1. Vì sao sốt khi mang thai?
Sốt là dấu hiệu thể hiện hệ thống miễn dịch đang hoạt động để bảo vệ cơ thể chống lại nhiễm trùng. Điều tương tự cũng đúng với sốt ở phụ nữ mang thai vì hệ thống miễn dịch của cơ thể cần làm việc chăm chỉ hơn để giữ an toàn cho mẹ và em bé.
Thân nhiệt của phụ nữ mang thai có xu hướng tăng hơn bình thường, nhưng khi cao hơn 37,5 độ C được gọi là sốt.
Ngoài ra, khi mang thai, hệ miễn dịch phải chịu trách nhiệm bảo vệ cho cả hai mẹ con. Tuy nhiên, đôi lúc hệ miễn dịch này suy yếu và dễ khiến thai phụ nhiễm các loại vi khuẩn (hoặc virus) gây bệnh, từ đó sinh ra sốt.
Nguyên nhân gây sốt khi mang thai có thể do virus (cúm), vi khuẩn (nhiễm trùng đường tiết niệu, nhiễm trùng hô hấp...).
2. Một số biến chứng nguy hiểm của sốt trong thai kỳ
2.1. Sốt có thể gây sẩy thai
Mất thai hoặc sẩy thai xảy ra trong khoảng 20 tuần đầu thai kỳ. Sốt không gây ra mất thai, nhưng sốt có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng. Nhiễm trùng có nguy cơ gây mất thai.
2.2. Ảnh hưởng của sốt đối với thai nhi
Bất thường bẩm sinh: Sốt trong ba tháng đầu của thai kỳ có thể làm tăng nguy cơ bé bị sứt môi, dị tật tim bẩm sinh và dị tật ống thần kinh từ 1,5 đến 3 lần. Tuy nhiên, theo kết quả của một số nghiên cứu, hiện tại vẫn chưa có đủ bằng chứng để xác nhận bất kỳ mối liên hệ trực tiếp nào giữa sốt và bất thường bẩm sinh.
Tự kỷ: Có mối liên hệ giữa sốt ở mẹ trong giai đoạn thai kỳ và trẻ mắc tự kỷ, đặc biệt là ở 3 tháng giữa thai kỳ.
Khi đang trong thai kỳ, việc bà bầu bị sốt có nguy cơ gây nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi.
3. Điều trị sốt ở phụ nữ mang thai
3.1. Điều trị không dùng thuốc
Tắm hoặc lau người bằng nước ấm: Sử dụng nước ấm để tắm hoặc lau người cũng có khả năng hạ sốt cho bà bầu.
Chườm khăn lên trán: Chườm ấm lên trán cũng có thể hạ sốt nhanh và an toàn nhưng cần thực hiện đúng cách.
Uống nhiều nước: Sốt cao có thể khiến phụ nữ mang thai mất nước. Do đó, bà bầu bị sốt nên bổ sung nước, ăn các món dạng lỏng (canh, súp hay cháo), uống nước cam hay chanh…
Nghỉ ngơi nhiều: Khi sốt, phụ nữ mang thai cần ngủ đủ 8 tiếng một ngày; nên nghỉ ngơi tại giường, tránh đi lại; bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng trong các bữa ăn; mặc quần áo thoáng mát, thoải mái, cần tránh mặc quần áo dày, nhiều lớp để không bị khó chịu, bứt rứt…
3.2. Dùng thuốc hạ sốt ở phụ nữ mang thai thế nào?
Thuốc giảm đau hạ sốt:
- Paracetamol (acetaminophen) được xem là loại thuốc an toàn nhất để hạ sốt cho bà bầu ở liều điều trị, không có tác động gây nghiện như opioid, cũng không gây ức chế đông máu và không có tác dụng phụ cho dạ dày.
Tuy nhiên, paracetamol có thể vượt qua nhau thai và gây ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi. Có nghiên cứu cho rằng, sử dụng paracetamol để hạ sốt cho bà bầu có liên quan đến việc làm tăng khả năng trẻ mắc bệnh hen suyễn, chỉ số thông minh (IQ) thấp, giảm khả năng tình dục và chức năng sinh sản, rối loạn tự kỷ, chậm phát triển thần kinh (vận động và giao tiếp), rối loạn tăng động giảm chú ý, giảm khả năng tập trung và các vấn đề về hành vi.
Sử dụng paracetamol trong thai kỳ, đặc biệt là trong 3 tháng cuối thai kỳ, có nguy cơ dẫn đến giảm số lượng tế bào gốc tạo máu và cân nặng em bé sau khi sinh.
Vì có nguy cơ gây ra các tác dụng phụ khác nên paracetamol nên được sử dụng thận trọng, khởi đầu bằng liều thấp nhất có hiệu quả và điều trị trong thời gian ngắn nhất. Do đó, chỉ nên sử dụng trong thai kỳ khi thật sự cần thiết và không có lựa chọn nào an toàn hơn để giảm đau hoặc hạ sốt nhanh chóng cho bà bầu.
Thuốc hạ sốt cho phụ nữ mang thai chỉ được sử dụng khi có tư vấn của bác sĩ.
- Ibuprofen và aspirin: Nghiêm cấm phụ nữ mang thai sử dụng ibuprofen (thuộc nhóm thuốc kháng viêm không steroid - NSAIDs) và aspirin để hạ sốt. Hai loại thuốc này có nguy cơ ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của bé.
Kháng sinh
Nếu nguyên nhân gây sốt là do nhiễm khuẩn, bác sĩ có thể kê kháng sinh. Thông thường, các bác sĩ nhận định phần lớn kháng sinh là an toàn trong thai kỳ. Tuy nhiên, chỉ có 10% thuốc kháng sinh có đủ dữ liệu liên quan đến sử dụng an toàn và hiệu quả trong thai kỳ. Do đó, cần phải đánh giá rủi ro và theo dõi đáp ứng thuốc.
Thuốc kháng virus
Nếu thai phụ có bất kỳ triệu chứng nào của bệnh cúm, nên khám bác sĩ càng sớm càng tốt. Các thuốc kháng virus có hiệu quả nhất khi sử dụng trong vòng 48 giờ sau khi xuất hiện các triệu chứng.
4. Lời khuyên của thầy thuốc
Dùng thuốc hạ sốt cho phụ nữ mang thai chỉ được sử dụng khi có tư vấn của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý sử dụng bất kỳ loại thuốc nào.
Bên cạnh đó, nên ưu tiên các biện pháp phòng tránh nhiễm trùng cũng là để ngăn ngừa sốt khi mang thai như:
- Rửa tay thường xuyên.
- Đảm bảo tiêm phòng cúm và các mũi tiêm phòng khác đặc biệt là sởi-quai bị-Rubella (MMR) trước mang thai. Lý tưởng nhất là tiêm phòng ngừa cúm vào tháng 10, nếu bạn đang mang thai hoặc dự định có thai.
- Giữ gìn vệ sinh thân thể sạch sẽ.
- Tránh tiếp xúc với người bệnh.
- Tránh tiếp xúc với động vật nuôi hoặc chất thải động vật nuôi (mèo, chim gà…).
- Ăn uống khoa học, đủ chất, cung cấp đủ vitamin; tránh đồ ăn chưa chín kỹ, sữa chưa tiệt trùng.
- Uống nhiều nước.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Bạn đã hiểu đúng về thuốc kháng sinh chưa?