Thời gian qua, dịch sởi xuất hiện trên địa bàn huyện Đức Thọ, Hương Khê và Lộc Hà. Những ổ dịch này tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát, lây lan nếu người dân chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch.
Trước tình hình trên, ngành Y tế Hà Tĩnh triển khai nhiều biện pháp chủ động phòng chống như giám sát, vệ sinh khử khuẩn, tuyên truyền các biện phòng chống dịch. Ngoài ra, triển khai chiến dịch tiêm vaccine sởi góp phần tăng miễn dịch phòng bệnh sởi trong cộng đồng giảm tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh sởi gây ra.
Trước đó, ngày 6/10, N.H.M. (8 tuổi) và N.H.Đ. (5 tuổi) là anh em ruột, đều trú xã Hương Trạch, huyện Hương Khê có biểu hiện sốt, ho nhiều, khó thở, nổi phát ban đỏ ở tay, chân, vùng ngực, bụng. Gia đình đưa hai cháu đến Trung tâm Y tế huyện Hương Khê để khám. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán cả hai sốt phát ban nghi sởi.
Hai bệnh nhi được điều trị truyền dịch, kháng sinh, hạ sốt, long đờm theo đúng phác đồ điều trị của Bộ Y tế. Sau 6 ngày điều trị, sức khỏe của các cháu ổn định.
Trong tháng 10/2024, trên địa bàn huyện Hương Khê ghi nhận 36 bệnh nhân sốt phát ban dạng sởi, trong đó riêng xã Hương Trạch có 30 bệnh nhân. Bệnh nhân chủ yếu ở độ tuổi từ 2 đến 9 tuổi. Nhận thông tin, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) nhanh chóng tổ chức giám sát và lấy mẫu gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để xét nghiệm. Đến nay, đã xác định 13 trường hợp xác định dương tính với virus sởi. Các ca bệnh có triệu chứng điển hình là sốt cao từ 38,5 đến 39,5 độ, phát ban toàn thân kèm theo ngứa.
Ông Lê Ánh Dương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Hương Trạch cho biết, ngay sau khi xác định tại trường có ca mắc sởi, nhà trường tuyên truyền, khuyến cáo 100% giáo viên, học sinh các lớp học có học sinh mắc sởi đã được khử khuẩn, vệ sinh sạch sẽ, nhà trường cũng đã bố trí nước sát khuẩn tay và nâng cấp hệ thống rửa tay bằng xà phòng trong trường. Đối với học sinh có biểu hiện mệt mỏi, sốt... thì cho nghỉ học theo dõi sức khỏe tại nhà.
Theo báo cáo của CDC Hà Tĩnh, từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh ghi nhận 3 ổ dịch phát ban dạng sởi gồm tại thị trấn Đức Thọ (huyện Đức Tho) 53 ca, xã Hương Trạch 36 ca và xã Ích Hậu (huyện Lộc Hà) 9 ca.
Trước những nguy cơ của dịch bệnh, ngành Y tế Hà Tĩnh đã triển khai chiến dịch tiêm vaccine sởi tại một số địa phương. Tại các điểm tiêm được chuẩn bị chu đáo, đầy đủ từ khâu rà soát đối tượng, trang thiết bị, vaccine, thuốc và các phương tiện cấp cứu phục vụ tiêm chủng của các trạm y tế đảm bảo theo quy định của Bộ Y tế. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và y tế địa phương cử cán thường xuyên kiểm tra, giám sát và hỗ trợ công tác tiêm chủng tại các trạm y tế xã, thị trấn, từ đó các buổi tiêm chủng diễn ra an toàn, thuận lợi…
Thạc sỹ Nguyễn Thùy Phong, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cẩm Xuyên cho biết, để đảm bảo số trẻ trong độ tuổi được tiêm chủng đợt này, đơn vị này đã tiến hành rà soát qua nhà trường và qua đội ngũ y tế thôn, kể cả với những trẻ vãng lai, sinh sống tại các địa bàn khác cũng sẽ được thông báo cho cha mẹ đưa con em đi tiêm.
"Mục tiêu của chúng tôi là không bỏ sót các trẻ trong diện tiêm chủng. Chiến dịch tiêm vaccine sởi của huyện Cẩm Xuyên được tổ chức đồng loạt tại 23 xã, thị trấn. Sau 3 ngày triển khai, toàn huyện đã có 1.042 trẻ từ 1-10 tuổi và 408 nhân viên y tế được tiêm, đạt 84,7% kế hoạch đề ra", Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cẩm Xuyên cho hay.
Thạc sỹ Nguyễn Chí Thanh, Giám đốc CDC Hà Tĩnh thông tin, trong những năm qua, tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ tại Hà Tĩnh luôn duy trì đạt tỷ lệ trên 90%, tuy nhiên ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 làm gián đoạn quá trình tiêm chủng. Vì vậy, nguy cơ xảy ra các dịch bệnh sẽ rất cao nếu người dân chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch.
"Dưới chỉ đạo của Sở Y tế, được sự hỗ trợ của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Bộ Y tế, CDC triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin sởi cho trẻ em từ 1 đến 10 tuổi chưa được tiêm đủ mũi và các nhân viên y tế có nguy cơ nhiễm bệnh cao ở Nghi Xuân, Cẩm Xuyên. Người dân khi có thông báo của trạm y tế, cần đưa trẻ đi tiêm phòng kịp thời, đúng lịch", Thạc sỹ Nguyễn Chí Thanh cho hay.
Theo Giám đốc CDC Hà Tĩnh, đối với các địa phương khác không nằm trong chiến dịch tiêm chủng đợt này ngành y tế tổ chức rà soát trẻ em trong độ tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi để khuyến cáo người dân chủ động đến cơ sở y tế tiêm chủng. Ngoài ra, người dân có thể chủ động đến các địa điểm tiêm chủng dịch vụ để tiêm phòng.
Cùng đó, tăng cường công tác tuyên truyền khuyến cáo phụ huynh thường xuyên theo dõi và nắm bắt thông tin về công tác tổ chức tiêm chủng của cơ quan y tế tại địa phương. Người dân cũng có thể lựa chọn phương án tiêm chủng dịch vụ tại các cơ sở tiêm chủng đảm bảo chất lượng, uy tín thay thế tiêm chủng mở rộng để đảm bảo trẻ được tiếp cận vaccine theo đúng lịch.