Hà Tĩnh: Hạn chế nguy cơ ngộ độc thực phẩm gia tăng trong dịp tết

11-01-2017 16:23 | Thời sự
google news

SKĐS - Ngày tết việc mua và giữ trữ quá nhiều thực phẩm, cũng như thay đổi thói quen ăn uống, là những nguyên nhân dễ gây ngộ độc thực phẩm cho mọi người nhất là trẻ em.

Theo Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 150 đến 200 vụ ngộ độc thực phẩm, với hàng ngàn người mắc và hàng chục trường hợp tử vong. Còn tại Hà Tĩnh, theo báo cáo của Chi cục ATVSTP, năm 2016 trên toàn tỉnh xảy ra 5 vụ ngộ độc thực phẩm, với 27 người mắc. Riêng tại bệnh viện đa khoa tỉnh, mỗi năm có khoảng 100 đến 150 ca ngộ độc thực phẩm vào điều trị, trong đó khoảng 70% tập trung nhiều vào dịp Tết nguyên đán.

Bác sĩ Nguyễn Xuân Thái, Phó khoa Cấp cứu chống độc, Bệnh viện đa khoa tỉnh cho biết: hầu hết bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm vào nhập viện đều ở thể nhẹ, tuy nhiên, nếu không được điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng. Vì thế, khi thấy có một trong các triệu chứng sau: rối loạn tiêu hóa sau khi ăn khoảng 1 giờ trở đi; nôn ói vài lần hoặc rất dữ dội, liên tục; đau bụng quặn từng cơn, sau đó có thể đi tiêu chảy. Tùy theo tác nhân gây ngộ độc mà triệu chứng nôn ói nổi bật hay tiêu chảy nhiều hơn. Nếu không được chăm sóc thích hợp, nôn ói nhiều thường dẫn đến những biến chứng nặng như: hít sặc, hạ đường huyết, rối loạn nước và điện giải, đặc biệt ở trẻ nhỏ. Những triệu chứng: sốt, phân nhày máu…là dấu hiệu nhiễm khuẩn gây tổn thương ruột.

Ngoài ra, một số ít người bị ngộ độc thức ăn có biểu hiện nhiễm khuẩn nhiễm độc toàn thân…cần phải có phương án xử trí sơ cứu kịp thời như: để người bệnh nghỉ ngơi, bổ sung nước và các chất điện giải; dùng một số cách gây nôn để người bệnh nôn được. Sau khi đã nôn hết, người bệnh cần được nghỉ ngơi và uống điện giải để cân bằng nước cho cơ thể, chống mất nước, đồng thời giúp trung hòa chất độc trong cơ thể giúp hạn chế tác hại mà độc tố mang lại. Bên cạnh đó, cần thường xuyên theo dõi nhịp tim, hô hấp…của người bệnh, để có thể cấp cứu kịp thời khi cần thiết. Đặc biệt những trường hợp nặng gây khó thở, tím tái, co giật, trụy mạch, ngưng thở, thậm chí là hôn mê…

Bác sĩ Thái cũng khuyên mọi người chỉ nên tiến hành gây nôn với bệnh nhân còn tỉnh, với trường hợp hôn mê tuyệt đối không nên gây nôn vì có thể gây sặc thức ăn và có thể gây tắc thở. Sau khi cơ cứu cơ bản nên đưa người bệnh đến các cơ sở y tế để có biện pháp xử trí thích hợp, tránh hệ lụy cho hệ tiêu hóa và cơ thể. Những trường hợp đặc biệt cần được nhanh chóng đưa đi cấp cứu tích cực tại các cơ sở y tế có đủ năng lực thực hiện.

Ngộ độc thực phẩm xảy ra khi người bệnh ăn hoặc uống phải thực phẩm nhiễm độc, thực phẩm ôi thiu, thực phẩm chế biến không sạch, hoặc cũng có thể do chế độ ăn uống thiếu khoa học, ăn quá nhiều hoặc ăn thức ăn chứa nhiều gia vị tổng hợp…Các tác nhân sinh học gây ngộ độc thực phẩm bao gồm: vi khuẩn, nấm mốc, virut và ký sinh vật. Chúng có ở mọi nơi xung quanh chúng ta. Thức ăn chín để ở nhiệt độ bình thường là môi trường tốt cho vi khuẩn trong không khí xâm nhập và phát triển nhanh, đặc biệt là thức ăn còn thừa sau các bữa ăn chỉ cần một vài giờ là số lượng vi khuẩn có thể sinh sôi đạt tới mức gây ngộ độc thực phẩm. Các vi khuẩn thường gặp là E.coli, tụ cầu, lỵ thương hàn, phẩy khuẩn tả... Ngoài ra còn ngộ độc các chất hóa học sử dụng trong nông nghiệp, trong chất phụ gia thực phẩm sử dụng không đúng, độc tố tự nhiên có sẵn trong thực phẩm, các chất gây dị ứng, chất độc hại tạo ra trong quá trình chế biến... Tuy nhiên, vào những ngày tết người dân thường có quen tích trữ thức ăn trong tủ lạnh, đặc biệt là thức ăn chế biến sẵn, nấu chín, dùng trong nhiều ngày. Những thức ăn trên là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển và gây ngộ độc nếu không đảm bảo trong quá trình chế biến, bảo quản và sử dụng.

Vì thế, để phòng tránh ngộ độc thực phẩm, nhất là trong dịp tết, Bác sĩ Phan Văn Hùng, Chi cục trưởng, Chi cục VSATTP khuyến cáo mọi người cần lưy ý, thực phẩm cho vào tủ lạnh phải được làm sạch, để ráo. Không để chung thực phẩm sống và chín để tránh lây nhiễm chéo. Các loại thực phẩm cần cho vào trong hộp kín hoặc túi ni lông. Không nên giữ thực phẩm qúa lâu trong tủ, tốt nhất trong vòng 24 đến 48 giờ. Nhiệt độ đặt tủ thích hợp dưới 5oc, định kỳ phải lau chùi tủ để tránh biến tủ lạnh thành ổ chứa vi khuẩn. Cần loại bỏ những loại thức ăn có nghi ngờ ôi thiu, nhất là thực phẩm chế biến sẵn và chế biến nhiều lần thì nên loại bỏ. Việc để thức ăn trong tủ lạnh quá lâu, đặc biệt là thức ăn chín sẽ làm biến chất, giảm hàm lượng dinh dưỡng và sinh ra nhiều chất gây hại cho sức khỏe người dùng. Quá trình cấp đông và rã đông làm mất 1/3 chất béo hoà tan trong thịt, một số chất gần như mất hết.

Nhìn chung, tổng hàm lượng dinh dưỡng sau mỗi lần làm đông - rã đông đều giảm 20%. Bên cạnh đó, cần chọn thực phẩm an toàn, còn tươi, chọn thịt có màng ngoài khô, màu sắc đỏ tươi hoặc đỏ sẫm, óng ả, vết cắt có màu sắc bình thường, sáng, khô; đối với cá, thân rắn chắc, đàn hồi, không để lại vết ấn của ngón tay trên thịt cá. Vảy cá óng ánh, bám chặt thân cá, không có niêm dịch và mùi hôi thối khó chịu. Chọn rau, củ, quả, không mua rau đã héo úa, dập nát hay có dấu hiệu bất thường như “quá mập”, “quá phồng”. Cần nấu chín kỹ thức ăn để đảm bảo tiêu diệt hết vi khuẩn, ăn ngay sau khi thức ăn vừa nấu chín vì thức ăn để càng lâu nguy cơ ô nhiếm càng nhiều; không để lẫn thực phẩm sống chín vì thực phẩm nấu chín có thể ô nhiễm qua tiếp xúc với thực phẩm sống. Rửa tay sạch trước khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Giữ bề mặt chế biến, bếp luôn khô ráo, sạch sẽ, khăn lau bát đĩa và các dụng cụ nấu nướng phải được thay và đem luộc thường xuyên trước khi tái sử dụng. Sử dụng nguồn nước sạch vì nước sạch là một yếu tố quan trọng đối với việc chế biến thực phẩm và làm đồ uống.


Thanh Loan
Ý kiến của bạn