Bệnh nhân tên là Nguyễn Thị An, sinh năm 1973, thường trú tại xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc, vào viện ngày 17/11/2014, chẩn đoán lúc vào viện là K vú (p), đã phẫu thuật cắt toàn bộ vú (p) và vét hạch nách (p), hóa chất.
Bệnh nhân đã được khám lâm sàng, cận lâm sàng, siêu âm, X-quang, chụp cắt lớp vi tính và được bệnh viện hội chẩn chuyên môn có chỉ định ghép tế bào gốc tạo máu tự thân.
Sáng 16/12/2014, bệnh nhân vào phòng ghép để bắt đầu hóa chất điều kiện hóa; ngày 23/12, tiến hành ghép tế bào gốc tạo máu tự thân cho bệnh nhân. Ngày 28/12/2014, bệnh nhân có bạch cầu về 0, giảm nặng dòng tiểu cầu, được kích mọc tủy bằng Neupogen, truyền khối tiểu cầu tách máy có chiếu xạ...
Trong suốt quá trình này, bệnh nhân được nằm trong phòng ghép vô trùng tuyệt đối áp lực dương, chăm sóc sát 24/24 giờ. Kết quả, ngày 3/1/2015 bệnh nhân bắt đầu mọc tủy, trong các ngày tiếp theo bệnh nhân phục hồi dần các dòng tế bào máu và hiện tại toàn trạng bệnh nhân ổn định, tủy xương sinh máu bình thường, có chỉ định ra viện.
Trước đó, lần đầu tiên tại Việt Nam, Bệnh viện Ung bướu Nghệ An cũng đã ghép tế bào gốc tạo máu tự thân điều trị ung thư vú thành công cho bệnh nhân Đinh Thị Liễu, sinh năm 1962, thường trú tại thị trấn Yên Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An). Ngày 11/12/2014, bệnh nhân này đã được ra viện.
Đại tá, phó giáo sư, tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Trung Chính, Ủy viên thường vụ Hội Ung thư Việt Nam, nguyên Chủ nhiệm Khoa Ung bướu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, hiện là cố vấn cao cấp, trưởng kíp ghép của Bệnh viện Ung bướu Nghệ An cho biết phương pháp ghép tế bào gốc để điều trị triệt để căn nguyên của các bệnh ung thư là hướng đi mới trong y học thế giới và ở Việt Nam. Gần đây kỹ thuật ghép tế bào gốc trong bệnh ung thư cũng như một số bệnh lành tính đang phát triển và đang là mũi nhọn trong công tác điều trị.
Lãnh đạo tỉnh Nghệ An, Sở Y tế, Bệnh viện Ung bướu Nghệ An thăm hỏi, chúc mừng 2 bệnh nhân đầu tiên ở Việt Nam điều trị ung thư vú thành công nhờ ghép tế bào gốc tạo máu tự thân điều trị. (Ảnh: Nguyễn Văn Nhật/Vietnam )
Ông Bùi Đình Long, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết, thành công này là điểm khởi đầu, mở ra triển vọng mới trong điều trị cho bệnh nhân ung thư. Khó khăn hiện nay đối với ngành y tế Nghệ An là làm sao tiếp nhận, chuyển giao được kỹ thuật mới này để điều trị cho bệnh nhân ung thư vì hiện kỹ thuật này còn phải nhờ cố vấn, chuyên gia là Đại tá, phó giáo sư, tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Trung Chính giúp đỡ.
Tiến sỹ Nguyễn Quang Trung, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Nghệ An cho biết Bệnh viện Ung bướu Nghệ An đang gặp khó khăn nhất là về nguồn nhân lực và cơ chế, chính sách của bảo hiểm y tế chưa theo kịp. Những bệnh nhân ung thư có nhu cầu thực hiện kỹ thuật này cũng gặp khó khăn về kinh phí.
Tổng chi phí cho việc điều trị theo phương pháp này khoảng 300 triệu đồng, trong đó bảo hiểm y tế chi trả khoảng 100 triệu đồng, còn lại do bệnh viện và bệnh nhân chi trả. Phần lớn bệnh nhân ung thư là những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, sống chủ yếu ở vùng nông thôn, chi phí như vậy là ngoài khả năng, điều kiện của nhiều bệnh nhân.
Bệnh viện Ung bướu Nghệ An và các bệnh nhân mong muốn Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Y tế xây dựng chính sách viện phí về nội dung điều trị này theo hướng tạo điều kiện để giảm bớt gánh nặng cho bệnh viện và cho bệnh nhân mắc ung thư có nhu cầu ghép tế bào gốc tạo máu tự thân điều trị ung thư.
Nếu có biểu giá viện phí hợp lý hơn mà ngành y tế, bảo hiểm xã hội thanh toán, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân sẽ giảm được chi phí, đồng nghĩa với nhiều bệnh nhân ung thư có cơ hội được ứng dụng kỹ thuật mới này để điều trị bệnh.