Hà thủ ô đỏ là một loài cây dược liệu được đánh giá cao nhất trong nền y học cổ truyền. Loài cây dây leo có lá hình quả tim và nhiều tên gọi khác nhau. Nhưng tên được gọi phổ biến nhất là He shou wu (ông Hà tóc đen).
Truyền thuyết
Cái tên Trung Quốc này liên quan đến một truyền thuyết với ông Hà. Thuở còn trẻ, ông Hà đã cố gắng để có con nhưng đều thất bại. Do chán chường nên ông lao vào rượu chè. Rượu đã bào mòn sự tráng kiện và còn khiến mái tóc của Hà sớm bạc, mặc dù vẫn đang ở tuổi thanh niên. Khi ở tuổi ngũ tuần, một đêm sau khi say xỉn, ông tỉnh dậy và sửng sốt khi thấy có 2 cái dây leo quấn ở trên đầu. Sau đó, mỗi ngày ông lại nhấm nháp một ít củ của loại cây này. Điều kỳ diệu đã xảy đến: từ cơ thể ốm yếu suy nhược vì rượu, ông đã chuyển sang cường tráng, tuổi xuân thanh niên phơi phới đã trở về. Sau đó, ông Hà làm đám cưới với một bà góa trong làng và họ có con với nhau; mái tóc hoa râm của ông Hà đã đen trở lại...
Hà thủ ô thường được bán ở dạng khô và xắt lát. Dùng loại củ có màu đỏ nâu là tốt nhất.
Không biết thực hư câu chuyện cổ tích này là như thế nào, nhưng đến nay người đương thời vẫn dùng củ Hà thủ ô đỏ với niềm tin mãnh liệt rằng nó có thể giúp họ trị căn bệnh “bất lực”, cơ thể suy nhược, tóc hoa râm và những triệu chứng bệnh có liên quan đến hiện tượng lão hóa sớm. Từ lâu, hà thủ ô đỏ được tin là một loại thuốc trường thọ, nó mang lại sức khỏe, tuổi thanh xuân và năng lượng viên mãn cho người sử dụng.
Dùng như thế nào?
Thông thường củ cây hà thủ ô càng già thì dược tính y học càng cao. Các tài liệu y học xưa của Trung Hoa đã tuyên bố rằng những củ hà thủ ô hàng trăm tuổi có những dược tính y học cực kỳ thần diệu. Theo danh y đời Minh - Lý Thời Trân, nếu ăn một củ hà thủ ô đỏ khoảng 150 tuổi sẽ giúp người ta mọc răng mới. Nếu ăn củ hà thủ ô 200 tuổi sẽ khiến con người có sức dẻo dai, bật khỏe như ngựa. Nhưng nếu ăn hà thủ ô 300 tuổi sẽ khiến con người sống ngang bằng tuế nguyệt. Thế nhưng, đa phần hà thủ ô trồng lấy củ làm thuốc trong thời đại hôm nay chỉ khoảng 3, 4 tuổi. Mặc dù chúng không sở hữu năng lượng để khiến con người trở nên bất tử, nhưng chúng vẫn có giá trị y học. Củ hà thủ ô có thành phần giàu chất sắt, kẽm và các chất chống ôxy hóa. Một số người bán nguyên liệu ở dạng sống, song thường khi chế biến củ hà thủ ô với nước đậu đen hầm nhằm làm cho thuốc phát huy dược tính trị bệnh tối đa. Ngoài ra, hà thủ ô đỏ được bán ở dạng các lát khô, ở dạng bột, thuốc hoàn viên hay rượu thuốc.
Bạn có thể dùng đơn độc củ hà thủ ô hay kết hợp dùng nó với các dạng thảo dược khác để trị các chứng bệnh khác nhau. Hà thủ ô có lợi cho người bệnh có dấu hiệu của chứng thận hư, suy nhược dương khí, lưng đau, gối mỏi, hoa mắt chóng mặt và trí nhớ kém. Hà thủ ô cũng giúp nâng cao hệ miễn dịch và chức năng tuyến thượng thận, giảm các triệu chứng mãn kinh, mất ngủ và mệt mỏi. Nó cũng giúp chống vi khuẩn và kháng nấm, dùng để trị nhiều chứng bệnh về da chẳng hạn như mụn trứng cá, chàm... Hà thủ ô cũng làm giảm lượng cholesterol, phòng chống ung thư và bệnh Alzheimer, quan trọng hơn là tăng cường khả năng sinh sản và làm đen tóc.
Cũng giống như các cây thuốc bổ khác, muốn đạt hiệu quả trị bệnh cao thì bạn phải dùng củ hà thủ ô lâu dài, qua từng tháng năm để nhìn thấy những tác dụng chống lão hóa kỳ diệu của nó. Theo truyện xưa, ông Hà đã ăn củ hà thủ ô suốt 700 ngày để có thể làm cha của đứa con đầu tiên. Tuy nhiên, nếu bạn lạm dụng dùng liều lượng lớn củ hà thủ ô với suy nghĩ nhanh đạt kết quả thì sẽ phản tác dụng ghê gớm. Nhìn chung, củ hà thủ ô không độc hại, tuy nhiên không phải là không có tác dụng phụ như ngứa ngáy hoặc đi phân lỏng. Thêm nữa, những người có tiền sử bệnh gan cũng không nên dùng củ hà thủ ô. Mỗi ngày nên dùng một liều lượng hà thủ ô vừa phải là 3gram, dùng 3 lần/ngày. Loại dược thảo này có tác dụng an thần nhẹ nên dùng tốt nhất là trước khi bạn đi ngủ.
(Theo Đại kỷ nguyên, 3/2015)
Nguyễn Thanh Hải