Hà Tĩnh: Phát triển nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển vùng và liên kết vùng

14-11-2023 09:29 | Y tế

SKĐS - Đối với Hà Tĩnh, phát triển vùng và liên kết vùng là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, trong đó phát triển nguồn nhân lực y tế chất lượng cao là nhiệm vụ trọng tâm.

Tình hình phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở Hà Tĩnh

Nguồn nhân lực chất lượng cao là bộ phận của nguồn nhân lực xã hội, có sự phát triển toàn diện về thể lực, trí lực và tâm lực, được đào tạo cơ bản và trải nghiệm qua thực tiễn, có trình độ cao về khoa học, công nghệ, có khả năng sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào thực hiện công việc được giao với năng suất, chất lượng và hiệu quả cao nhất.

Nhận thức được tầm quan trọng của nguồn nhân lực chất lượng cao đối với sự phát triển vùng và liên kết vùng, thời gian qua, Hà Tĩnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó tập trung vào đào tạo nghề; nâng cao kiến thức, kỹ năng làm việc trong các lĩnh vực như du lịch, công nghiệp và nông nghiệp.

Hà Tĩnh: Phát triển nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển vùng và liên kết vùng- Ảnh 1.

Mạng lưới y tế cơ sở ngày càng được đầu tư đồng bộ.

Số liệu thống kê cho thấy, đến hết quý I/2023, Hà Tĩnh có gần 691.000 lao động tham gia hoạt động kinh tế trên địa bàn Tỉnh; khoảng 200.000 lao động đang sinh sống, làm việc ở ngoài tỉnh và nước ngoài. Chất lượng nguồn nhân lực tại Hà Tĩnh được cải thiện và nâng cao qua các năm. Năm 2022, lao động qua đào tạo đạt 74%; cơ cấu lao động có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ lệ lao động lĩnh vực nông, lâm nghiệp, tăng tỷ lệ lao động lĩnh vực công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ - du lịch.

Đến hết năm 2022, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Tỉnh đã duy trì tổ chức đào tạo nghề cho khoảng 19.671 người. Trong đó, trình độ cao đẳng nghề khoảng 662 người; trình độ trung cấp nghề khoảng 4.190 người; trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng khoảng 14.819 người. Những năm qua, Tỉnh đã ban hành nhiều chính sách và các văn bản chỉ đạo, điều hành về phát triển nguồn nhân lực, sử dụng, thu hút, đãi ngộ nhân lực trên địa bàn.

Điểm sáng trong phát triển nguồn nhân lực y tế chất lượng cao

Mạng lưới y tế xã, phường, thị trấn (gọi chung là y tế xã) là tuyến y tế cơ sở trực tiếp, gần dân nhất, vì thế, được xem là "người gác cổng", đảm bảo công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân.

Theo thông tin từ ngành y tế tỉnh Hà Tĩnh, tính đến nay 100% trạm y tế xã được cài đặt và sử dụng phần mềm Hồ sơ sức khỏe điện tử, phần mềm quản lý KCB BHYT. Bước đầu phần mềm Hồ sơ sức khỏe điện tử đã được đồng bộ dữ liệu với phần mềm quản lý KCB tại các bệnh viện và đảm bảo liên thông giữa các tuyến từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn. Tỷ lệ người dân được khám, tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử đạt 95%. Người dân được quản lý sức khỏe theo nguyên lý y học gia đình, nên giảm tải cho tuyến trên, tiết kiệm kinh phí cho người dân.

Nhiều trạm y tế đã được nâng cấp về cơ sở vật chất, duy tu xây dựng vườn thuốc nam, đầu tư nhiều trang thiết bị... cán bộ y tế được tập huấn, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn. Nhờ đó, chất lượng KCB ngày càng được nâng lên, đáp ứng sự hài lòng của người dân. 

Hà Tĩnh: Phát triển nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển vùng và liên kết vùng- Ảnh 2.

Bệnh viện Đa khoa Thành phố thực hiện giải phẫu bệnh phát hiện sớm bệnh nhân ung thư

Hiện tại có 100% trạm y tế xã thực hiện hiệu quả mô hình quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm, các trạm y tế hiện đang quản lý, điều trị cho gần 27 ngàn bệnh nhân THA và gần 3.500 bệnh nhân ĐTĐ.

Dẫu vậy vẫn còn nhiều khó khăn như thiếu đội ngũ bác sĩ có chất lượng cao, chuyên môn sâu; cơ sở vật chất, hạ tầng chật chội, xuống cấp, trang thiết bị y tế phục vụ chẩn đoán, điều trị chưa đầy đủ, thường xuyên hư hỏng, quy trình sửa chữa chậm; một số trạm y tế chưa có bác sĩ, cơ sở vật chất xuống cấp...

Giải pháp hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực y tế chất lượng cao cho Hà Tĩnh

Bộ Y tế cho biết, việc tổ chức đào tạo liên thông giữa ngành Y sỹ trình độ trung cấp lên bác sĩ trình độ đại học được thực hiện theo Quyết định số 18/2017/QĐ-TTg ngày 31/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ và thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bộ Y tế ủng hộ các địa phương rà soát thực trạng và đánh giá nhu cầu sử dụng nhân lực y tế ở tuyến cơ sở các huyện khó khăn, vùng sâu, vùng xa, chủ động làm việc với các cơ sở giáo dục đại học có uy tín để xây dựng đề án đào tạo liên thông từ y sỹ trình độ trung cấp lên các ngành đào tạo bác sĩ trình độ đại học với hình thức đào tạo theo địa chỉ sử dụng, báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế.

Hà Tĩnh: Phát triển nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển vùng và liên kết vùng- Ảnh 3.

Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Thành phố Hà Tĩnh thực hiện tán sỏi niệu quản bằng laze cho bệnh nhân.

Tại Hà Tĩnh, để tránh hiện tượng các bác sỹ chính quy dài hạn không có nguyện vọng về làm việc tại trạm y tế cấp xã, Bộ Y tế đã và đang tập trung triển khai các giải pháp xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực cho y tế tuyến cơ sở, cụ thể:

- Hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến đặc thù đào tạo nhân lực y tế nhằm tạo môi trường pháp lý triển khai đổi mới đào tạo nhân lực y tế đáp ứng yêu cầu đảm bảo và nâng cao chất lượng nhân lực y tế, tiến tới hội nhập quốc tế; chuẩn hóa mô hình đào tạo phù hợp với khung trình độ quốc gia và hội nhập quốc tế; hoàn thành xây dựng chuẩn năng lực, chuẩn đầu ra, chuẩn chương trình, đổi mới nội dung, chương trình đào tạo khối ngành sức khỏe theo hướng dựa trên năng lực, phù hợp với từng lĩnh vực, chuyên ngành và trình độ đào tạo gắn với yêu cầu trong tình hình mới và nhu cầu sử dụng của hệ thống y tế.

- Đẩy mạnh hoạt động của Hội đồng Y khoa Quốc gia, tổ chức thi, cấp chứng chỉ hành nghề có thời hạn phù hợp thông lệ quốc tế; hoàn thành xây dựng hệ thống kiểm định chương trình đào tạo đặc thù trong đào tạo lĩnh vực sức khoẻ theo thông lệ quốc tế và triển khai có lộ trình phù hợp điều kiện Việt Nam.

- Tiếp tục hoàn thiện chính sách về xác định vị trí việc làm, công nhận chức danh hành nghề, giảng dạy lâm sàng; chế độ đãi ngộ về lương, phụ cấp cho người giảng dạy, người học chuyên khoa, ... Xây dựng cơ chế tài chính về học bổng, học phí, kinh phí đào tạo, ... phù hợp với đặc thù đào tạo nhân lực y tế.

- Đào tạo và đào tạo lại để đáp ứng đủ số lượng cán bộ y tế các tuyến theo yêu cầu của công tác phòng, chống dịch, đặc biệt chú trọng và tăng cường đào tạo cán bộ y tế các chuyên khoa: Hồi sức cấp cứu, Gây mê hồi sức, Truyền nhiễm... bằng nhiều hình thức đào tạo như: Bác sĩ nội trú, chuyên khoa cấp I, chuyên khoa cấp II, đào tạo liên tục cán bộ y tế, đào tạo chuyển giao kỹ thuật...

- Tiếp tục triển khai các đề án đào tạo nhân lực y tế cho vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa; từng bước đảm bảo số lượng và chất lượng nhân lực y tế đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe dân tại tuyến cơ sở, vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa.


Phương Nghi (t/h)
Ý kiến của bạn