Ngày 2/4 đã được Liên hợp quốc chọn là “Ngày Thế giới nhận thức chứng tự kỷ” với mong muốn các quốc gia tăng cường sự quan tâm đến hội chứng này.
Hiện nay, số người có hội chứng tự kỷ đang tăng nhanh chóng. Theo số liệu từ Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Việt Nam có khoảng hơn 200 ngàn người mắc chứng tự kỷ. Còn tại Hà Tĩnh, thời gian qua tại Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh đã chăm sóc và điều trị cho 70 trẻ tự kỷ trên toàn tỉnh, đây là đơn vị đầu tiên tại Hà Tĩnh điều trị chứng tự kỷ ở trẻ.
Bác sĩ Nguyễn Thị Hà, phụ trách bộ phận điều trị chứng tự kỷ cho trẻ, Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Chứng tự kỷ hay còn được gọi là những “rối loạn phát triển lan tỏa” là một trong những rối loạn nặng, làm suy yếu chức năng và cản trở cuộc sống nhiều nhất. Chứng tự kỷ nếu phát hiện sớm và can thiệp kịp thời sẽ giúp trẻ phát triển chức năng tốt hơn và cải thiện được cuộc sống của trẻ. Nếu phát hiện muộn thì các hành vi đã định hình, khả năng phục hồi chậm và khó khăn hơn. Tuy nhiên, có khoảng 70% trẻ vào điều trị tại Bệnh viện Phục hồi chức năng trong tình trạng muộn, do đó gây khó khăn cho công tác điều trị. Mỗi một trẻ bị chứng tự kỷ vào điều trị tại đây đều có các biểu hiện khác nhau, chính vì thế không có phương pháp điều trị chuẩn cho tất cả các trường hợp mà chúng tôi phải dùng nhiều phương pháp về âm ngữ trị liệu và hoạt động trị liệu, các động tác cười, nói, gọi tên, chỉ đồ vật hay chơi trò chơi đều giúp trẻ tăng khả năng phục hồi. Hầu hết những trẻ phát hiện sớm vào điều trị tại Bệnh viện phục hồi chức năng khoảng 3 tháng thì cải thiện được các hành vi, giao tiếp. Tuy nhiên, những trẻ phát hiện muộn trên 3 tuổi thì thời gian điều trị lâu hơn. Việc điều trị cho trẻ tự kỷ phải kiên trì, trẻ điều trị được càng lâu thì khả năng phục hồi, hòa nhập với cộng đồng càng tốt.
Hầu hết chứng tử kỷ ở trẻ phát hiện muộn là do nhận thức của phụ huynh còn hạn chế; tâm lý của bố mẹ không chấp nhận con mình bị chứng tự kỷ mà cứ nghĩ là bình thường. Vì thế, để trẻ có một tương lai tốt đẹp, theo Bác sĩ Hà, cha mẹ nên giành nhiều thời gian để giao tiếp nói chuyện với trẻ, khi cha mẹ gần gũi, nói chuyện với trẻ, trẻ sẽ quyên và mất dần suy nghĩ ngại ngùng, sợ sệt trong giao tiếp; cho trẻ hòa nhập, chơi đùa cùng các trẻ khác, việc khuyến khích và động viên trẻ giao tiếp sẽ giúp trẻ tương tác với xã hội, vượt qua những rào cản. Cha mẹ có thể hướng dẫn trẻ xử lý một hành vi nào đó, thường xuyên động viên và khen thưởng mỗi khi trẻ có những biểu hiện tốt.
Bên cạnh đó, khi thấy trẻ có bất kỳ biểu hiện nào sau đây: trẻ 6 tháng mà không cười lớn hoặc có biểu hiện vui vẻ hay yêu thương; trẻ 9 tháng mà không phát ra các âm thanh chia sẻ qua lại, cười hoặc những biểu hiện cảm xúc qua nét mặt; 12 tháng tuổi nhưng không nói bập bẹ, bi bô, không có những cử chỉ giao tiếp qua lại như: vẫy tay, chỉ chỏ, với đồ chơi, không phản ứng khi người khác gọi tên mình; trẻ 14 tháng tuổi không chỉ vào những đồ vật để chia sẽ hứng thú; đến 16 tháng tuổi nhưng trẻ không nói được từ nào; trẻ 18 tháng tuổi nhưng không chơi trò chơi “giả vờ”(giả vờ cho búp bê ăn); đến 2 tuổi trẻ không nói được câu ngắn nào đáp trả… cha mẹ nên đưa đến các bác sĩ chuyên môn.