Hà thủ ô - dược liệu quý chữa bệnh của người Á Đông

01-05-2022 18:14 | Vị thuốc quanh ta
google news

SKĐS - Hà thủ ô, dược liệu quý dân gian trồng ở châu Á được coi là bài thuốc bổ máu, đen tóc, chữa thận hư thận yếu, sốt rét, giảm mỡ máu, bệnh dạ dày,....

Hà thủ ô: Bổ huyết, cố tinh, đen tóc…Hà thủ ô: Bổ huyết, cố tinh, đen tóc…

SKĐS - Hà thủ ô, tên khoa học: Polygonum multiflorum Thunb. Thuộc họ Rau răm Polygonaceae. Hà thủ ô có 3 công hiệu lớn: Trợ giúp sinh sản, đen tóc, sống lâu.

1. Nguồn gốc của hà thủ ô

Hà thủ ô là dược liệu dân gian quý giá, thường được biết đến với một số tên gọi như dạ hợp, giao đằng,... Dược liệu này có tên khoa học là Fallopia multiflora (thunb) Haraldson, thuộc họ rau Răm, bộ Cẩm Chướng.

Đây là loại thực vật vốn có nguồn gốc từ một số quốc gia châu Á như Ấn Độ, Trung Quốc.

Sau này chúng phổ biến đến nước ta, được trồng rộng rãi ở các tỉnh thành phía Bắc như Hà Giang, Cao Bằng,... Một số tỉnh thành miền Nam nước ta hiện cũng đang trồng hà thủ ô để làm dược liệu chữa bệnh.

Hà thủ ô - dược liệu quý chữa bệnh của người Á Đông - Ảnh 3.

Hà thủ ô - dược liệu quý bổ máu, bổ thận, đen tóc, nhuận tràng, chữa một số bệnh như mỡ máu, dạ dày, sốt rét.

2. Đặc điểm của hà thủ ô

Hà thủ ô là dược liệu sống lâu năm trong tự nhiên, chứa một số đặc điểm nhận biết như sau:

Về thân cây

Hà thủ ô là cây thân thảo mềm, thân có dạng dây leo quấn vào nhau, có màu xanh lục.

Về rễ

Rễ cây hà thủ ô nằm sâu dưới mặt đất, phình to tạo thành củ. Đây chính là bộ phận được người dân thu hoạch để làm thuốc chữa bệnh.

Về lá

Lá cây hà thủ ô có dạng hình tim thuôn dài, nhọn dần về đầu lá, chiều dài khoảng 7-10cm, bề rộng từ 3-5cm. Lá có màu xanh đậm, mặt trên có nhiều gân lá. Do cây có dạng dây leo cho nên các lá cây mọc đâm ra khắp nơi trên thân, cho nên chúng vô cùng um tùm và xanh tốt.

Về hoa

Cây hà thủ ô có khả năng cho ra hoa. Hoa mọc thành từng cụm nhỏ ở đầu ngọn hoặc phía nách lá. Hoa có màu trắng, kích thước nhỏ bé, khi hoa tàn sẽ tạo thành quả, quả có 3 cạnh, vỏ ngoài khô ráp, không tự bung ra khi chín, bên trong có chứa hạt.

3. Thành phần hóa học có trong hà thủ ô

Trong cây hà thủ ô nói chung sẽ chứa đựng những thành phần hóa học có thể kể đến như sau:

  • Anthraglycosid
  • Emodin
  • Physcion
  • Rhein
  • Chrysophanol
  • Protid
  • Tinh bột
  • Lipid
  • Chất vô cơ
  • Tannin

4. Các loại hà thủ ô hiện nay

Hiện nay, có hai loại cây hà thủ ô xuất hiện trong tự nhiên, đó là hà thủ ô đỏ và hà thủ ô trắng. Mỗi loại có những đặc điểm khác nhau, cả về hình dáng và dược tính.

Hà thủ ô đỏ

Là loại cây hà thủ ô được trồng nhiều nhất hiện nay bởi dược tính cao, có nhiều dưỡng chất quan trọng tốt cho sức khỏe con người. Loại thực vật này có tên khoa học là Fallopia multiflora, có tính ôn, vị ngọt hơi đắng, chát. Phần củ của cây khi đào lên có vỏ ngoài màu nâu đen, khi cắt ra bên trong ruột có màu đỏ sẫm vô cùng đặc trưng.

Hà thủ ô - dược liệu quý chữa bệnh của người Á Đông - Ảnh 4.

Hà thủ ô trắng

Hay còn được gọi là cây hà thủ ô nam, mọc trong tự nhiên khá nhiều nhưng ít được người dân trồng rộng rãi như cây thủ ô đỏ do có hàm lượng các chất dinh dưỡng, dược tính thấp hơn. Cây có tên khoa học là Streptocaulon juventas, tính ôn, vị hơi đắng. Phần củ của cây khi đào lên có màu xám trắng, khi cắt ra bên trong ruột có màu trắng ngà, có nhiều bột.

Hà thủ ô - dược liệu quý chữa bệnh của người Á Đông - Ảnh 5.

5. Hà thủ ô có tác dụng gì đối với sức khỏe?

Hà thủ ô đỏ hay trắng thì đều có chứa nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe. Nhờ đó mà loại dược liệu này mang đến những tác dụng có thể kể đến như:

- Hỗ trợ điều trị đau lưng, mỏi gối do thận hư, thận yếu.

- Trị đau đầu, hoa mắt, chóng mặt do thiếu máu.

- Trị râu tóc bạc sớm.

- Hỗ trợ điều trị thận hư, thận yếu, di tinh, sinh lý kém.

- Hỗ trợ điều trị huyết trắng, rối loạn kinh nguyệt, khí hư.

- Giúp điều trị sốt rét, lao hạch, trĩ, xuất huyết,...

- Giúp làm giảm mỡ máu, phòng ngừa cao huyết áp, ngăn ngừa xơ vữa động mạch.

- Hỗ trợ chữa một số bệnh về dạ dày, đường tiêu hóa như kiết lỵ, tiêu chảy, giúp nhuận tràng, thông tiện dễ dàng.

6. Một số bài thuốc sử dụng hà thủ ô chữa bệnh

Hà thủ ô là dược liệu vô cùng quý giá, có nhiều tác dụng đối với sức khỏe người sử dụng. Sau đây là một số bài thuốc dân gian có sử dụng loại dược liệu này để hỗ trợ điều trị một số chứng bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe, bạn có thể tham khảo sau đây:

Bài thuốc chữa mất ngủ

Hà thủ ô đỏ 12g, đan sâm 12g, trân châu 60g, tất cả đem đi sắc thuốc để uống, chia làm 2 lần trong ngày, sử dụng liên tục trong vòng 1 tháng sẽ giúp cải thiện tình trạng mất ngủ, mệt mỏi, cáu gắt,...

Bài thuốc giúp bổ máu, chữa tóc bạc sớm

Hà thủ ô đỏ 12g, bắc sa sâm 12g, quy bản 12g, long cốt 12g, bạch thược 12g. Đem hỗn hợp này đi sắc thành thuốc, chia làm 2 lần uống trong ngày sẽ giúp bổ khí huyết, an thần, giúp phòng ngừa tóc bạc sớm.

Bài thuốc chữa thận yếu, thận hư ở nam và nữ

Hà thủ ô 20g, bạch linh 12g, ngưu tất 12g, đương quy 12g, thỏ ty tử 12g, phá cố chỉ 12g. Đem hỗn hợp này đi sắc thành thuốc, mỗi ngày uống 2 lần sẽ giúp bổ thận, ích tinh, điều trị huyết trắng, khí hư, di tinh, đau lưng, thận yếu ở nam và nữ giới.

Bài thuốc chữa mỡ máu, huyết áp cao

Hà thủ ô 12g, sinh địa 12g, huyền sâm 12g, bạch thược 12g, hạn liên thảo 12g, sa uyển 12g, tật lê 12g, hy thiêm thảo 12g, tang ký sinh 12g, ngưu tất 12g. Đem hỗn hợp này đi sắc thành thuốc để uống hàng ngày sẽ giúp làm giảm mỡ máu, ngăn ngừa cao huyết áp, chóng mặt, ngất xỉu,...

Bài thuốc chữa sốt rét, sốt cao lâu ngày

Hà thủ ô 60g, sài hồ 12g, đậu đen 12g. Đem hỗn hợp này sắc thành thuốc để uống sẽ giúp hạ sốt, điều trị sốt rét.

Hà thủ ô - dược liệu quý chữa bệnh của người Á Đông - Ảnh 7.

7. Tác hại của hà thủ ô nếu lạm dụng sai cách

Mặc dù có chứa nhiều dưỡng chất có lợi đối với sức khỏe người sử dụng. Thế nhưng nếu sử dụng sai cách, loại thảo dược này có thể đem lại những tác dụng phụ không ngờ đến.

Gây rối loạn tiêu hóa, khiến bị tiêu chảy

Trong hà thủ ô khi chưa qua chế biến, mới thu hoạch về sẽ chứa thành phần Anthraglycosid. Đây là hoạt chất có thể gây co bóp đường ruột, tăng tiết chất nhầy trong dạ dày. Vậy nên nếu bạn sử dụng hà thủ ô sống quá nhiều sẽ khiến rối loạn đường tiêu hóa, tăng nguy cơ bị đi ngoài phân lỏng, thậm chí tiêu chảy.

Làm rối loạn mức độ điện giải, khiến tê bì chân tay

Hà thủ ô có tác dụng nhuận tràng rất tốt, vậy nên nếu bạn sử dụng quá nhiều sẽ khiến cơ thể mất khả năng hấp thụ kali, từ đó dẫn đến rối loạn hàm lượng điện giải trong cơ thể. Cơ thể khi đó sẽ cảm thấy như có kiến bò khắp người, tê bì chân tay, chán ăn, mệt mỏi, không còn sức sống.

Gây ngộ độc cho gan, thậm chí là ung thư gan

Nhiều người lạm dụng hà thủ ô đỏ để chữa tóc bạc sớm, rụng tóc. Thế nhưng điều này vô tình đã khiến lá gan bị đầu độc hàng ngày bởi hàm lượng cao loại thảo dược này được hấp thụ trong cơ thể. Thậm chí, đã có một trường hợp người bệnh ở Trung Quốc bị ung thư gan, dẫn đến tử vong chỉ vì đã ăn quá nhiều hà thủ ô trong một thời gian ngắn.

8. Nên kiêng gì khi sử dụng hà thủ ô?

Theo như nhiều tài liệu ghi chép Đông y cổ xưa, khi sử dụng hà thủ ô chúng ta cần kiêng “3 thứ màu trắng”, đó là củ cải, tỏi, hành. Bên cạnh đó nhiều chuyên gia về y học cổ truyền cũng khuyên nên kiêng thêm cả gừng, ớt, hạt tiêu,... Vì tất cả các nguyên liệu kể trên đều có tính nóng, có thể khiến phân tán hết các thành phần dinh dưỡng trong hà thủ ô, khiến cho việc sử dụng dược liệu này để chữa bệnh, làm đen tóc không mang lại hiệu quả.

9. Uống hà thủ ô bao lâu thì đen tóc

Theo như nhiều chuyên gia nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc uống hà thủ ô thường xuyên và đúng liều lượng trong vòng từ 6 tháng đến 1 năm có thể giúp cải thiện tình trạng bị tóc bạc sớm, khiến cho mái tóc có cơ hội đen bóng trở lại như trước kia. Tuy nhiên, thời gian đen tóc trở lại còn phụ thuộc nhiều vào cơ địa, độ tuổi sử dụng thuốc, thói quen sinh hoạt,... Do đó mà bạn cần phải rất kiên nhẫn sử dụng dược liệu này mới có thể đen tóc trở lại.

10. Uống hà thủ ô có nóng không?

Hà thủ ô là vị thuốc có tính ôn, vậy nên khi uống vào sẽ cảm thấy hơi nóng. Đó chính là lý do tại sao bạn phải kiêng các loại thực phẩm hoặc gia vị có tính cay nóng như: tỏi, gừng, ớt, hạt tiêu,... khi sử dụng loại dược liệu này. Bởi chúng sẽ khiến mất đi tác dụng chữa bệnh của thuốc khi uống.

11. Ngâm rượu hà thủ ô như thế nào?

Để có thể ngâm rượu hà thủ ô đúng cách, bạn hãy tham khảo như sau:

Nguyên liệu

- Hà thủ ô đỏ: 1,5kg

- Đậu đen: 0,5kg

- Rượu trắng: 6-8 lít (loại 40 độ)

- Nước vo gạo

Hà thủ ô - dược liệu quý chữa bệnh của người Á Đông - Ảnh 8.

Các bước ngâm rượu

- Đầu tiên, hà thủ ô khi mua về cần phải được rửa sạch, sau đó để khô ráo rồi thái thành từng lát mỏng. Ngoài ra bạn cũng có thể mua hà thủ ô phơi khô được bán sẵn cũng được.

- Tiếp theo, bạn đem ngâm các lát hà thủ ô với nước vo gạo để loại bỏ bớt vị chát của dược liệu. Thay nước vo gạo khoảng 2 lần/ngày để tránh nước bị lên men có thể phá hỏng dược tính của thuốc. Ngâm trong khoảng 2-3 ngày.

- Kế đến, bạn rang đậu đen sơ qua cho có mùi thơm là được. Sau đó đổ đậu đen và hà thủ ô vào bình thủy tinh, rồi bạn cho nốt rượu trắng vào để ngâm. Ngâm trong vòng 3-6 tháng là có thể sử dụng được rồi.

Người bệnh đái tháo đường có nên ăn xoài?


Hoàng Dương
Ý kiến của bạn