Hà Tĩnh – Nghệ An – Hà Nội cùng phối hợp cứu sống bệnh nhân vỡ động mạch

19-12-2018 13:05 | Camera bệnh viện

SKĐS - Đột ngột xuất hiện cơn đau bụng dữ dội giữa đêm và được gia đình đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Tỉnh Hà Tĩnh, bệnh nhân Trịnh Mạnh Kha (78 tuổi) được chẩn đoán phình động mạch chủ bụng bị vỡ, đe doạ tử vong nhanh. Với tình trạng này, bệnh nhân không thể chuyển hơn 300km để ra Hà Nội theo đó các bác sĩ đã chuyển bệnh nhân ra BVĐK Hữu Nghị Nghệ An

Trước đó, bệnh nhân Kha trú tại Hương Khê, Hà Tĩnh xuất hiện đau bụng, cơn đau tăng dần ngày càng nhiều, dữ dội, choáng váng, toát mồ hôi, không thể đứng vững. Bệnh nhân được chuyển tuyến từ Bệnh viện Hà Tĩnh đến BVĐKHN Nghệ An, bệnh nhân đã rơi vào tình trạng truỵ mạch, niêm mạc nhợt nhạt, huyết áp tụt thấp.

Bệnh nhân nhanh chóng được siêu âm cấp cứu tại giường, bác sĩ phát hiện hình ảnh tổn thương phình động mạch chủ bụng dưới động mạch thận, lan xuống hết động mạch chậu gốc 2 bên. Kích thước khối phình 9,3 cm (gấp 5 lần kích thước động mạch chủ bình thường), kéo dài 15 cm, có nhiều huyết khối bám thành lấp kín lòng mạch, trong ổ bụng có nhiều dịch nghi dịch máu. Chẩn đoán khối phình động mạch chủ bụng đã vỡ, nguy cơ tử vong nhanh do mất máu nếu không được xử trí kịp thời.

Ngay lập tức cuộc hội chẩn chuyên khoa Cấp cứu, Ngoại Lồng ngực mạch máu, Gây mê, Hồi sức Ngoại, dưới sự chỉ đạo của Ban Giám đốc bệnh viện quyết định chuyển bệnh nhân phẫu thuật khẩn cấp.

“Chúng tôi nhanh chóng kiểm soát, kẹp cổ đầu trên và đầu dưới túi phình cầm máu, cắt bỏ túi phình, ghép thay đoạn ĐMC bụng – động mạch chậu 2 bên bằng mạch máu nhân tạo. Mọi thao tác của ê kíp phẫu thuật cần nhanh chóng để phục hồi động mạch, kịp tưới máu chi dưới tránh hoại tử”. Thạc sỹ Phạm Văn Chung, Khoa ngoại Tim mạch – Lồng ngực, phẫu thuật viên chính ca mổ nhận định.

Ông Kha đã thoát tử trong gang tấc nhờ sự phối hợp hiệu quả từ các bệnh trung ương và địa phương

Quá trình hồi sức sau mổ tại khoa Hồi sức Ngoại khoa cho bệnh nhân bị vỡ phình động mạch chủ cũng vô cùng khó khăn, gian nan. Bệnh nhân phải truyền bù hơn 5 lít máu toàn cơ thể, bệnh nhân dễ xảy ra tình trạng rối loạn chức năng đông máu, suy gan, suy thận. Nguy cơ bệnh nhân đe doạ tử vong luôn hiện hữu, nhưng sau 10 ngày được bác sỹ theo dõi sát, hồi sức hậu phẫu, bệnh nhân đã tỉnh, không sốt, huyết động và các chỉ số xét nghiệm máu, sinh hoá đã ổn định, sức khỏe khả quan.
Theo nhận định của bác sỹ Chung, bệnh nhân Kha được cứu sống là nhờ sự phối hợp tuyến hiệu quả giữa 3 bệnh viện: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện HNĐK Nghệ An và BV ĐK Hà Tĩnh. Ngay khi gặp ca bệnh khó, Bệnh viện Hà Tĩnh đã gọi xin hỗ trợ tuyến trên. Sau khi nghe tình hình, tiên lượng bệnh nhân không thể di chuyển từ Hà Tĩnh đến Hà Nội vì rất có thể tử vong trên đường nên các thầy tại BV Bạch Mai đã "giao" trọng trách cứu sống bệnh nhân vào bàn tay phẫu thuật của bác sỹ bệnh viện Nghệ An.

Cũng theo bác sĩ Chung, với 1 ca cấp cứu tối khẩn như vỡ động mạch, bệnh nhân không có cơ hội sống để vượt qua 350 km ra tới thủ đô. Nhưng chỉ với 50 km tới TP Vinh, bác sỹ chuyên ngành phẫu thuật mạch máu đã cứu được bác đầy kỳ tích

Nói khe khẽ, nhưng bác Kha không giấu nổi niềm xúc động và chia sẻ: “Phát hiện bệnh phình động mạch chủ bụng từ cách đây hơn 10 năm, nhưng nhiều lý do khiến tôi không thể điều trị sớm. Chỉ đến hôm nay, khi mạch máu vỡ bung, tôi mới biết sự kinh hoàng của cơn bạo bệnh. May mắn thay, tôi đã tỉnh lại, đã khỏi bệnh nhờ các bác sỹ. So với cơn đau lúc khởi phát, ngày hôm nay tôi đã khỏe lên rất nhiều, cảm giác sống lại, được quây quần cùng con cháu là niềm hạnh phúc vô bờ. Trân trọng cảm ơn các bác sỹ và các cháu điều dưỡng đã nỗ lực cứu chữa và chăm sóc tôi tận tình những ngày qua …”


Hoàng Yến
Ý kiến của bạn