Theo Tổ chức y tế thế giới thì hút thuốc lá là nguyên nhân chính gây ung thư phổi (UTP), có 90% bệnh nhân bị UTP là do hút thuốc lá; tỷ lệ UTP gia tăng tỷ lệ thuận theo số năm hút thuốc và số lượng thuốc hút mỗi ngày. Những người nghiện thuốc lá có nguy cơ mắc UTP cao gấp 20 đến 40 lần so với người không hút, tiếp xúc lâu dài với khói thuốc thụ động cũng làm tăng nguy cơ.
Tại Khoa Ung Bướu, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, trong 2 năm 2013, 2014 có 1.088 ca bị ung thư vào điều trị, trong đó UTP chiếm tỷ lệ cao nhất có 191 ca, chiếm 24,1%. Bác sĩ Võ Văn Phương, Trưởng Khoa Ung Bướu, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh cho rằng: trong số bệnh nhân bị ung thư phổi vào điều trị tại đây thì có đến 90% bệnh nhân UTP có liên quan đến hút thuốc lá, lào. Nguy cơ UTP do hút thuốc lá ngày càng gia tăng và trẻ hóa. Đây là căn bệnh có thể phòng ngừa nếu thay đổi lối sống, tuy nhiên đa số người dân còn chủ quan và thiếu kiến thức về căn bệnh này.
Ông Nguyễn Văn Đức, ở xã Thuần Thiện, huyện Can Lộc là một trong những bệnh nhân bị UTP đang điều trị tại Khoa Ung bướu cho hay: Ông bắt đầu hút thuốc lá, thuốc lào từ năm 12 tuổi, lúc đầu hút chơi cho vui sau đó nghiện, cứ 15 đến 20 phút là lại thèm. Nhiều lần bị ho, đi kiểm tra sức khỏe thì thấy bác sĩ bảo phổi của ông đen kịt và khuyên ông về bỏ thuốc lá, lào nhưng bỏ được mấy bữa thì hút lại, cứ thế đến khi thấy cổ có biểu hiện nổi hạch như chùm nho, ông Đức đi khám thì ngã ngữa ra vì kết quả bị UTP đã di căn sang nhiều nơi, bây giờ hối hận cũng không kịp nữa, biết được cái chết đến rất gần. Ông chỉ biết khuyên con cháu tránh xa thuốc lá, thuốc lào.
Bác sĩ Phương cho biết: trong thuốc lá không chỉ chứa nicotine, mà còn nhiều chất gây ung thư khác như benzen, formaldehyde, vinyl clorua... nên những người thường xuyên hút thuốc lá hoặc hít phải khói thuốc lá có nguy cơ bị UTP. Vì phổi bao gồm nhiều sợi lông mao nhỏ, những sợi lông này bảo vệ phổi quét sạch các độc tố, vi khuẩn từ bên ngoài vào đường hô hấp. Khi hút thuốc, khói thuốc lá làm các lông mao bị vô hiệu hóa chức năng của mình, các hóa chất trong thuốc lá xâm nhập vào phổi và gây bệnh.
Những dấu hiệu đầu tiên của bệnh ung thư phổi bắt đầu lặng lẽ, thường là không có triệu chứng hoặc dấu hiệu cảnh báo trong giai đoạn đầu. Khi bệnh trở nên nặng hơn, các triệu chứng có thể xuất hiện bao gồm: ho dai dẳng, đau ngực, đặc biệt là khi hít thở sâu, thở khò khè hoặc khó thở, ho có đờm hoặc máu, mệt mỏi. Tuy nhiên, có khoảng 13% bệnh nhân UTP không có bất cứ triệu chứng nào, do đó bệnh nhân thường đến bệnh viện ở giai đoạn muộn nên bệnh tiến triển nặng như di căn hạch thượng đòn, di căn não gây tăng áp lực nội sọ và liệt thần kinh khu trú, di căn xương gây đau ở vị trí di căn…
Để phát hiện sớm và điều trị kịp thời các chuyên gia khuyến cáo: mỗi người nên có thói quen đi kiểm tra sức khỏe định kỳ, có một số đối tượng được khuyên đi sàng lọc UTP như những người hút thuốc hoặc có người thân nghiện thuốc, sống trong môi trường ô nhiễm, những người từ 55 đến 80 tuổi.
Hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh UTP, trong khi đó, hiện nay, bệnh UTP liên quan đến hút thuốc lá ngày càng nhiều, đa số người dân còn chủ quan, các kiến thức phòng bệnh còn rất hạn chế. Thời gian qua, Ngành y tế đã tích cực triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe. Tuy nhiên, để bảo vệ sức khỏe, hạn chế tỷ lệ tử vong do UTP thì yếu tố quan trọng nhất là người dân cần nâng cao nhận thức, tránh xa thuốc lá và khói thuốc lá, cần tạo môi trường sống sạch đẹp, bầu không khí trong lành.
Thanh Loan
(Hà Tĩnh)