Hai anh em tan máu cấp nghi do ăn xôi có phẩm màu

14-04-2019 16:59 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn vừa tiếp nhận 2 anh em ở Như Khuê, Lộc Bình ( Lạng Sơn) vào viện trong tình trạng da và mắt vàng, mệt mỏi, đau bụng, buồn nôn.

Theo lời kể của gia đình, trước đó 5 ngày, 2 cháu ăn xôi do gia đình tự làm có cho phẩm màu. Sau khi ăn, bị đau bụng và nôn, mệt mỏi kéo dài, nước tiểu màu đỏ sẫm, tình trạng ngày càng nặng hơn nên được gia đình đưa vào viện.

Sau khi khám và làm các xét nghiệm cả 2 được chẩn đoán tan máu cấp. Nguyên nhân nghi do thức ăn chứa phẩm màu. Hiện tại, hai cháu đang được theo dõi và điều trị tại Khoa Hồi sức cấp cứu; sức khỏe bước đầu có tiến triển tốt hơn.

 

Bệnh nhân đang điều trị tại Khoa Hồi sức cấp cứu BVĐK tỉnh Lạng Sơn.

Theo các bác sĩ, việc sử dụng phẩm màu thực phẩm khá phổ biến nhưng cần phải là phẩm màu dùng trong thực phẩm. Một số người còn tùy tiện sử dụng phẩm màu cho công nghiệp (không dùng trong thực phẩm) để chế biến thực phẩm (xôi, các loại thịt, bánh kẹo, đồ uống,...).

Tuy nhiên, một số người có thể bị tan máu ngay cả với phẩm màu thực phẩm (thường do thiếu men G6PD bẩm sinh). Thường xuyên lạm dụng phẩm màu sẽ dẫn tới nguy cơ tan máu cấp, mức nặng thậm chí là tử vong. Về lâu dài hóa chất tích lũy trong cơ thể dẫn tới nhiều nguy hại (suy gan, suy thận, ung thư...).

Theo BS Phan Thanh Huy- Giám đốc Bệnh viện, trước đây tại Lộc Bình đã xảy ra tử vong do ăn xôi nhuộm phẩm màu gây tan máu nặng.

Các bác sĩ khuyến cáo, trong sinh hoạt hàng ngày, người dân cần lưu ý:

- Hạn chế sử dụng phẩm màu để chế biến thức ăn.

- Nên dùng chất tạo màu từ thực vật thay cho phẩm màu.

- Không dùng các loại phẩm màu trôi nổi, không có nguồn gốc và không được cấp phép để chế biến thực phẩm tại gia đình.

-Hạn chế sử dụng các loại thực phẩm có nhiều màu sắc không tự nhiên, nhất là đối với trẻ em.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, phẩm màu có hai loại, gồm phẩm màu tự nhiên và hóa học. Phẩm màu tự nhiên thường có màu sắc không rực rỡ do được chiết suất từ chất hữu cơ như củ, quả, lá... Do vậy, khi chế biến, người dùng phải sử dụng một lượng lớn thì mới tạo được màu sắc bắt mắt cho thực phẩm. Phẩm màu hóa học thì ngược lại, dùng lượng ít nhưng màu sắc rất rực rỡ.
“Bằng mắt thường khó có thể phân biệt đâu là phẩm màu tự nhiên, đâu là phẩm màu hóa học. Tuy nhiên, thực phẩm có màu càng sặc sỡ thì nguy cơ dùng phẩm màu hóa học càng cao, mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe con người càng nghiêm trọng”, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh nói.

Các chuyên gia khuyến cáo, khi sử dụng những loại thực phẩm có nhiều phẩm màu, người tiêu dùng có thể bị ngộ độc cấp tính với những triệu chứng như nôn, có khi nôn ra máu, đau bụng, đi ngoài nhiều lần (phân nước, có thể lẫn máu), có thể không sốt hoặc sốt cao trên 38 độ C, thậm chí bị suy gan, suy thận...

 


Lê Mai
Ý kiến của bạn