Hà Tĩnh: Nhiều bệnh viện gặp khó khăn trong tự chủ tài chính

20-04-2017 11:32 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Theo lộ trình, đến năm 2018, các bệnh viện công lập phải chủ động hoàn toàn về tài chính và phát triển theo mô hình doanh nghiệp.

Đây là một chủ trương lớn của Chính phủ, tạo điều kiện để các bệnh viện phát triển chuyên môn kỹ thuật, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh(KCB). Tuy nhiên, cơ chế này khiến nhiều bệnh viện lo lắng khi ngân sách bị cắt, nhất là các bệnh viện tuyến huyện nơi có điểm xuất phát thấp thì việc tự chủ tài chính(TCTC) còn gặp rất nhiều khó khăn.

Buồng bệnh tại Bệnh viện đa khoa huyện Vũ Quang trống bệnh nhân.

Buồng bệnh tại Bệnh viện đa khoa huyện Vũ Quang trống bệnh nhân.

Bệnh viện đa khoa huyện Vũ Quang nằm ở huyện miền núi, gặp nhiều khó khăn nhất khi TCTC, bệnh viện thành lập năm 2006, với 100 giường bệnh, 11 khoa, phòng, trên 100 CBCNV, trong đó có 25 bác sĩ, tuy nhiên có 6 bác sĩ đào tạo từ y sĩ lên chưa được thăng hạng, bác sĩ sau đại học thiếu, trình độ không đồng đều. Để đáp ứng yêu cầu KCB cho người dân, bản thân giám đốc, ngoài quản lý, điều hành chung, kiêm phụ trách thêm khoa ngoại, sản, đồng thời là phẫu thuật viên duy nhất. Nhân lực thiếu, trang thiết bị(TTB) còn thiếu hơn, nhất là ngoại khoa. Chụp phim là một kỹ thuật cận lâm sàng rất cần thiết để hỗ trợ công tác điều trị, tuy nhiên hiện nay bệnh viện chỉ có duy nhất một máy X.quang thông thường, nên phải làm bằng thủ công, mất nhiều công đoạn, chụp, rửa, sấy khô, bệnh nhân phải chờ đợi lâu mà hiệu quả không cao. Để có chất lượng chụp X.quang thì cần có đầu độc kỹ thuật số với số tiền 700 triệu, tuy nhiên bệnh viện không có nguồn để đầu tư. Một số khó khăn đối với bệnh viện nữa là quỹ BHYT quá ít, năm 2017, 9 xã và 6 thôn đặc biệt khó khăn thuộc diện 135 bị cắt nên thẻ bảo hiểm giảm gần 50%, quỹ chỉ còn 1,9 tỷ đồng, do đó năm 2017 chắc rằng sẽ âm quỹ tăng hơn năm 2016 và việc chậm thanh toán vượt quỹ sẽ khiến cho bệnh viện gặp nhiều khó khăn hơn. Còn thiếu một số máy thông thường để phục vụ công tác điều trị như: máy do lưu huyết não, đo độ loãng xương, đo chức năng hô hấp…Máy xét nghiệm huyết học xuống cấp. Hơn nữa vị trí của bệnh viện không thuận lợi nên 6 xã thuộc vùng hạ (chiếm 2/3 dân số) chủ yếu đến KCB tại Bệnh viện Đa khoa Đức Thọ, còn lại 6 xã vùng thượng dân cư thưa thớt. Tại Phòng khám đa khoa Đức Lĩnh(cơ sở 2 của Bệnh viện Vũ Quang) từ tháng 1/2017 BHXH Việt Nam không thanh toán BHYT cho bệnh nhân điều trị nội trú nên bệnh viện lại gặp nhiều khó khăn. Bác sĩ Nguyễn Văn Toại, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Vũ Quang chia sẻ: "Lợi ích của cơ chế TCTC là không thể phủ nhận được, tuy nhiên hiện nay bệnh viện có số thẻ BHYT ít, thiếu nhân lực, TTB để phát triển kỹ thuật nên mặc dù thời gian qua đã rất nỗ lực nhưng vẫn chưa thể đảm đương được TCTC".

Máy chụp phim X.quang tại Bệnh viện cửa khẩu quốc tế Cầu Treo

Máy chụp phim X.quang tại Bệnh viện cửa khẩu quốc tế Cầu Treo đầu tư trên 12 năm chất lượng kém nhưng vẫn cố dùng

Giám đốc Bệnh viện cửa khẩu quốc tế Cầu Treo Nguyễn Khắc Thành  tâm sự: Đối với Bệnh viện đa khoa cửa khẩu quốc tế Cầu Treo việc TCTC là một vấn đề quá sức đối với bệnh viện, sẽ không đảm bảo chi thường xuyên, ảnh hưởng đến chất lượng điều trị, nên bệnh viện chưa thể TCTC được. Bệnh viện đi vào hoạt động tháng 11/2005 với 78 CBCNV, trong đó có 6 bác sĩ, từ đó đến nay không thu hút được bác sĩ chính quy, bệnh viện cử 05 y sĩ đi đào tạo bác sĩ. Tuy nhiên, bệnh viện hiện còn thiếu bác sĩ chuyên khoa răng hàm mặt, tai mũi họng và bác sĩ xét nghiệm, đặc biệt thiếu bác sĩ ngoại khoa nên chỉ thực hiện được một số kỹ thuật tiểu phẩu và trung phẩu, còn các kỹ thuật cao phải chuyển đến Bệnh viện đa khoa Hương Sơn hoặc chuyển bệnh nhân lên tuyến trên. Ban giám đốc ngoài việc lãnh đạo chung, còn phải kiêm nghiệm nhiều lĩnh vực: ngoại, sản, nhi. Nhân lực thiếu trang thiết bị lại thiếu hơn, hiện bệnh viện thiếu một số TTB thông thường, nhất là máy siêu âm 4D. Một số máy đầu tư quá lâu gần 12 năm nên đã hỏng như: máy khám răng, máy chụp phim X.quang…Cơ sở vật chất do xây dựng quá lâu nên một số hạng mục xuống cấp hư hỏng như: khoa cận lâm sàng, hệ thống các nhà lợp ngói, các công trình vệ sinh của CBCNV và bệnh nhân mưa xuống nước ứ động và rơi xuống hành lang, gây khó khăn cho cán bộ và bệnh nhân. Đặc biệt, bệnh viện không nằm ở trung tâm 6 xã, thị trấn phụ trách nên không thuận tiện cho bệnh nhân đi lại. Một khó khăn lớn của bệnh viện nữa là quỹ BHYT quá ít, năm 2017, 3/6 xã đặc biệt khó khăn thuộc diện 135 bị cắt nên thẻ bảo hiểm y tế giảm gần 72%.

Ngay cả những đơn vị tuyến tỉnh như: bệnh viện đa khoa tỉnh, bệnh viện Phục hồi chức năng và các đơn vị tuyến huyện như: bệnh viện đa khoa huyện Đức Thọ, Kỳ Anh, Thành phố được xem là tốp đầu nhưng vẫn chưa thể TCTC hoàn toàn. Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Nguyễn Thị Diện cho biết: “TCTC là một quá trình chuyển đổi mang tính chất đột phá nhưng hoàn toàn tất yếu. Để tồn tại và phát triển thì bệnh viện phải tự chuyển mình để thu hút người bệnh. Đó cũng là phương châm sống còn, tồn tại và phát triển của các bệnh viện trong cuộc cạnh tranh lành mạnh của chính các bệnh viện công và các bệnh viện tư. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn lo lắng vì bệnh nhân của bệnh viện phụ thuộc vào chuyển tuyến. Hơn nữa, tư duy của cán bộ, viên chức y tế vẫn còn nặng về cơ chế bao cấp, để thay đổi được không phải một sớm một chiều mà cần phải có thời gian. Vì thế, bệnh viện chúng tôi chưa thể TCTC hoàn toàn được, bước đầu chỉ TCTC một phần".

Máy xấy phim X.quang có một không hai tại Bệnh viện đa khoa huyện Vũ Quang

Máy xấy phim X.quang có một không hai tại Bệnh viện đa khoa huyện Vũ Quang

Cơ chế tự chủ là một chủ trương đúng đắn, giúp cho các bệnh viện có thể huy động vốn mua sắm trang thiết bị hiện đại, phát triển chuyên môn kỹ thuật, nâng cao chất lượng KCB, xây dựng thương hiệu, tăng được thu nhập cho CBCNV. Nhờ đó, người dân được KCB bằng những kỹ thuật cao ngang tầm quốc tế ngay chính trên quê hương mình, giảm được một phần lớn về kinh tế. Về y đức cũng phần nào khắc phục được thái độ ban ơn, cách hành xử nhiều khi hách dịch trong một bộ phận cán bộ y tế. Tuy nhiên, với thực tiễn tại Hà Tĩnh hiện nay, triển khai TCTC còn nhiều thách thức. Bên cạnh việc thiếu bác sỹ, nhất là bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, cơ sở vật chất và TTB của một số bệnh viện thiếu và yếu, không đáp ứng được yêu cầu. Tỷ lệ tham gia BHYT còn thấp, toàn tỉnh mới chỉ đạt 72%. Kéo theo đó là quỹ BHYT thấp nhưng thực hiện giá dịch vụ KCB đã bao gồm chi phí trực tiếp, phụ cấp đặc thù và tiền lương. Việc chậm chuyển kinh phí vượt quỹ, vượt trần sẽ đồng nghĩa với các cơ sở KCB BHYT không có nguồn chi trả lương và phụ cấp theo lương cho cán bộ công chức, viên chức và người lao động của đơn vị.

Giám đốc Sở Y tế Lê Ngọc Châu cho biết: Để thực hiện cơ chế TCTC thực sự phát huy hiệu quả và hướng về người bệnh thì ngành Y tế đã và đang tiến hành rà soát lại năng lực của các bệnh viện, trên cơ sở đó, xác định lộ trình tự chủ một cách phù hợp, gắn tự chủ với thực hiện nhiệm vụ chính trị mà các đơn vị phải đảm nhận. Đồng thời, ngành sẽ tập trung nâng cao năng lực quản lý, điều hành của đội ngũ quản trị bệnh viện; rà soát lại những bất cập về mặt chính sách trong cơ chế thông tuyến, nâng giá dịch vụ, đề xuất với Bộ Y tế bổ sung, chỉnh sửa phù hợp với yêu cầu thực tiễn; khuyến khích các bệnh viện phải mạnh dạn đột phá trong phát triển kỹ thuật, sắp xếp lại đội ngũ, mạnh dạn vay vốn ngân hàng đầu tư phát triển kỹ thuật. Mặt khác, sẽ tích cực đẩy nhanh tiến độ BHYT toàn dân. Bên cạnh đó, ngành Y tế chỉ đạo các bệnh viện xây dựng kế hoạch phát triển trong giai đoạn tới về quy mô, cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực. Hoạch định con đường phát triển năng lực bệnh viện.


Thanh Loan
Ý kiến của bạn