Theo đó, năm 2019, tỷ số giới tính khi sinh (GTKS) ở Hà Tĩnh là 115,2 bé trai/100 bé gái; năm 2020 là 112,19 bé trai/100 bé gái, và đến thời điểm công bố danh sách này là 115,54 bé trai/100 bé gái (tăng 1,15 điểm % so với cùng kỳ). Đáng chú ý như: Thị xã Hồng Lĩnh có tỷ lệ 150 bé trai/100 bé gái; thành phố Hà Tĩnh 127,27 bé trai/100 bé gái; Nghi Xuân 127,72 bé trai/100 bé gái; Đức Thọ 123,95 bé trai/100 bé gái…
Do tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đã diễn ra từ nhiều năm nay và đang có xu hướng ngày một gia tăng, khiến cho mục tiêu của ngành dân số Hà Tĩnh trong việc giảm tỷ số giới tính khi sinh đạt dưới mức 112,35 bé trai/100 bé gái vào cuối năm 2021 trở nên gian nan…
Nguyên nhân nào dẫn tới tình trạng mất cân bằng giới tính
Cũng giống như nhiều địa phương, nguyên nhân của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Hà Tĩnh là do nhiều người vẫn còn nặng tư tưởng có con trai để nối dõi tông đường, có thêm nguồn lực lao động, nhà đông con trai sẽ mạnh hơn, rồi "đông con hơn nhiều của"… mà chưa thấu hiểu hậu quả, hệ lụy của việc mất cân bằng giới tính khi sinh.
Thực hiện chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản- Kế hoạch góa gia đình cho người dân huyện Hương Khê.
Chị Nguyễn Thị H. (huyện Cẩm Xuyên) mới gần 40 tuổi nhưng đã có 4 con gái. Cuộc sống của cả gia đình phụ thuộc vào nghề đi biển của chồng và nghề may của vợ, nhưng hai vợ chồng chị vẫn ước mơ có con trai. Chị H. cho biết: Biết đông con là vất vả nhưng tôi vẫn muốn sinh thêm với hy vọng có con trai để có người nối dõi tông đường…
Còn đối với chị Trần Thị T (huyện Kỳ Anh) dù đã có 3 con nhưng chị vẫn nuôi ý định tiếp tục sinh để có thêm nguồn nhân lực lao động và nhờ cậy lúc về già. "Sinh ra và lớn lên ở làng biển nên với chúng tôi, lao động đi biển luôn là yếu tố quyết định kinh tế gia đình, chính vì thế, dù đã có 3 con nhưng tôi vẫn muốn sinh thêm con trai để có thêm nguồn lao động". Chị T cho biết.
Như vậy, xuất phát từ những quan niệm chưa đúng: Trọng nam hơn nữ, phải có người thờ cúng tổ tiên, nối dõi tông đường, chỉ có nam giới mới là lực lượng lao động chính… nên nhiều cặp vợ chồng đã thực hiện các biện pháp tính toán, can thiệp để lựa chọn giới tính khi sinh để mong muốn sinh cho được con trai. Đó cũng là một trong những lý do dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh.
Giải pháp nào để ứng phó với mất cân bằng giới tính khi sinh
Duy trì sinh hoạt câu lạc bộ không sinh con thứ 3 giúp nâng cao nhận thức cho người dân về nuôi con khỏe, góp phần giảm tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh.
Để giảm tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, thời gian qua, ngành dân số tỉnh đã thực hiện nhiều biện pháp:
- Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua tờ rơi, pano, áp phích… cung cấp thông tin, phổ biến pháp luật về giới và mất cân bằng giới tính khi sinh tới người dân…
- Triển khai đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh ở 100% xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh…
-Phát huy vai trò, tầm quan trọng của mạng lưới cộng tác viên dân số trong thực hiện phương châm đến từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng… để truyền thông, vận động người dân thay đổi hành vi.
-Tăng cường các hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm tra đối với việc cung cấp các dịch vụ liên quan đến lựa chọn giới tính thai nhi.
-Đồng thời tiếp tục duy trì, nhân rộng có hiệu quả các câu lạc bộ về giới, bình đẳng giới, không sinh con thứ 3 trở lên. Thông qua sinh hoạt của các câu lạc bộ này, tạo cơ hội cho chị em hội viên chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình hạnh phúc,nuôi con khỏe mạnh, không sinh con thứ 3… góp phần hạn chế tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh.
Mời độc giả xem thêm video:
Sơn La thực hiện nhiều biện pháp ứng phó với mất cân bằng giới tính khi sinh