Thay mặt Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh vừa ký ban hành công điện về tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng.
Thời gian qua, do tác động của biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, nắng nóng gay gắt đã diễn ra trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 390C đến 420C, có nơi trên 430C.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, mùa hè năm 2024, khu vực Bắc Trung Bộ nắng nóng sẽ xảy ra nhiều và gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm, nhất là trong tháng 5 và tháng 6, nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao.
Theo đó, để chủ động thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại khi có cháy rừng xảy ra; đồng thời, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu các các Sở, ngành, đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý Nhà nước về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, tập trung cao cho công tác kiểm tra, giám sát về phòng cháy, chữa cháy rừng, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã chịu trách nhiệm về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn, khẩn trương chỉ đạo UBND cấp xã, các phòng, ngành chức năng thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý Nhà nước về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát phòng cháy, chữa cháy rừng từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở, phải xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong thời gian nắng nóng và đưa vào nội dung phòng cháy, chữa cháy rừng vào giao ban hằng tuần tại địa phương.
Chỉ đạo các địa phương, đơn vị chủ rừng kiểm tra, rà soát lại phương án, kế hoạch phòng cháy, chữa cháy rừng đảm bảo sát đúng thực tế, có tính khả thi; chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí để thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, quan tâm đảm bảo trang thiết bị bảo hộ lao động, phòng chống khói độc, công tác hậu cần, lương thực, thực phẩm, nước uống, vật tư y tế phục vụ các lực lượng thực hiện nhiệm vụ chữa cháy rừng.
Phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ tại các điểm trực gác, chốt cửa rừng, điểm trực camera giám sát để phát hiện sớm lửa rừng, giám sát chặt chẽ người, phương tiện ra, vào các khu vực rừng trọng điểm dễ cháy trong suốt thời gian cao điểm nắng nóng; phát hiện sớm cháy rừng, huy động các lực lượng tham gia khống chế và dập tắt cháy rừng trong thời gian ngắn nhất.
Có phương án, kế hoạch di dời người dân, tài sản của nhân dân, Nhà nước và doanh nghiệp ra khỏi các khu vực bị ảnh hưởng bởi cháy rừng khi có cháy rừng xảy ra; có biện pháp đảm bảo an toàn tuyệt đối về người, tài sản và có chính sách phù hợp, hiệu quả cho các lực lượng tham gia làm nhiệm vụ trực cháy và chữa cháy rừng.
Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; thông tin, cảnh báo cấp dự báo cháy rừng liên tục hằng ngày khi dự báo đến cấp IV và cấp V; kiểm tra, đôn đốc và kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng lửa trong rừng và gần rừng của người dân; nghiêm cấm việc dùng lửa để xử lý thực bì và những hành vi dùng lửa khác có nguy cơ cháy rừng khi dự báo nguy cơ cháy rừng ở cấp IV và cấp V, xử lý nghiêm theo quy định đối với các hành vi vi phạm.
Được biết, tỉnh Hà Tĩnh hiện có gần 360 nghìn héc ta rừng và đất lâm nghiệp, trong đó có khoảng 120 nghìn héc ta rừng (thông, keo, bạch đàn tái sinh) dễ cháy.
Lực lượng Kiểm lâm toàn tỉnh Hà Tĩnh đã và đang tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, xem đây là một trong những biện pháp quan trọng để phòng ngừa cháy rừng; nhất là ở những nơi nắng nóng, diện tích rừng lớn, nhiều rừng dễ cháy như thị xã Hồng Lĩnh, Hương Sơn, Vũ Quang, Hương Khê, Kỳ Anh...
Tại thị xã Hồng Lĩnh, có 1.309 héc ta rừng, trong đó, 79 héc ta rừng tự nhiên; hơn 1.200 héc ta rừng trồng. Diện tích rừng ở Hồng Lĩnh nằm trên địa bàn hành chính của 5 phường và chủ yếu là rừng trồng thuần loài như thông nhựa, keo, tràm… Nắng nóng kỷ lục những ngày qua đưa mức cảnh báo cháy rừng ở địa phương này lên cấp 5, cấp cực kỳ nguy hiểm.
Ngay từ đầu năm 2024, địa phương đã liên tục có nhiều văn bản chỉ đạo đơn vị chức năng, chủ rừng thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về PCCCR; coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong suốt thời kỳ nắng nóng cao điểm về nguy cơ cháy rừng.
Năm nay, thị xã Hồng Lĩnh đầu tư lắp đặt camera giám sát lửa rừng ở 3 vị trí, gồm: đường lên chùa Long Đàm - Thiên Tượng và rừng trên địa bàn phường Đức Thuận; đường lên chùa Hang và rừng trên địa bàn phường Nam Hồng; đường lên Suối tiên - hồ Thiên Tượng và rừng trên địa bàn phường Bắc Hồng.
Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh cho biết, đơn vị tập trung bám sát chỉ đạo của cấp trên, chủ động triển khai các phương án bảo vệ rừng - PCCCR. Trong đó chú trọng công tác tuyên truyền, thực hiện phương án "4 tại chỗ"; tiếp tục tăng cường lực lượng trực gác, giám sát người ra vào rừng, phát hiện sớm các điểm phát lửa để kịp thời khống chế, dập tắt đám cháy.
"Chúng tôi luôn xác định công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm về PCCC rừng cho người dân là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi nên đã chủ động phối hợp triển khai sớm, liên tục. Qua đó, tạo chuyển biến tích cực cả về nhận thức lẫn hành động cho mọi tầng lớp nhân dân, góp phần bảo vệ rừng tốt hơn trong mùa nắng nóng", lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh cho hay.