Hà thủ ô có 2 loại là hà thủ ô đỏ và hà thủ ô trắng, mỗi loại đều có đặc điểm riêng biệt, bạn đọc có thể tham khảo dưới đây:
Tác dụng của hà thủ ô đỏ
Tên khoa học của Hà thủ ô đỏ là Polygonum multiflorum thuộc họ Rau răm (Polygonaceae), tên gọi khác là Dạ hợp, Giao đằng.
Mô tả: Hà thủ ô đỏ thuộc dạng dây leo bằng thân quấn, cây sống lâu năm, thân cây mọc xoắn vào nhau, rễ củ có dạng gần giống củ khoai lang, màu nâu đỏ. Lá cây mọc so le, gốc lá có dạng hình tim. Cụm hoa mọc ở kẽ lá hoặc ngọn cành tạo thành chùy, hoa có kích thước nhỏ, màu trắng. Quả 3 cạnh, bề ngoài nhẵn bóng.
Trước đây, nguồn dược liệu hà thủ ô đỏ ở nước ta tương đối phong phú, dồi dào. Tuy nhiên, trải qua nhiều năm khai thác liên tục, nên khu vực phân bố của loài này ngày càng thu hẹp. Hà thủ ô đỏ đã được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam (1996) để có biện pháp bảo tồn và phát triển nguồn gen.
Về tác dụng: Rễ của cây hà thủ ô đỏ có tác dụng bổ máu, trị ngủ kém, thần kinh suy nhược, thận suy, sốt rét kinh niên, gan yếu, táo bón, đại tiểu tiện ra máu, da mẩn ngứa không có ngủ. Hà thủ ô đỏ nổi tiếng với công dụng giúp "đen tóc, đỏ da", giảm tình trạng tóc bị bạc sớm, khô xơ hay gãy rụng.
Hà thủ ô trắng có tác dụng gì?
Tên khoa học của Hà thủ ô trắng là Streptocaulon juventas (Lour.) Merr. Tên gọi khác của loài cây này là dây sữa bò, củ vú bò.
Mô tả: Hà thủ ô trắng thuộc dạng thân leo bằng thân quấn, chiều dài lên đến hàng mét. Thân cây có màu đỏ sẫm hoặc màu nâu nhạt, phủ nhiều lông. Lá cây mọc đối, phiến lá có dạng hình trứng ngược, nhiều lông. Cụm hoa mọc ở kẽ lá thành xim phân đôi, hoa có kích thước nhỏ, màu vàng nâu, đài 5 răng, tràng hình chuông 5 cánh hình mác. Quả 2 đại, mọc tỏa ra nhìn giống như sừng bò. Một điểm cần đặc biệt lưu ý là toàn cây của Hà thủ ô trắng có chứa nhựa mủ trắng.
Tại nước ta, cây phân bố chủ yếu ở các tỉnh miền núi, đôi khi còn thấy ở một số tỉnh đồng bằng, hà thủ ô trắng tái sinh tự nhiên chủ yếu từ hạt, cây ra hoa quả nhiều hàng năm.
Về tác dụng: Rễ của cây hà thủ ô trắng khi dùng sống có tác dụng thanh nhiệt, dùng trong trường hợp cảm sốt, sốt rét, sốt nóng, ra nhiều mồ hôi, ít sữa. Lá cây dùng trong trường hợp đái rắt, đái buốt.
Phân biệt hà thủ ô đỏ và hà thủ ô trắng
Hà thủ ô trắng sau khi chế biến dùng liều tương tự như hà thủ ô đỏ. Cả 2 vị thuốc đều được dùng phổ biến trong Y học cổ truyền, đều có tác dụng kích thích ăn ngon, tăng cường miễn dịch,...
Hà thủ ô từ lâu đã được biết đến với công dụng cải thiện tình trạng tóc bạc sớm, tuy nhiên, loại dược liệu được nhắc đến ở đây là hà thủ ô đỏ. Tại nước ta có 2 loài khác nhau cùng có tên gọi là hà thủ ô nhưng lại có những tác dụng khác biệt rõ rệt. Điều này có thể dẫn đến sự nhầm lẫn trong quá trình nhận dạng dược liệu cũng như sử dụng dược liệu không đúng mục đích, gây ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng.
Hà thủ ô đỏ hiện nay tương đối hiếm gặp, do đó, ở nhiều nơi, nhân dân mới chỉ biết đến sự tồn tại của cây Hà thủ ô trắng. Đây là 2 loài khác biệt từ đặc điểm thực vật đến công dụng. Dưới đây là một số đặc điểm phân biệt 2 loại Hà thủ ô để giúp bạn đọc sử dụng một cách hiệu quả:
Họ thực vật
Tên khoa học của Hà thủ ô đỏ là Fallopia multiflora (Thunb.) Haraldson, thuộc họ Rau răm (Polygonacae).
Tên khoa học của Hà thủ ô trắng là Streptocaulon juventas (Lour.) Merr., thuộc họ Thiên lý (Asclepiadaceae).
Đặc điểm thực vật
Hà thủ ô đỏ:
- Thân cây mềm, nhẵn, không có mọc, mọc xoắn vào nhau.
- Rễ cây phình thành củ gần giống như củ khoai lang, có màu nâu đỏ.
- Lá cây mọc so le, phiến lá có dạng hình mũi tên, gốc hình tim.
- Cụm hoa mọc thành chùy, hoa có kích thước nhỏ, màu trắng.
- Quả hình 3 cạnh, nhẵn bóng.
Hà thủ ô trắng:
- Thân cây có dạng màu đỏ sẫm hay màu nâu nhạt, ít phân nhánh, có phủ lông đặc biệt là phần ngọn non.
- Rễ cây phình lên giống như củ sắn.
- Lá cây mọc đối, phiến lá có dạng hình trứng ngược.
- Cụm hoa mọc thành xim ở kẽ lá, hoa có màu vàng nâu.
- Quả đại, mọc tỏa ra gần giống như cái sừng bò. Hạt nhỏ, có một chùm lông trắng mịn.
- Toàn cây có nhựa mủ trắng.
Bộ phận dùng
Bộ phận dùng của Hà thủ ô đỏ là phần rễ củ có dạng gần giống như củ khoai lang, bề mặt có nhiều chỗ lồi lõm, mặt ngoài có màu nâu đỏ. Lớp vỏ ngoài bần có màu nâu sẫm, bên trong có màu nâu hồng, nhiều bột. Hà thủ ô đỏ đã chế biến có màu nâu, mùi thơm đặc trưng.
Bộ phận dùng của Hà thủ ô trắng là phần rễ củ gần giống như củ sắn, mặt ngoài màu trắng xám. Thịt trắng, có lõi gỗ to ở chính giữa, nhiều nhựa mủ trắng. Hà thủ ô trắng sau khi chế có màu trắng đục. Ngoài ra còn dùng lá Hà thủ ô trắng để làm thuốc.
Công dụng
Hà thủ ô đỏ có tác dụng bổ máu, làm đen tóc, ngăn ngừa tình trạng tóc bạc sớm, dùng trong trường hợp suy nhược cơ thể, đau lưng mỏi gối, di mộng tinh, giải độc.
Hà thủ ô trắng có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, dùng trong trường hợp cảm sốt, sưng đau, bị thương, phụ nữ sau sinh ít sữa. Lá dùng để chữa đái rắt. Rễ hoặc lá dùng để nhai nuốt nước, bã đắp khi bị rắn cắn.
Lưu ý khi sử dụng
Không dùng Hà thủ ô đỏ cho người huyết áp thấp, người đường huyết thấp. Trong quá trình sử dụng kiêng ăn hành, tỏi, cải củ.
Không dùng Hà thủ ô trắng cho người hư yếu, tạng lạnh. Trong quá trình sử dụng cần kiêng ăn tiết canh lợn, hành tỏi, cá, rau cải, lươn.
Trên đây là các đặc điểm giúp bạn đọc có thể dễ dàng phân biệt được 2 loại dược liệu là Hà thủ ô đỏ và Hà thủ ô trắng.
Tin tài trợ