Hà Nội

Hà Tĩnh phát triển y tế chuyên sâu trong chăm sóc sức khỏe nhân dân

13-06-2024 09:55 | Y tế
google news

Cùng với sự hỗ trợ, chuyển giao của các chuyên gia đầu ngành từ bệnh viện tuyến trên nên đến nay, các bệnh viện trong tỉnh Hà Tĩnh đã làm chủ được nhiều kỹ thuật chuyên sâu mang lại hiệu quả thiết thực cho bệnh nhân.

Hà Tĩnh phát triển y tế chuyên sâu trong chăm sóc sức khỏe nhân dân- Ảnh 1.

Cùng với sự hỗ trợ, chuyển giao của các chuyên gia đầu ngành từ bệnh viện tuyến trên nên đến nay, các bệnh viện trong tỉnh Hà Tĩnh đã làm chủ được nhiều kỹ thuật chuyên sâu mang lại hiệu quả thiết thực cho bệnh nhân.

Mới đây, ông L.Q.H (ở xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) bị tai nạn giao thông phải vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh điều trị. Qua thăm khám bác sĩ chẩn đoán ông H. bị gãy khớp háng và chỉ định phẫu thuật thay thế. Sau phẫu thuật và điều trị 7 ngày tại bệnh viên ông H. cơ bản phục hồi.

Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn - Trưởng khoa Chấn thương, Chỉnh hình và Bỏng - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh cho biết, được sự chuyển giao chuyên môn kỹ thuật từ các chuyên gia của Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Trung ương Huế, từ năm 2010, đơn vị đã bắt đầu triển khai các kỹ thuật về thay khớp gối và khớp háng, khớp vai. Đến nay, các kỹ thuật này được bệnh viện thực hiện một cách thường quy.

"Việc làm chủ được nhiều kỹ thuật khó và sâu về chấn thương, chỉnh hình giúp người bệnh được tiếp cận với các kỹ thuật cao ngay tại địa phương, hạn chế số ca chuyển tuyến, giảm được chi phí điều trị và giảm tải cho các bệnh viện tuyến trung ương", bác sĩ Tuấn cho hay.

Còn đối với bệnh nhân N.T.C., đến từ xã Quang Lộc, huyện Can Lộc, có tiền sử bệnh tim, nhập viện với triệu chứng khó thở, nói khó, và tình trạng liệt tay, chân. Đối diện với tình trạng nghiêm trọng này, các bác sĩ khoa tim mạch - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức hội chẩn và thực hiện can thiệp mạch vành cấp cứu, từ đó cứu sống bệnh nhân.

Anh Lê Quang Tiến (người nhà của bệnh nhân C.) cho biết, nhờ bệnh viện triển khai kịp thời việc can thiệp mạch vành nên mẹ anh qua cơn nguy kịch. Nếu thời điểm đó di chuyển mẹ anh lên tuyến trên thì nguy cơ rủi ro trên đường đi là rất lớn. Hiện tại, tay, chân bà cử động bình thường, đi lại nhẹ nhàng, nói rõ và ăn uống bình thường.

Theo thống kê của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, mỗi năm có hơn 600 trường hợp chụp mạch vành, trong đó gần 300 trường hợp can thiệp mạch vành với 60-80 trường hợp can thiệp cấp cứu. Bên cạnh đó, mỗi năm bệnh viện đặt gần 200 máy tạo nhịp tim vĩnh viễn cho các bệnh nhân.

Hà Tĩnh phát triển y tế chuyên sâu trong chăm sóc sức khỏe nhân dân- Ảnh 2.

Các y bác sĩ BVĐK tỉnh Hà Tĩnh can thiệp mạch vành và phẫu thuật đặt máy tạo nhịp tim vình viễn cho một bệnh nhân.

Hiện nay, mỗi ngày Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh tiến hành siêu âm các bệnh lý về tim mạch từ 150-200 trường hợp. Các siêu âm về mạch máu đã được chú trọng, đặc biệt gần đây đưa vào làm thường quy, số lượng ngày càng tăng dần.

Đến nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh đã thực hiện được 73,37% kỹ thuật thuộc phân tuyến và 771 dịch vụ kỹ thuật thuộc tuyến Trung ương. Đặc biệt, năm 2023, bệnh viện đã triển khai được một số kỹ thuật mới. Đồng thời, duy trì các kỹ thuật cao, chuyên sâu hiện tại của bệnh viện. Tiếp tục thực hiện khám bệnh, hội chẩn với các bệnh viện tuyến trên, các chuyên gia thông qua ứng dụng công nghệ thông tin.

Bác sĩ Hoàng Quang Trung - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh cho biết, điểm nhấn trong năm qua là đơn vị đã đón nhận được sự giúp đỡ, hướng dẫn trực tiếp từ các chuyên gia đầu ngành của các cơ sở y tế tuyến Trung ương. Thông qua các đợt tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trên các lĩnh vực. "Những kinh nghiệm, kỹ năng mà các chuyên gia truyền đạt có ý nghĩa quan trọng đối với mỗi y bác sỹ, tạo tiền đề, nền tảng để BVĐK tỉnh có những bước tiến sâu hơn về chuyên môn trong năm 2024, góp phần nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị và chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân'', Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh thông tin.

Còn tại Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Tĩnh tiếp tục kiên trì thực hiện mục tiêu phát triển chuyên sâu để đáp ứng nhu cầu điều trị của người bệnh, khẳng định vị thế hàng đầu về lĩnh vực này tại địa phương. Trong năm, bệnh viện đã triển khai các kỹ thuật mới chuyên sâu như tiêm nội khớp, điện châm nhi khoa, hoạt động trị liệu, PHCN hô hấp, tập nuốt, điều trị chống đau... Tổng số dịch vụ kỹ thuật về vật lý trị liệu và y học cổ truyền đạt trên 705.000 lượt, trong đó, kỹ thuật loại II đạt trên 183.000 lượt.

Hà Tĩnh phát triển y tế chuyên sâu trong chăm sóc sức khỏe nhân dân- Ảnh 3.

Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh đầu tư trang thiết bị hiện đại đảm bảo tốt công tác khám, chữa bệnh cho Nhân dân.

Bác sĩ Nguyễn Thị Diện, Giám đốc Bệnh viện PHCN Hà Tĩnh cho biết, song song với phát triển các kỹ thuật PHCN đơn thuần, đơn vị sẽ tiến vào phát triển PHCN ở một số lĩnh vực mới như PHCN hệ tiêu hóa, tiết niệu, trực tràng... hình thành phòng điều trị về lĩnh vực tâm lý bệnh liên quan đến các rối loạn về mất ngủ, rối loạn tâm thần.

"Để hiện thực hóa các định hướng này, chúng tôi chủ động cử các y, bác sĩ đi đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực tâm lý và các lĩnh vực PHCN mới. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để bệnh viện có thể thực hiện được các mục tiêu, định hướng đã vạch ra, qua đó, tiếp tục nâng tầm cơ sở PHCN đầu ngành của tỉnh", bác sĩ Nguyễn Thị Diện nói.

Song song với phát triển về chuyên môn kỹ thuật, Bệnh viện Y học Cổ truyền Hà Tĩnh đã không ngừng đổi mới tinh thần, thái độ phục vụ, phát triển nhiều bài thuốc mới, nhiều kỹ thuật chuyên sâu. Với những bước tiến về chất lượng chuyên môn, số lượng bệnh nhân đến thăm khám, điều trị tại bệnh viện ngày một đông.

Mỗi ngày, bệnh viện thăm khám, điều trị nội trú cho từ 500 - 600 bệnh nhân. Tính riêng trong năm 2023, tổng số lượt khám bệnh là 14.969 lượt (tăng 10,1%); tổng số bệnh nhân điều trị nội trú đạt 10.234 người (tăng 4,8%); tỷ lệ giường bệnh đạt 392,5%, tăng 8,6 % và công suất sử dụng giường bệnh đạt 245,3%.

Theo bác sĩ Ngô Đức Hạnh, Phó Giám đốc Bệnh viện Y học Cổ truyền Hà Tĩnh, hiện nay bệnh viện đã áp dụng nhiều kỹ thuật cao của y học cổ truyền vào điều trị. Có hơn 1.000 bệnh nhân bị liệt do xuất huyết não, nhồi máu não và các bệnh khác được điều trị tại đây với kết quả khá tốt. Đây là kết quả của sự nỗ lực, đúc rút kinh nghiệm trong quá trình điều trị của đội ngũ y, bác sĩ.

Bác sĩ Lê Chánh Thành, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh cho biết: "Việc phát triển kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu luôn là yêu cầu số 1 và giữ vai trò rường cột trong xây dựng và phát triển các bệnh viện. Thực tế cho thấy, thời gian gần đây, chất lượng khám, điều trị không ngừng được nâng cao. Các bệnh viện đã cứu được nhiều người mắc bệnh hiểm nghèo, tạo điều kiện cho người dân được thụ hưởng những dịch vụ y tế có chất lượng mà không cần chuyển tuyến trên, giảm rất nhiều chí phí cho bệnh nhân và giảm áp lực cho các bệnh viện tuyến trên".

PV



Ý kiến của bạn