Hai bé tử vong sau tiêm chủng ở Nghệ An do bệnh lý

18-10-2019 07:09 | Thời sự
google news

SKĐS - Sự việc 2 bé gái song sinh ở huyện Nghĩa Đàn tử vong sau khi tiêm vắc-xin viêm gan B hôm 11/10, tại BVĐK khu vực Tây Bắc, tỉnh Nghệ An là bệnh lý, không phải nguyên nhân do vắc-xin.

Đó là kết luận của Hội đồng chuyên môn Sở Y tế Nghệ An, với sự tham gia là các thành viên là chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực này từ Hà Nội vào. Để làm rõ hơn vấn đề này, báo SK&ĐS đã phỏng vấn PGS.TS. Dương Đình Chỉnh, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An.

Hai bé tử vong sau tiêm chủng ở Nghệ An do bệnh lýGiám đốc Sở Y tế Nghệ An PGS. TS. Dương Đình Chỉnh tại buổi họp báo.

PV: Thưa ông, hội đồng chuyên môn do Sở Y tế Nghệ An thành lập đã họp và đi đến kết luận nguyên nhân tử vong của 2 cháu như thế nào?

PGS. TS. Dương Đình Chỉnh: Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Sở Y tế đã thành lập hội đồng chuyên môn để đánh giá quy trình điều trị cũng như kết luận nguyên nhân tử vong của các cháu. Hội đồng chuyên môn này còn có các thành viên là chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực nhi khoa, tiêm chủng từ Hà Nội vào.

Đánh giá của Hội đồng chuyên môn, việc tiêm vắc-xin được tiến hành đúng quy trình, quy định. Nguồn vắc-xin được kiểm định chặt chẽ, quá trình vận chuyển, bảo quản cũng đảm bảo. Tinh thần, thái độ của đội ngũ y, bác sĩ rất tích cực, phù hợp với quy định của ngành...

Bước đầu, Hội đồng chuyên môn kết luận, 2 bé tử vong không liên quan đến tiêm chủng mà do bệnh lý. Cụ thể là chứng bệnh “rối loạn chuyển hóa bẩm sinh, thể rối loạn chuyển hóa axit béo”. Các thành viên Hội đồng chuyên môn khẳng định, có đầy đủ bằng chứng để kết luận các cháu bị bệnh lý này.

Quá trình tiếp cận, theo dõi, chẩn đoán và xử trí tại 2 bệnh viện phù hợp. Bệnh nhân được tiên lượng nặng, sắp xếp khu vực chăm sóc đặc biệt, bệnh nhân được theo dõi liên tục bằng máy và nhân viên y tế. Cán bộ y tế đã đưa ra các phác đồ xử trí cấp cứu (thở máy, đặt lại tĩnh mạch rốn, sử dụng thuốc vận mạch, nuôi dưỡng tĩnh mạch toàn phân bằng acid amin, đặt sonde dạ dày,...) tối ưu.

Trong thời gian cấp cứu đã được sự hỗ trợ tích cực với chuyên gia từ Bệnh viện tuyến trên (Bệnh viện Sản Nhi đến hỗ trợ tại Bệnh viện ĐKKV Tây Bắc, Bệnh viện Nhi Trung ương trực tiếp hỗ trợ tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An).

Khi bệnh nhân có diễn biến kíp trực đã xử trí nhanh chóng, thực hiện đúng y lệnh và công tác cấp cứu kịp thời. Bệnh nhân tử vong do tình trạng bệnh nặng, không đáp ứng với các biện pháp hồi sức.

Sau khi bệnh nhân tử vong, phía bệnh viện đã giải thích rõ ràng với người nhà bệnh nhân. Đồng thời tiến hành các thủ tục liên quan kịp thời: Báo cáo sự cố y khoa cho Sở Y tế, các cơ quan chức năng, gặp gỡ gia đình để động viên, chia sẻ; Tổ chức họp Hội đồng chuyên môn đánh giá quá trình thực hiện quy trình chuyên môn kỹ thuật, xác định nguyên nhân, kiến nghị biện pháp giải quyết.

PV: Qua vụ việc này, ngành y tế Nghệ An có giải pháp và rút kinh nghiệm như thế nào?

PGS. TS. Dương Đình Chỉnh: Chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông về tiêm chủng để người dân hiểu rõ hơn về lợi ích của tiêm chủng và các biến chứng (nếu có) xảy ra trong và sau tiêm.

Về phía cán bộ y tế, cần phải tập huấn liên tục, thường xuyên về khám chẩn đoán trước tiêm, kỹ năng giao tiếp với người bệnh và người nhà. Đồng thời tổ chức các lớp đào tạo cấp cứu và hồi sức, đặc biệt với đội ngũ y tế cơ sở.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Ngày 9/10, sản phụ Nguyễn Thị Hồng Th. (31 tuổi, Nghĩa Ðàn), sinh mổ song thai tại BVÐK KV Tây Bắc Nghệ An. Hai bé gái một bé cân nặng 3,3kg, một bé 3,1kg. Sản phụ tiền sử sản khoa bình thường. Cả hai bé sau đẻ khóc ngay, bú được... Sau khi khám sàng lọc, 8h sáng 11/10, cả 2 bé được chỉ định tiêm vắc-xin viêm gan B do Công ty THHH MTV vắc-xin và sinh phẩm số 1 sản xuất. Ngày sản xuất 26/4/2018. Vắc-xin được bảo quản đúng quy trình. 4 tiếng sau, bé thứ nhất trớ sữa, đột ngột suy hô hấp tím tái, khó thở. Các bác sĩ phải tiến hành khai thông đường hô hấp, hút ra ít sữa, hô hấp hỗ trợ thở oxy và chuyển sang Khoa Nhi cấp cứu. Vào đơn nguyên sơ sinh, trẻ trong tình trạng thở nông yếu, cơn ngừng thở dài, tím tái toàn thân, trương lực cơ mềm nhẽo, thân nhiệt 350C, mạch không bắt được, nhịp tim rời rạc, phổi 2 bên thông khí kém, bụng chướng, không có quay ruột nổi. Tại đây, các bác sĩ tiến hành hô hấp tuần hoàn và xét nghiệm.

Lúc này, các bác sĩ chẩn đoán, cháu bị suy hô hấp sơ sinh chưa rõ nguyên nhân, chưa loại trừ sặc sữa, hoặc rối loạn chuyển hóa bẩm sinh/sau tiêm vắc-xin viêm gan B giờ thứ 5. Bé này sau đó tử vong vào 14h45’ ngày 11/10 tại BVÐK KV Tây Bắc. Cùng được tiêm lúc 8h sáng ngày 11/10, đến 16h45 cùng ngày, bệnh nhi còn lại cũng đột ngột thở nấc tím tái, da xanh tái, lờ đờ, phản xạ sơ sinh chậm. Các bác sĩ chẩn đoán suy hô hấp sơ sinh chưa rõ nguyên nhân. Báo cáo của BVÐK KV Tây Bắc Nghệ An, trong ngày 11/10, có 18 cháu ở đây được tiêm chủng vắc-xin viêm gan B cùng lô thuốc. Hiện, 16 cháu không có diễn biến gì bất thường. Bệnh nhi được chuyển xuống Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An lúc 23h55’ cùng ngày trong tình trạng bóp bóng có oxy qua nội khí quản, bầm tím nơi đùi trái và cổ chân trái, tim nhịp không đều, bụng mềm, da vàng tái nổi vân tím...

Do tiên lượng nặng, đe dọa tử vong, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An dự định chuyển cháu ra Bệnh viện Nhi ở Trung ương. Nhưng trong lúc chuyển bệnh nhân qua xe thì cháu diễn biến xấu, nghi ngờ có tràn khí màng phổi trái, nên ngừng chuyển viện. Ðến 13h ngày 12/10 thì cháu tử vong. Kết luận hội chẩn của Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An là suy hô hấp, suy tuần hoàn/hạ đường huyết, theo dõi rối loạn chuyển hóa.


Khánh Mai (thực hiện)
Ý kiến của bạn