Trạm quân y nghĩa tình
Do đặc điểm điều kiện địa lý xa xôi, nhất là về mùa mưa thường bị nước lũ chia cắt, cô lập (từ bản Rào Tre ra đến trung tâm huyện Hương Khê hơn 50km đường rừng), việc chăm sóc sức khỏe cho đồng bào nhân dân ngoài lực lượng y tế cơ sở, còn có sự quan tâm vào cuộc của lực lượng quân y của Tổ công tác Rào Tre.
Để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trong vùng nói chung và đồng bào dân tộc Chứt nói riêng, năm 2012, Bộ đội biên phòng (BĐBP) Hà Tĩnh đã vận động các doanh nghiệp ủng hộ xây dựng, đưa vào sử dụng Trạm xá Quân dân y kết hợp bản Rào Tre khang trang, rộng rãi. Cùng với việc nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị khám chữa bệnh, hai cán bộ quân y có chuyên môn giỏi cũng được cử về đây công tác.
Người dân biên giới xã Hương Liên (Hương Khê) nói chung và bản Rào Tre nói riêng là nơi gặp khó khăn, hạn chế về điều kiện chăm sóc sức khỏe. Vì vậy, hoạt động của lực lượng quân y biên phòng có vai trò và ý nghĩa rất quan trọng.
Ngoài bố trí quân y cắm bản thường xuyên thì hằng năm, Đồn Biên phòng Bản Giàng và Bộ Chỉ huy BĐBP Hà Tĩnh còn phối hợp với các đơn vị khác tổ chức 2 - 3 cuộc tư vấn, khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho bà con.
Cùng với nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho bộ đội, các trạm y tế đã tích cực chữa trị cho nhân dân, lồng ghép thực hiện các chương trình y tế quốc gia, tổ chức giáo dục sức khỏe cho cộng đồng, hướng dẫn phòng chống dịch bệnh…
Trung tá Phan Trọng Nam - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Bản Giàng cho biết, trong những năm qua Đồn Biên phòng Bản giàng, ngoài nhiệm vụ quản lý bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia còn làm tốt công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho bà con nhân dân ở địa bàn.
"Cuộc sống của người đồng bào dân tộc Chứt hiện vẫn còn nhiều khó khăn, những người "Thầy thuốc quân hàm xanh" không quản ngại khó khăn, vất vả, ngày đêm băng rừng, vượt suối đến từng nhà, gặp từng người để khám, chữa bệnh cho người dân. Những việc làm thiết thực, ý nghĩa đã góp phần khẳng định mối quan hệ gắn bó máu thịt, truyền thống tốt đẹp giữa người lính quân hàm xanh với người dân đồng bào thiểu số", Trung tá Phan Trọng Nam thông tin.
Nhiều chương trình tình nguyện ý nghĩa
Vừa qua, Đoàn công tác Tỉnh đoàn, Hội LHTN Việt Nam tỉnh đã phối hợp với Bệnh viện Đa khoa TTH Hà Tĩnh đã tổ chức chương trình khám, tư vấn, cấp phát thuốc miễn phí cho 200 người dân là đồng bào dân tộc Chứt, đối tượng chính sách và người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Hương Liên.
Tỉnh đoàn, Hội LHTN Việt Nam tỉnh phối hợp với các đơn vị tổ chức nhiều chương trình ý nghĩa cho người dân đồng bào dân tộc Chứt.
Đồng thời triển khai hoạt động hỗ trợ xây dựng nông thôn mới cho các hộ dân tộc Chứt. Trao tặng 200 cây giống Gió trầm, chỉnh trang 12 vườn hộ cho bà con dân tộc Chứt; trao tặng nguồn lực xây dựng Nông thôn mới cho xã Hà Linh, Hương Khê.
Ngoài ra, Đoàn đã tới thăm hỏi, động viên, trao tặng quà và kinh phí hỗ trợ gia đình anh Hồ Thế Xoan vừa qua không may bị lửa cháy thiêu rụi căn nhà ngay trước dịp Tết Lấp Lỗ.
Chương trình “nâng bước em đến trường” và mô hình “con nuôi Đồn Biên phòng”
Chương trình “nâng bước em đến trường” và mô hình “con nuôi Đồn Biên phòng”, cán bộ, chiến sĩ Biên phòng Hà Tĩnh đã “chắp cánh” cho nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn thực hiện được ước mơ đến trường.
Chương trình “Nâng bước em đến trường” được triển khai từ đầu năm 2014 nhằm hỗ trợ các em học sinh nghèo, học sinh vùng dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn. Đến nay, đã có 61 học sinh trên địa bàn tỉnh hưởng lợi với mức hỗ trợ 500.000 đồng/em/tháng. Theo kế hoạch, các em sẽ được hỗ trợ cho đến khi học hết lớp 12.
Số tiền từ quỹ “Nâng bước em đến trường” được cán bộ chiến sĩ các đơn vị thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh đóng góp từ tiền lương và tăng gia sản xuất của đơn vị.
Mỗi dịp khai giảng năm học mới, những "người bố" Biên phòng lại mua sắm quần áo, sách vở, đồ dùng học tập cho các con và thủ thỉ những lời căn dặn các con trước khi đến trường.
Hơn 5 năm qua, em Hồ Thị Hằng, học sinh lớp 9 cùng 3 học sinh khác là người đồng bào dân tộc Chứt được Đồn Biên phòng Bản Giàng bố trí ăn ở, học tập, sinh hoạt ngay trong Tổ công tác Biên phòng cắm bản.
Nhờ sự quan tâm của Đảng và nhà nước, các em học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số được đến trường đầy đủ và theo từng cấp học.
Còn đối với em Mai Nữ Quỳnh Anh, học sinh lớp 11A4, Trường THPT Lê Quảng Chí, thị xã Kỳ Anh, em chỉ có mẹ nhưng người mẹ không có việc làm lại phải nuôi 2 chị em ăn học, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Bảy năm học vừa qua em được Bộ đội Biên phòng hỗ trợ mỗi tháng 500 ngàn đồng trong chương trình “nâng bước em đến trường”, tạo động lực rất lớn cho em trong học tập, nhiều năm liền Quỳnh Anh đạt học sinh giỏi toàn diện.
Chương trình “Nâng bước em đến trường”, “ Con nuôi đồn Biên phòng” được BĐBP Hà Tĩnh triển khai từ nhiều năm nay nhằm hỗ trợ các em học sinh nghèo, học sinh vùng dân tộc thiểu số gặp hoàn cảnh khó khăn được đến trường. Đến nay, đã có 68 học sinh được hỗ trợ với số tiền mỗi tháng 500 ngàn đồng, tính từ khi nhận hỗ trợ đến khi học hết bậc THPT.