Hà Tĩnh: Đa phần người dân đi khám không cần mang sổ

02-10-2018 16:44 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Hà Tĩnh là một trong những địa phương được Bộ Y tế đánh giá cao trong việc lập hồ sơ sức khỏe điện tử, liên thông dữ liệu từ cấp cơ sở đến tỉnh. Đến nay, đa phần người dân chỉ cần đọc mã số định danh sức khỏe là bác sĩ có thể tra rõ tên, tuổi và các thông tin tiền sử bệnh tật, góp phần khám và điều trị bệnh hiệu quả hơn.

Người dân phấn khởi khi đi khám nhàn nhã

Trạm y tế Hộ Độ (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) có 5 cán bộ y tế, với 20 phòng chức năng bảo đảm đáp ứng công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Thời gian qua kể từ khi trạm bắt đầu chủ trương triển khai mô hình lập hồ sơ sức khỏe điện tử (HSSKĐT) - theo Kế hoạch 26 của UBND Huyện Lộc Hà (9/3/2018), việc chăm sóc sức khỏe cho người dân nơi đây đã có sự chuyển biến khá tích cực, và chủ trương này cũng được nhiều người dân ủng hộ.

Trò chuyện với chúng tôi: Bà Nguyễn Thị Nghị (SN 1948, thôn Đồng Xuân, xã Hộ Độ) cho biết: Ngày trước, cứ mỗi lần đến khám tôi lại mất 5000 đồng mua quyển sổ mới. Nhưng kể từ ngày Trạm y tế xã triển khai HSSK thì rất thuận tiện và tiết kiệm được khá nhiều thời gian và chi phí vì tôi tuổi cũng đã cao, thường xuyên phải lui tới bệnh viện. Tôi thấy chủ trương này là rất đúng đắn, nếu được triển khai đến tất cả các người dân thì tốt biết mấy.

Cạnh chúng tôi, một chị cũng ở thôn Đồng Xuân tỏ ra hồ hởi: Nếu như ngày trước, cứ mỗi lần đến khám ở bệnh viện là tôi lại phải trả lời bác sĩ về tiền sử bệnh của mình. Thế nhưng, kể từ ngày được lập HSSKĐT, tôi có thể đến khám ở tuyến trên mà không phải mất thời gian cho việc này. Giá như chủ trương này được triển khai sớm hơn thì người dân chúng tôi sẽ được lợi rất nhiều.

Ông Nguyễn Hồng Khoa - Trưởng trạm Y tế xã Hộ Độ cho biết: Ngay từ khi triển khai kế hoạch, chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ trong tâm và đã tận dụng mọi lúc mọi nơi để khai thác tiền sử bệnh của người dân trong xã. Thời điểm đó, cứ lúc nào có cuộc họp thôn, xóm và ai đến khám cũng được đội ngũ thầy thuốc khai thác, điền thông tin để hoàn thiện HSSKĐT". Đến nay, việc triển khai HSSKĐT cho người dân đã cơ bản hoàn thành, đạt mức 93,3%.

Các cán bộ trạm y tế xã Tượng Sơn tiến hành điền thông tin sức khỏe bệnh nhân.

Tương tự, tại xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà, công tác triển khai HSSKĐT cũng được nhiều người dân tham gia hưởng ứng, tính đến 31/7 đã có 87% số người dân nơi đây đã được nhập dữ liệu vào hệ thống phần mềm của trạm y tế xã.

Điểm sáng về triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử

Ông Lê Ngọc Châu - Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh cho biết, Hà Tĩnh là một trong những địa phương đi đầu và khá mạnh dạn trong việc nhận thí điểm triển khai việc quản lý mô hình HSSKĐT khi chưa có phần mềm thống nhất trong toàn quốc. Cụ thể, để thực hiện triển khai, Sở Y tế đã chọn đối tác thực hiện với chính sách ưu đãi là từ nay đến năm 2020 sẽ lắp đặt, bảo trì và vận hành miễn phí.

Đến thời điểm hiện tại đã có hơn 85% người dân của tỉnh đã có mã số định danh HSSK. Trên cơ sở mã số định danh, thông tin về sức khỏe người bệnh sẽ được nhập dần cho đến khi lấp đầy các chỉ số dữ liệu để hoàn chỉnh HSSK của họ (theo Quyết định 831 của Bộ Y tế). HSSK này được liên thông dữ liệu giữa tất cả cơ sở y tế từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh. Đây là điểm sáng của Hà Tĩnh được Bộ Y tế đánh giá là tỉnh duy nhất làm được việc này - ông Lê Ngọc Châu nhấn mạnh.

Cũng theo ông Châu, đích đến của y tế Hà Tĩnh là cố gắng sắp tới triển khai việc thiết lập Cổng thông tin sức khoẻ cộng đồng. Theo đó, mỗi người dân chỉ cần một mã số định danh do cơ quan y tế cấp, có thể kiểm tra, truy cập bất kỳ lúc nào, nơi đâu cũng nắm rõ được tình hình sức khoẻ bản thân.

Bên cạnh những thuận lợi, lãnh đạo Sở Y tế Hà Tĩnh cũng thừa nhận việc lập HSSKĐT hiện cũng đang có những vướng mắc nhất định, như: làm sao để bảo mật thông tin cho người bệnh cũng cần được tính toán kĩ càng. Chẳng hạn dữ liệu phần mềm khám chữa bệnh hiện có của các bệnh viện và phần mềm hồ sơ sức khoẻ chưa đồng bộ nên khi kết nối, liên thông giữa các phần mềm phát sinh nhân khẩu trên phần mềm hồ sơ sức khoẻ. Hay vấn đề kỹ năng thực hiện về các lĩnh vực công nghệ thông tin, máy tính của cán bộ trạm y tế chưa đáp ứng được yêu cầu, các trạm y tế chỉ có một máy tính, nhiều trạm chưa có đường truyền tốc độ cao nên tiến độ nhập dữ liệu chưa đạt yêu cầu…


Thiện Đức
Ý kiến của bạn