Hà Nội

Hà Tĩnh: Phẫu thuật thành công mổ nội soi mở ống mật chủ lấy sỏi

02-11-2016 15:46 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Các bác sĩ khoa Ngoại tiêu hóa của Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh vừa thực hiện thành công ca phẫu thuật nội soi mở ống mật chủ lấy sỏi cho bệnh nhân Nguyễn Trọng Quyền (80 tuổi) ở xã Cẩm Nhượng, Cẩm Xuyên.

Đây là một kỹ thuật khó, lần đầu tiên được thực hiện tại Bệnh viên đa khoa tỉnh Hà Tĩnh.

Bệnh nhân Quyền có tiền sử đau bụng 4 năm nay, đã đi khám ở nhiều nơi nhưng không phát hiện ra bệnh. Cách đây 3 tuần, bệnh nhân đi khám ở Bệnh viện Bạch Mai và phát hiện mình bị sỏi ống mật chủ, được bác sĩ chỉ định cần phẫu thuật lấy sỏi ra ngay.

Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế, bệnh nhân xin về nhà chứ không tiến hành phẫu thuật tại Bệnh viện Bạch Mai. Cách đây 2 ngày, bệnh nhân tái nhập viện với tình trạng đau âm ỉ ở hạ sườn phải nhiều đợt, sốt nhiều, ăn uống kém, da niêm mạc vàng… Các bác sĩ đã tiến hành làm các xét nghiệm cần thiết: qua hình ảnh siêu âm phát hiện sỏi ống mật chủ 24mm, ống mật chủ giản 20mm, chụp CT cho thấy đường mật trong gan không có sỏi, túi mật không có sỏi, sỏi ống mật chủ và được chỉ định phẫu thuật nội soi mở ống mật chủ lấy sỏi, đồng thời bơm rửa đường ruột và đặt dẫn lưu Kehr…

Sau ca phẫu thuật, hiện tình trạng sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định. Bệnh nhân đã có thể tự ngồi dậy, ăn uống được và dự kiến có thể xuất viện trong 5 ngày tới.

Bác sĩ Bạch Tuấn Anh – Phó khoa ngoại tiêu hóa cho biết: "Từ trước đến nay, tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, hầu hết những bệnh nhân bị sỏi ống mật chủ đều phải tiến hành mổ mở chủ yếu với mục đích giải quyết nguyên nhân sỏi, tạo lưu thông mật - ruột đạt hiệu quả điều trị cao. Tuy nhiên, phương pháp mổ mở khiến các bệnh nhân phải chịu đựng một đường mổ dài với nhiều nguy cơ kèm theo có thể xảy ra trong thời gian hậu phẫu như chảy máu vết mổ, đau đớn kéo dài, nhiễm trùng vết mổ, Apxe tồn dư hay các biến chứng xa như  thoát vị vết mổ, dính ruột sau mổ… Còn với phẫu thuật nội soi mở ống mật chủ lấy sỏi, qua 04 đường chọc Trocars đã hạn chế được tối đa những nguy cơ gần cũng như nguy cơ xa như trên, đồng thời giúp cho bệnh nhân sớm được ăn uống và sinh hoạt gần như bình thường, cải thiện rất đáng kể chất lượng cuộc sống".


Tuấn Dũng
Ý kiến của bạn