép chỉ mất 15 phút, nhưng lần này vận chuyển mất rất nhiều thời gian nhưng rất may mắn là các chỉ số đều bình thường. Hiện tại, chúng tôi đã có hướng dẫn cụ thể về chế độ ăn uống, sinh hoạt và lao động đối với các bệnh nhân sau khi ra viện. Bởi vậy, bệnh nhân có thể yên tâm thực hiện”.

TS. Dư Thị Ngọc Thu chia sẻ, hiện điều kiện Việt Nam còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, nhất là phương tiện vận chuyển tạng từ những nơi xa xôi. Tại một số nước, họ có chuyên gia, máy bay vận chuyển riêng, sân bay riêng để lấy tạng nhưng Việt Nam chưa có. Trường hợp vừa qua, nếu chuyến bay bị hoãn hoặc chậm giờ thì ca ghép sẽ bị đổ bể.

Thùng bảo quản tạng tại sân bay Tân Sơn Nhất chuẩn bị về Hà Nội phục vụ công tác ghép tim, ghép gan Ảnh BV CC
Thùng bảo quản tạng tại sân bay Tân Sơn Nhất chuẩn bị về Hà Nội phục vụ công tác ghép tim, ghép gan Ảnh BV CC

Hiện nay, mỗi năm Việt Nam có 10.000 ca tai nạn giao thông. Nếu 1/10 mà hiến tạng, thì rất nhiều người sẽ được cứu sống và người Việt Nam không cần phải ra nước ngoài tìm sự sống. Theo các chuyên gia, hiện trên thế giới, những ca ghép tim, gan sống hơn 20 năm là bình thường. Những bệnh nhân đã thực hiện ghép tạng ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức hiện vẫn làm việc bình thường.

PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết lo ngại về vấn đề kinh phí cho mỗi ca ghép tạng. Một số bệnh nhân hiện vẫn được bảo hiểm y tế chi trả 1 phần và có điều kiện kinh tế. Tuy nhiên, nếu rơi vào những bệnh nhân được ghép có hoàn cảnh khó khăn thì rất khó thực hiện kinh phí. Vì vậy, đã đến lúc chúng ta cần thành lập Quỹ Từ thiện ghép tạng để hỗ trợ bệnh nhân.

Nụ cười của bệnh nhân ghép tim trưa ngày 7/9 tại BV Việt Đức
Nụ cười của bệnh nhân ghép tim trưa ngày 7/9 tại BV Việt Đức

Hiện nước ta đã có 14 trung tâm ghép tạng. Tuy nhiên, sau 23 năm kể từ ca ghép thận đầu tiên, cả nước mới có 1.251 ca ghép tạng, chỉ bằng số ca ghép trong 1 năm của 1 nước phát triển. Nguyên nhân cơ bản là do thiếu nguồn tạng, 5 năm qua mới chỉ có 26 trường hợp chết não hiến tạng và đến nay mới có khoảng 1000 người đăng ký hiến tạng khi qua đời. Ngoài ra còn có nguyên nhân quan trọng khác là nhiều người dân không đủ tiền để ghép tạng vì chi phí 1 ca ghép ở nước ta hiện nay từ 1 tỷ đồng đến 2 tỷ đồng, mặc dù theo Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức chi phí này đã rẻ hơn hàng chục lần so với ở Mỹ.

Trước đó, tại chương trình giao lưu trực tuyến : “Hiến tạng- Cho sự sống hồi sinh” do Báo Vietnamnet tổ chức ngày 24/9, PGS.TS Trịnh Hồng Sơn- Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, hiện nay cả ngành y và đặc biệt là trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia đang nỗ lực không ngừng để tuyên truyền vận động cho người dân hiểu thế nào là chết não và ý nghĩa cao cả của việc hiến tạng cứu người. Nếu mỗi người dân hiểu được thế nào là chết não hiện nay thì mỗi người dân có 1 phần bác sĩ ở trong đó.

Chết não là chắc chắn chết, không thể sống lại được nữa. Trên thế giới cũng như tại Việt Nam đến giai đoạn hiện nay chưa có 1 trường hợp nào chẩn đoán chết não mà sống lại được. Chẩn đoán chết não cũng được pháp luật quy định rất cụ thể. Tiêu chuẩn chết não gồm các bước:

Thứ nhất, bệnh nhân hôn mê sâu không thể tiếp xúc được với thế giới bên ngoài. Thứ hai, không cử động nhúc nhích gì cả (liệt toàn bộ). Thứ ba, mất hết các phản xạ của thân não (ví dụ như cho ống hút vào họng thì không ho không sặc..). Thứ tư, không thể tự thở được mà phải thở máy hoặc bằng bóp bóng. Thứ năm, một trong các tiêu chuẩn sau: hoặc điện não đồ, hoặc siêu âm đốp le xuyên sọ, hoặc chụp mạch não không còn tín hiệu.

Điều kiện thứ 5 thì tất cả các bệnh viện tỉnh đều đã có thể thực hiện được. Như vậy chẩn đoán chắc chắn chết não không nhất thiết phải được chẩn đoán ở các tuyến trung ương.

“Chết não không phải sống thực vật. Người sống thực vật vẫn ăn uống, vẫn tự thở, không liệt. Không nên hiểu lầm chết não với sống thực vật. Người chết não chắc chắn chết. Người chết não không thể là người sống thực vật được. Qua thông tin này nhờ bạn tuyên truyền giúp cho bạn bè, người thân hiểu thế nào là chết não”- PGS. TS Trịnh Hồng Sơn nhấn mạnh

Thái Bình


Ý kiến của bạn