Hà Tĩnh yêu cầu chấm dứt việc chiếm hữu Di tích Quốc gia đền Chợ Củi

06-01-2024 09:47 | Thời sự
google news

SKĐS - UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa ký kết luận thanh tra liên quan đến công tác quản lý và tổ chức các hoạt động tại Di tích Quốc gia đền Chợ Củi (xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân).

Nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý

Thời gian qua, di tích đền Chợ Củi đã đáp ứng nhu cầu văn hoá tâm linh của người dân cả nước nói chung và Hà Tĩnh nói riêng. Việc khai thác các hoạt động tại di tích đã tạo việc làm cho một số lao động địa phương và thu nhập cho một số hộ dân sinh sống ở khu vực phụ cận của di tích, đồng thời góp phần vào nguồn thu ngân sách địa phương.

Hà Tĩnh yêu cầu chấm dứt việc chiếm hữu Di tích Quốc gia đền Chợ Củi- Ảnh 1.

Đền Chợ Củi thu hút nhiều du khách thập phương về hành lễ.

Từ khi thành lập Ban Quản lý di tích đền Chợ Củi, cùng với chỉ đạo của các cấp chính quyền địa phương, hoạt động tại di tích đã có phần đi vào nề nếp, ổn định hơn trước, thu hút du khách thập phương về hành lễ ngày càng đông. Các loại hình dịch vụ cho khách hành hương từng bước được đáp ứng, công tác đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy được quan tâm, cơ bản phục vụ tốt nhu cầu sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân.

Theo kết quả thanh tra, đền Chợ Củi là di tích lịch sử - văn hoá được các cấp chính quyền quản lý, tôn tạo từ thời phong kiến đến nay. Đây là di tích văn hoá tâm linh thuộc sở hữu chung của cộng đồng dân cư không phải là nơi thờ tự riêng của hộ gia đình, cá nhân hay của một dòng họ nào. Tuy nhiên, trong thời gian dài, gia đình các thủ nhang là ông Nguyễn Sỹ Quý và ông Nguyễn Sỹ Hóa đã chiếm hữu, quản lý. 

Về công tác quản lý di tích của Ban Quản lý di tích đền Chợ Củi vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế cần khắc phục như chưa thể hiện được vai trò, chức năng nhiệm vụ được giao.

Ban Quản lý di tích chưa thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ quản lý các nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh thuộc thẩm quyền dẫn đến chưa tổng hợp báo cáo đầy đủ toàn bộ số tiền thu được từ khu di tích đền Chợ Củi.

Mặc dù quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt, song chính quyền địa phương chưa thực hiện việc cắm mốc và không ban hành quy định quản lý nên quy hoạch đền Chợ Củi vẫn chưa được thực hiện.

Hiện nay, đền Chợ Củi chỉ sử dụng theo hiện trạng khuôn viên đã có trước khi quy hoạch, phần lớn các hạng mục công trình chưa được đầu tư xây dựng theo đúng quy hoạch đã duyệt. Diện tích đất quy hoạch chưa được cắm mốc và chính quyền địa phương chưa ban hành các quy định quản lý quy hoạch dẫn đến xảy ra việc cơi nới, vi phạm chỉ giới quy hoạch, chỉ giới giao thông.

Phía mép bờ sông Lam bên ngoài đường vào di tích có 12 ki-ốt do các hộ gia đình tự ý xây dựng trái phép, hiện đang kinh doanh. Các ki-ốt này nằm trên phần đất thuộc quyền quản lý của nhà nước và vi phạm hành lang bảo vệ bờ sông Lam.

Thời gian gần đây lượng du khách đến với đền Chợ Củi tăng mạnh dẫn đến tình trạng lộn xộn, tắc nghẽn giao thông, nguy cơ cháy nổ rất cao và ảnh hưởng đến an ninh xung quanh khu vực Đền.

Để khắc phục các hạn chế, giải quyết dứt điểm tình trạng trên, UBND tỉnh Hà Tĩnh giao UBND huyện Nghi Xuân triển khai cắm mốc và tổ chức thực hiện quy hoạch chi tiết khu di tích Đền Chợ Củi.  Tổ chức bảo vệ di tích theo đúng quy định. Ngoài ra, chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát lại hiện trạng sử dụng đất tại khu di tích, xử lý các vi phạm đất đai (nếu có). 

UBND tỉnh giao Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, UBND huyện Nghi Xuân và các tổ chức liên quan tổ chức kiểm điểm theo thẩm quyền và làm rõ trách nhiệm. 

Giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND huyện Nghi Xuân, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan rà soát, tham mưu điều chỉnh quy hoạch và sớm triển khai quy hoạch khu di tích.

Gia đình thủ nhang chấm dứt việc chiếm hữu, quản lý

Đối với công tác tổ chức quản lý tại khu di tích giao UBND huyện Nghi Xuân chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan xây dựng và ban hành Quy chế quản lý phù hợp, hiệu quả. Rà soát hiện trạng sử dụng đất của di tích đền Chợ Củi và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân ở trong và xung quanh khu vực di tích. Xử lý các vi phạm về đất đai (nếu có), tham mưu điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo đúng quy định pháp luật.

Hà Tĩnh yêu cầu chấm dứt việc chiếm hữu Di tích Quốc gia đền Chợ Củi- Ảnh 2.

Phía trong khu vực đền Chợ Củi.

Đến hết ngày 5/1/2024, chấm dứt việc khoán công tác quản lý tiền công đức của đền Chợ Củi cho hộ gia đình thủ nhang. Thành lập Hội đồng quản lý, kiểm kê hằng ngày hoặc hằng tuần và nộp tiền công đức vào ngân sách. 

Đối với các gia đình thủ nhang phải bàn giao cho Ban Quản lý dịch vụ công ích và các điểm du lịch huyện Nghi Xuân chậm nhất là ngày 15/01/2024.

Nếu các gia đình "Thủ nhang" không thực hiện bàn giao theo đúng thời hạn, giao UBND huyện Nghi Xuân tổ chức cưỡng chế việc bàn giao và thực hiện quản lý toàn bộ Di tích đền Chợ Củi theo đúng quy định pháp luật.

Đối với khoản tiền công đức còn thiếu đến 31/12/2022 của hộ gia đình thủ nhang, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, UBND tỉnh thống nhất giảm hơn 1,2 tỷ đồng cho 6 tháng do Đền Chợ Củi không thể hoạt động. Số tiền còn lại hơn 1,7 tỷ, yêu cầu hộ thủ nhang (ông Nguyễn Sỹ Quý) nộp vào tài khoản tạm giữ của Thanh tra tỉnh.

UBND tỉnh giao UBND huyện Nghi Xuân thu hồi số tiền chi sai chế độ lương và phụ cấp của các đối tượng với số tiền 143 triệu đồng, (trong đó chi trả lương 9.180.000 đồng, chi trả phụ cấp kiêm nhiệm 133.875.300 đồng) và số tiền khoán công tác phí năm 2018 chi sai quy định 12.000.000 đồng. Số tiền này nộp vào tài khoản tạm giữ của Thanh tra tỉnh.

Thời hạn phải nộp và thu hồi số tiền chi sai trong vòng 20 ngày, tính từ ngày ban hành kết luận thanh tra.

Nếu các gia đình thủ nhang không thực hiện bàn giao theo đúng thời hạn, giao UBND huyện Nghi Xuân tổ chức cưỡng chế việc bàn giao và thực hiện quản lý toàn bộ di tích đền Chợ Củi theo đúng quy định pháp luật.

Kiểm tra việc quản lý tiền công đức tại các di tích lịch sử, văn hóa ở Khánh HòaKiểm tra việc quản lý tiền công đức tại các di tích lịch sử, văn hóa ở Khánh Hòa

SKĐS - Việc kiểm tra nhằm đánh giá việc quản lý tiền công đức, tiền tài trợ theo hướng minh bạch, rõ ràng để tạo niềm tin và lợi ích chung cho cộng đồng.


Thúy An
Ý kiến của bạn