Liệu pháp tiêu sợi huyết(TSH) cho bệnh nhân nhồi máu não (NMN) cấp được xem là điều trị quy chuẩn số một trên toàn thế giới, được áp dụng lần đầu tiên tại Mỹ vào năm 1996. Ở Việt Nam được áp dụng vào năm 2006 tại Bệnh viện Nhân dân 115, Thành phố Hồ Chí Minh, đến năm 2009 áp dụng tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. Còn tại Hà Tĩnh liệu pháp TSH được áp dụng từ năm 2015 tại Bệnh viện đa khoa tỉnh. Đến nay, bệnh viện đa khoa tỉnh đã cứu sống và phục hồi chức năng cho hàng trăm bệnh nhân NMN cấp bằng liệu pháp TSH.
Bác sĩ Nguyễn Xuân Thái, Phó khoa Cấp cứu chống độc, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Từ năm 2014 trở về trước, tại Hà Tĩnh khi chưa áp dụng được liệu pháp TSH thì đa số bệnh nhân bị đột quỵ do NMN cấp đều bị tàn phế suốt đời hoặc bệnh nặng có thể dẫn đến tử vong. Từ tháng 3/2015 bệnh viện đa khoa tỉnh đã áp dụng thành công liệu pháp TSH, đến nay đã cứu sống và phục hồi chức năng cho hơn 100 bệnh nhân đột quỵ do NMN cấp. Liệu pháp TSH có hiệu quả mở thông được mạch máu não bị tắc, cải thiện khiếm khuyết thần kinh, giảm tàn tật và tăng khả năng phục hồi vận động của bệnh nhân sau đột quỵ do NMN cấp, nhưng muốn có tác dụng thì phải sử dụng trong vòng 3 giờ(giờ vàng) kể từ khi có triệu chứng đầu tiên của đột quỵ do NMN, dùng thuốc càng sớm thì khả năng thành công càng cao.
Bệnh nhân Nguyễn Thích, 56 tuổi, ở xã Kim Lộc, huyện Can Lộc là một trong rất nhiều bệnh nhân vào viện sớm trong giờ vàng nên anh đã được cứu sống nhờ liệu pháp TSH. Chị Thái Thị Thuận, người nhà của anh Thích chia sẽ: “Anh rất khỏe mạnh, đi lao động bình thường, nhưng tự nhiên ngày 4/4 đang ăn cơm sáng thì thấy anh kêu mệt, lên cơn co giật, miệng méo, nói khó, nữa người bên trái không cử động được. Gia đình đã vội vã đưa anh đến bệnh viện đa khoa tỉnh, nhờ các y, bác sỹ cấp cứu kịp thời nên đã tai qua nạn khỏi. Mới được 3 ngày nhưng sức khỏe của anh tiến triển rất tốt, nữa người bên trái đã được hồi phục, anh đã đi lại, nói chuyện, ăn uống bình thường. Gia đình rất vui mừng, hài lòng trước tinh thần thái độ phục vụ và chuyên môn của đội ngũ y, bác sĩ bệnh viện”.
Bệnh nhân Nguyễn Thích khi vào điều trị trong tình trạng lên cơn co giật, miệng méo, nói khó, liệt nữa người bên tráí, nhưng nhờ đến sớm trong giờ vàng và được điều trị bằng liệu pháp tiêu sợi huyết nên anh đã nói chuyện, đi lại bình thường.
PGS.TS Tạ Mạnh Cường, Trưởng đơn vị cấp cứu và Hồi sức tích cực tim mạch, Phó Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội nhận định: "Thời gian qua Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh triển khai điều trị liệu pháp TSH rất tốt, các bệnh nhân bị Nhồi máu não, Nhồi máu cơ tim được dùng thuốc kịp thời, tận dụng được "giờ vàng" trong điều trị, góp phần cứu sống và phục hồi chức năng cho các bệnh nhân. Đây là liệu pháp điều trị mà nhiều bệnh viện tuyến tỉnh chưa triển khai được. Mong rằng trong thời gian tới nhiều bệnh viện tuyến tỉnh trong toàn quốc cũng triển khai được liệu pháp này như bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai thành công".
Đột quỵ do nhồi máu não có xu hướng trẻ hoá
Từ năm 2015 đến nay có khoảng trên 2.000 bệnh nhân đột quỵ do NMN cấp vào điều trị tại bệnh viện đa khoa tỉnh, nhưng chỉ có 5 đến 10% số bệnh nhân đến trong giờ vàng được cứu sống, phục hồi chức năng, số bệnh nhân còn lại đến quá muộn nên hậu quả để lại di chứng tàn phế suốt đời hoặc bệnh nặng có thể dẫn đến tử vong. Nguyên nhân do hầu hết người dân thiếu thông tin về bệnh đột quỵ do NMN cấp và "giờ vàng" trong điều trị đột quỵ do NMN. Trước đây đột quỵ do NMN thường xảy ra ở người già trên 60 tuổi, nhưng thời gian gần đây đột quỵ do NMN có xu hướng gia tăng và ngày càng trẻ hóa. Trong số bệnh nhân đột quỵ do NMN đến điều trị tại bệnh viện đa khoa tỉnh thì có từ 30 đến 40% ca dưới 60 tuổi.
Bác sĩ Thái cho biết thêm: Sau đột quỵ do NMN cứ một phút trôi qua sẽ có khoảng 2 triệu tế bào não chết đi, vì thế với bệnh nhân đột quỵ do NMN, thời gian là vàng nên khi thấy có một trong các dấu hiệu sau: tê nửa người, một tay hoặc nửa mặt; yếu (hoặc động tác vụng về, cảm giác nặng nề) nửa người, một tay hoặc nửa mặt; nói khó hoặc khó hiểu lời nói; nhìn mờ hoặc mù; chống mặt hoặc mất thăng bằng; đau đầu một cách bất thường(có thẻ kèm nôn và buồn nôn); méo miệng, thì cần nhanh chống gọi cấp cứu 115, không nên trì hoãn và gọi số điện thoại 02393699115 của Khoa cấp cứu chống độc, bệnh viện đa khoa tỉnh để được tư vấn, hướng dẫn miễn phí, phục vụ 24/24h, đồng thời nên đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế có khả năng điều trị chuyên sâu trong vòng ít nhất 3 giờ đầu để được điều trị tối ưu.
Tuy nhiên, trong thời gian chờ đợi tại nhà, người thân có thể tiến hành sơ cứu bằng cách: đặt bệnh nhân ở tư thế nằm, có thể nằm gối cao 30-45 độ; nới rộng quần áo thông thoáng, quan sát xem bệnh nhân thở như thế nào, màu da như thế nào. Trường hợp bệnh nhân có nôn thì nên xoay mặt, nghiêng người bệnh nhân sang một bên tránh để nuốt chất nôn và gây sặc. Đặc biệt lưu ý không đưa các thức ăn đồ uống gì vào bệnh nhân dễ gây sặc.
Nguyên nhân của bệnh đột quỵ do NMN cấp là do: tăng huyết áp, các bệnh lý về tim, rối loạn lipid máu. Ngoài ra, NMN cấp gây ra ở bệnh nhân đái tháo đường, béo phì, nghiện thuốc lá, rượu bia và ít hoạt động thể lực. Vào mùa lạnh NMN tăng nhiều, vì thế để tránh bị NMN trong thời tiết lạnh giá, người dân cần giữ ấm, tránh để cơ thể lạnh đột ngột; khám sức khỏe định kỳ là điều quan trọng của việc điều trị dự phòng để kiểm soát tốt đường huyết, mỡ máu, đường máu; thay đổi lối sống như bỏ thuốc lá, kiêng bia rượu, luyện tập thể dục, thể thao đều đặn; thực hiện chế độ ăn nhiều rau xanh, hạn chế đạm, giảm muối. Đối với bệnh nhân được cứu sống sau NMN, ngoài thực hiện các khuyến cáo trên cần uống thuốc đều đặn theo đơn của bác sĩ, không bỏ thuốc đột ngột để phòng tránh tái phát đột quỵ não. Bác sĩ Thái cũng nhấn mạnh: hiện nay trên toàn tỉnh chỉ có duy nhất Bệnh viện tỉnh mới có khả năng điều trị cho bệnh nhân NMN cấp, nhưng với trường hợp đến trước 3 giờ đầu(từ khi bệnh nhân có triệu chứng nhồi máu não cho đến khi nhập viện) thì khả năng phục hồi cao, giảm các di chứng tàn phế.