Hà Nội

Hạ thân nhiệt cứu sống bệnh nhân ngừng tuần hoàn sau cơn đau ngực

20-08-2016 15:45 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Các bác sĩ khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực (BV ĐH Y Hà Nội) vừa cứu sống một bệnh nhân ngừng tuần hoàn trước khi đến BV bằng kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy. Đây là kỹ thuật mới được áp dụng tại BV giúp tăng thêm cơ hội sống cho người bệnh mà không để lại di chứng đáng tiếc.

Bất tỉnh sau cơn đau nhói ngực

Ông Đỗ Quang T. (57 tuổi, sống tại Nam Từ Liêm, Hà Nội) bất ngờ lên cơn đau ngực tại nhà vào khoảng 2h chiều ngày 8/8/2016, đến 4h chiều cùng ngày ông T mới nói gia đình đưa vào viện. Gia đình đã nhanh chóng đưa đi cấp cứu tại BV ĐH Y Hà Nội bằng xe taxi. Gần đến viện gia đình gọi hỏi ông đã không biết gì.

Bệnh nhân đang được hạ thân nhiệt chỉ huy

BS. Vũ Việt Hà, Khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực cho biết: Ngay khi xe taxi chở bệnh nhân vừa đến BV, các nhân viên khoa đã đưa cáng ra đón và phát hiện bệnh nhân ngừng tuần hoàn và đã tiến hành ép tim ngay lập tức khi đưa bệnh nhân từ xe ra cáng. Ê-kíp cấp cứu đã tiến hành ngay ép tim ngoài lồng ngực, bóp bóng, sốc điện phá rung, dùng thuốc xylocain. Sau 20 phút cấp cứu liên tục bệnh nhân đã có tuần hoàn trở lại. BN tiếp tục được đặt ống nội khí quản, thở máy, các bác sĩ tiếp tục tìm nguyên nhân ngừng tuần hoàn.

Kết quả điện tim cho thấy, BN bị nhồi máu cơ tim trước rộng. Tiếp theo BN được chỉ định dùng thuốc chống đông, chống ngưng tập tiểu cầu và được chụp mạch vành ngay trong giờ đầu tiên vào viện. Kíp chụp mạch vành do PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu, ThS. Đoàn Đức Dũng, ThS. Lê Văn Tú  đã chụp mạch vành cho thấy BN bị tắc hoàn lỗ vào động mạch vành trái do huyết khối (LAD), BN được hút huyết khối và đặt 1 stent.

Can thiệp tái thông mạch vành thành công, có thể bệnh nhân sẽ sống được, nhưng não của bệnh nhân có giữ được chức năng hay không thì chưa có câu trả lời. Vì sau 6 phút ngừng tuần hoàn, não có thể bị tổn thương không hồi phục. Đây là điều làm các bác sĩ hồi sức cấp cứu trăn trở.

Các bác sĩ BV ĐH Y Hà Nội đã xin ý kiến hội chẩn của PGS.TS. Nguyễn Đạt Anh, Trưởng Bộ môn Hồi sức Cấp cứu, Trưởng khoa Cấp cứu A9 (BV Bạch Mai), PGS. Đạt Anh khuyên nên làm hạ thân nhiệt chỉ huy sớm để bảo vệ não cho BN. Ngay sau đó một kíp bác sĩ, kỹ thuật viên của khoa Cấp cứu A9, cùng với máy đã được huy động sang hỗ trợ đặt máy và hướng dẫn theo dõi, sử dụng máy hạ thân nhiệt cho BN. Nhiệt độ trung tâm của bệnh nhân được hạ xuống đến đích là 33 độ C (thân nhiệt bình thường là 37 độ C) với mục đích bảo vệ não bộ, tránh phù não, bảo vệ tế bào não tránh bị hủy hoại do BN thiếu oxy do ngừng tuần hoàn.

Bệnh nhân tiếp tục hồi sức tích cực sau 48 giờ hạ thân nhiệt chỉ huy

Sau 8 ngày hồi sức tích cực tại khoa Cấp cứu-Hồi sức tích cực BN đã tỉnh táo hoàn toàn, dừng thuốc nâng huyết áp, bỏ máy thở hỗ trợ, rút ống nội khí quản, sức khỏe ổn định, nói chuyện bình thường…không có bất cứ di chứng thần kinh nào.

Theo TS.BS. Hoàng Bùi Hải, Trưởng khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực, trường hợp BN T. bị ngừng tuần hoàn trước khi đến viện do nhồi máu cơ tim hồi phục hoàn toàn như thế này là rất may mắn, khi thời gian ngừng tuần hoàn không xác định được. Nhưng ở đây phải kể đến sự phối hợp nhuần nhuyễn kỹ thuật cấp cứu ngừng tuần hoàn cơ bản chất lượng cao của đội ngũ nhân viên tiếp cận ban đầu, cùng với sự nỗ lực của toàn bộ kíp cấp cứu, hồi sức tích cực cùng với sự hợp tác chặt chẽ kịp thời của các bác sĩ chuyên khoa tim mạch và đặc biệt là sự hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật hạ thân nhiệt từ khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai. BS. Hoàng Bùi Hải cũng cho biết thêm đây là lần thứ 2, khoa Cấp cứu A9 hỗ trợ khoa tiến hành kỹ thuật này, lần trước cho một bệnh nhân nam 40 tuổi bị ngừng tuần hoàn do nhồi máu cơ tim bình phục hoàn toàn ra viện sau 10 ngày.

Kỹ thuật “ngủ đông”

Theo ThS.Bs. Nguyễn Hữu Quân, Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai hạ thân nhiệt là kỹ thuật được khuyến cáo dùng để bảo vệ não cho những BN ngừng tuần hoàn, bởi lúc này não thiếu oxy nuôi dưỡng dẫn đến bị phù, nếu như không có cách bảo vệ não tốt thì BN nguy cơ tử vong cao. Hoặc nếu được cứu sống thì thường bị di chứng như: sa sút trí tuệ, hôn mê nằm tại chỗ, sống thực vật. Kỹ thuật hạ thân nhiệt giống như cho BN “ngủ đông” để giảm quá trình chuyển hóa của não, giúp tế bào não chịu đựng được tốt hơn tình trạng thiếu oxy não.

Trong quá trình hạ thân nhiệt cho BN, cần phải theo dõi sát sao, liên tục kiểm tra các thông số để phát hiện sớm các biến cố có thể xảy ra như: BN bị rối loạn nhịp tim, tụt huyết áp, rối loạn điện giải… Sau 24 giờ hạ thân nhiệt và duy trì ổn định thân nhiệt cho BN, sau đó là quá trình nâng thân nhiệt duy trì ở mức tăng 0,15độ/giờ, và không tăng quá nhanh vì có thể gây các biến chứng như bị rối loạn nhịp tim và BN có thể ngừng tuần hoàn trở lại. Hiện tại, hạ thân nhiệt chỉ huy chủ yếu được áp dụng để bảo vệ não cho các BN ngừng tuần hoàn. Bên cạnh đó, kỹ thuật này cũng được khuyến cáo có thể dùng cho các BN bị chấn thương sọ não nặng, phù não nặng nhằm giảm áp lực trong não.

Bệnh nhân hồi phục hoàn toàn và có thể giao tiếp bình thường sau 8 ngày

Cẩn trọng với các cơn đau tức ngực

TS.BS. Hoàng Bùi Hải cho biết, thời gian gần đây có nhiều người vào viện, thì được phát hiện đã ngừng tuần hoàn trước khi đến viện. Thời gian ngừng tuần hoàn đã lâu nên cơ hội cứu sống bệnh nhân là gần như không có. Và đặc biệt kiến thức về phát hiện và xử trí ngừng tuần hoàn của người đi cùng bệnh nhân chưa cao.

BS. Hải cho biết thêm, nếu phát hiện một người bị đột ngột hôn mê, ngừng thở hoặc thở ngáp và không có mạch cảnh thì được xem như ngừng tuần hoàn, chỉ có 10 giây tối đa để xác định, ngay lập tức người chứng kiến vừa gọi người đến hỗ trợ, vừa ép tim cho nạn nhân: người cấp cứu đặt 2 tay mình chồng lên nhau ở giữa ngực, ấn xuống thật nhanh với tần số 100-120 lần/phút, ấn thật mạnh đến mức ngực lún được 5-6cm, kéo tay lên để ngực nở ra tối đa sau đó lại ấn, sau khi ép tim được 30 lần thì để ngửa cổ nạn nhân tối đa hít một hơi thật sâu, tay bịt mũi nạn nhân và thổi một hơi thật mạnh vào miệng bệnh nhân, thổi liên tiếp 2 lần và tiếp tục ép tim. Không nên gián đoạn việc ép tim, nếu ngừng ép tim càng nhiều thì khả năng hồi phục tuần hoàn càng thấp. Ép tim liên tục cho đến khi có đội cấp cứu ngoại viện đến mang theo máy sốc điện, thuốc, vật tư cần thiết khác. Chỉ đưa nạn nhân vào bệnh viện khi tuần hoàn đã được tái lập. Vì khi vận chuyển bằng ô tô không chuyên dụng, xe máy…rất khó để hoàn thành tốt việc ép tim chất lượng cao được.


Dương Hải
Ý kiến của bạn