Hà Tĩnh nỗ lực phát triển kinh tế trong tình hình mới

30-11-2022 08:56 | Thời sự
google news

Hà Tĩnh là một trong những địa phương tiêu biểu của cả nước có phương pháp, cách làm sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới (có 173/182 xã đạt tỷ lệ 95% tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 19 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 2 xã nông thôn mới kiểu mẫu).

Trong bối cảnh ảnh hưởng bởi dịch bệnh và những biến động của nền kinh tế, với sự đồng hành của chính quyền và ý chí, bản lĩnh, cộng đồng doanh nghiệp Hà Tĩnh chủ động đổi mới, sáng tạo, quyết tâm biến thách thức thành cơ hội, kịp thời thích ứng với tình hình để duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần quan trọng vào thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Vươn lên từ nội lực, truyền thống đoàn kết

Hà Tĩnh có địa bàn chiến lược về chính trị, kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh; là cửa ngõ hành lang kinh tế đông - tây, giao thông thuận lợi cả về đường bộ, đường biển, hàng không, cảng biển lớn, nguồn tài nguyên, khoáng sản đa dạng, phong phú; có truyền thống lịch sử, văn hóa đặc sắc, là vùng đất "địa linh, nhân kiệt", nổi danh là đất anh hùng, đất thi nhân; người dân Hà Tĩnh có ý chí tự vượt khó, vươn lên từ nội lực, truyền thống đoàn kết. Đây là tài sản lớn nhất của địa phương, cần phải biết khơi dậy, khai thác từ ý chí, năng lực, trí tuệ, bản lĩnh của người dân để vươn lên.

Hà Tĩnh nỗ lực phát triển kinh tế trong tình hình mới - Ảnh 1.

Hà Tĩnh nỗ lực phát triển kinh tế trong tình hình mới

Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn và đạt kết quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội.

Hà Tĩnh là một trong những địa phương tiêu biểu của cả nước có phương pháp, cách làm sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới (có 173/182 xã đạt tỷ lệ 95% tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 19 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 2 xã nông thôn mới kiểu mẫu).

Các lĩnh vực giáo dục, văn hoá, thể thao, thông tin truyền thông, cải cách hành chính có nhiều tiến bộ (xếp thứ 8 cả nước về Chỉ số PAR Index, thứ 5 về Chỉ số SIPAS và thứ 7 về Chỉ số PAPI). Công tác xoá đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người lao động, người sử dụng lao động chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, an sinh, phúc lợi xã hội thực hiện có hiệu quả.

Tuy nhiên, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và dư địa phát triển, quy mô nền kinh tế còn nhỏ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, nông nghiệp sản xuất quy mô nhỏ, liên kết thiếu bền vững, chế biến, tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn, chưa có nhiều thương hiệu nổi tiếng. Công tác quản lý nhà nước ở một số lĩnh vực còn để xảy ra sai phạm; việc bồi thường, tái định cư, giải phóng mặt bằng còn nhiều tồn đọng. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội một số địa bàn còn tiềm ẩn phức tạp.

Doanh nghiệp là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp phát triển của tỉnh

Tình hình đăng ký doanh nghiệp, thu hút đầu tư của tỉnh Hà Tĩnh có nhiều tín hiệu tích cực. Trong năm 2022, số lượng doanh nghiệp gia nhập, quay lại thị trường và nguồn vốn đăng ký bổ sung tăng khá so với cùng kỳ năm trước. Trong 9 tháng đầu năm 2022, thành lập mới gần 1.100 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký gần 7.000 tỷ đồng, tăng 39% về số lượng so với cùng kỳ năm 2021, vượt chỉ tiêu cả năm 2022; gần 300 doanh nghiệp quay lại thị trường, tăng gần 16%. Số doanh nghiệp gia nhập thị trường và quay lại thị trường gấp 2,5 lần số doanh nghiệp rút khỏi thị trường; lũy kế đến nay toàn tỉnh có gần 8.300 doanh nghiệp đang hoạt động, vốn đăng ký bình quân 27 tỷ đồng/doanh nghiệp. Thành lập mới 15 hợp tác xã, 4.077 hộ kinh doanh, đến nay toàn tỉnh có 1.015 hợp tác xã, 52.500 hộ kinh doanh đang hoạt động. Chấp thuận chủ trương đầu tư 15 dự án, trong đó 13 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư hơn 2.900 tỷ đồng, 2 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư hơn 280 triệu USD.

Hà Tĩnh nỗ lực phát triển kinh tế trong tình hình mới - Ảnh 2.

Nhiều doanh nghiệp lớn đang đầu tư vào Vũng Áng

Điểm nhấn đáng chú ý là nhiều doanh nghiệp lớn đã tích cực đẩy mạnh triển khai thi công thực hiện các dự án, công trình trọng điểm của tỉnh để bảo đảm tiến độ đề ra và đưa vào hoạt động. Cuối năm 2021, Nhà máy sản xuất pin VinES của Tập đoàn Vingroup chính thức khởi công tại Khu kinh tế Vũng Áng với tổng mức đầu tư gần 4.000 tỷ đồng; sau 9 tháng thi công đã hoàn thành việc xây dựng nhà xưởng và đang tiến hành lắp đặt thiết bị, phấn đấu đưa vào vận hành sản xuất trong quý IV-2022. Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng II với tổng mức đầu tư 2,2 tỷ USD đang được tập trung đẩy mạnh thi công; tính đến tháng 9-2022 đã giải ngân 1/4 tổng vốn đăng ký thực hiện, dự kiến hoàn thành đi vào vận hành vào năm 2025.

Với định hướng phát triển đồng bộ các vùng động lực, hành lang kinh tế, các cụm công nghiệp - thương mại - dịch vụ phía bắc của tỉnh cũng tạo được bứt phá trong thu hút đầu tư. Cuối tháng 7-2022, Nhà máy Bia Hà Nội - Nghệ Tĩnh có tổng mức đầu tư gần 1.300 tỷ đồng đã chính thức hoạt động và sản xuất thử nghiệm, với công nghệ tiêu chuẩn EU, công suất tối đa lên đến 500 triệu lít/năm, dự kiến sẽ đóng góp vào ngân sách tỉnh hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, tạo việc làm cho hơn 200 lao động…

Vào những tháng cuối năm 2022, để đạt hiệu quả sản xuất, kinh doanh tối đa, hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch doanh thu, góp phần bảo đảm các chỉ tiêu kế hoạch kinh tế - xã hội của tỉnh, hầu hết các doanh nghiệp đang tập trung nguồn lực để "bứt tốc" về đích năm 2022 bằng quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt.

Hà Tĩnh luôn xác định doanh nghiệp là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp phát triển của tỉnh và phải làm cho cộng đồng doanh nghiệp vững tin vào một chính quyền thân thiện, trách nhiệm, nêu cao tinh thần phục vụ. Tỉnh Hà Tĩnh cam kết là đối tác đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Hà Tĩnh và cả nước phát triển, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, cùng đồng tâm, đồng chí, đồng lòng, chung sức vì mục tiêu xây dựng Hà Tĩnh trở thành một trong những cực phát triển của vùng Bắc Trung Bộ.


PV
Ý kiến của bạn